(Baonghean) - Hàng loạt thông tin về sản phẩm không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm khiến người tiêu dùng luôn lo lắng, muốn tìm kiếm sản phẩm sạch. Nhưng nghịch lý trên thị trường là sản phẩm VietGAP (sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) sản lượng ít, nhu cầu cao, nhưng lại khó tiêu thụ...
 
Những năm gần đây, tỉnh Nghệ An triển khai sản xuất nông nghiệp sạch theo quy trình VietGAP, được áp dụng trên cây rau màu và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trong đó, Thành phố Vinh xây dựng vùng sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP trên địa bàn 4 xã Nghi Ân, Nghi Liên, Nghi Kim và Hưng Đông; Chi Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Nghệ An cũng triển khai hỗ trợ thực hiện mô hình sản xuất trên cây rau ở xóm 10 xã Diễn Thành (Diễn Châu), nấm ở xã Nam Thành (Yên Thành) và bò sữa ở xã Quỳnh Thắng (Quỳnh Lưu). Ngoài ra, Dự án cạnh tranh ngành Chăn nuôi và An toàn thực phẩm (dự án LIFSAP) cũng đã hỗ trợ 10 xã thuộc 4 huyện Diễn Châu, Nam Đàn, Đô Lương, Nghi Lộc với 30 nhóm nuôi lợn, gà gồm 599 hộ dân tham gia.
 
images1113835_rau_vietgap.jpgChăm sóc rau ở xã Diễn Thành (Diễn Châu).
 
Khó từ sản xuất đến tiêu thụ…
 
Sản xuất rau là nghề truyền thống và thế mạnh của xã Nghi Liên (TP. Vinh). Từ thực tế sản xuất trên đồng ruộng, người nông dân đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm trong luân canh, xen canh rau màu, từ đó tăng hệ số sử dụng đất lên đến 4 - 5 vụ/năm. Và việc quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn theo hướng VietGap là định hướng phát triển bền vững của nền nông nghiệp xã nhà. Hiện tổng diện tích đất trồng rau của toàn xã là 50 ha, sản lượng đạt trung bình từ 1.500 - 1.700 tấn rau/năm; riêng diện tích rau an toàn là 25ha tập trung tại các xóm 2, 3, 4, 5; trong đó có 19 hộ đầu tư xây dựng 7.042m2 nhà lưới. Nhưng theo nhận xét của ông Nguyễn Văn Cần - ở xóm 3: “Trồng rau xanh vất vả hơn các loại cây trồng khác, nhưng do vòng đời của cây rau ngắn, nên có thể luân canh được nhiều vụ. Vì vậy, nếu so sánh về lợi nhuận thì trồng rau hiệu quả kinh tế khá cao. Gần đây, nhờ có chính sách của Nhà nước hỗ trợ đường điện, bể chứa nước, giếng khoan nên việc sản xuất rau thuận lợi hơn nhiều. Chúng tôi làm rau với quy trình kỹ thuật khắt khe do không được sử dụng tùy tiện phân bón, thuốc kích thích nhưng sản phẩm đang phải bán ngoài chợ như các loại rau trồng theo kiểu truyền thống, rất bất hợp lý”… 
 
Sau khi triển khai mô hình tại xã Nghi Liên, Thành phố Vinh đã cung ứng một số địa chỉ để người trồng rau có thể tiếp cận như các siêu thị, trường học mầm non và bếp ăn tập thể. Nhưng tại các trường học mầm non, hợp đồng giao dịch với xã chỉ kéo dài được khoảng nửa năm. Lý do là các trường học yêu cầu cung ứng cả các loại củ, quả như cà rốt, khoai tây, cà chua… trong khi Nghi Liên chủ yếu chỉ sản xuất các loại rau ăn lá. Hay khi đưa rau lên giới thiệu ở Siêu thị Metro, với đầy đủ các loại giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn, hai bên đã thống nhất, đi đến thỏa thuận mỗi ngày Nghi Liên sẽ cung cấp cho siêu thị 3 tạ rau, là lượng chỉ rất nhỏ so với sản lượng thu hoạch được hàng ngày, nhưng bà con ai cũng phấn khởi vì có nơi tiêu thu hàng hóa ổn định. Thế nhưng, mới được dăm tháng hợp đồng đã phải hủy bỏ.
 
Nguyên nhân là rau Nghi Liên vụ chính thường chỉ có từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, trong khi đó siêu thị yêu cầu phải có nguồn hàng ổn định cung cấp quanh năm. Trao đổi về việc này, ông Trần Đức Oanh - Cán bộ Nông nghiệp xã Nghi Liên cho hay: “Xã Nghi Liên có truyền thống trồng rau màu, nhưng lâu nay bà con vẫn trồng theo lối tự phát, theo thói quen chứ chưa theo nhu cầu của thị trường. Do đó, vào mùa chính vụ thì trồng quá nhiều như rau cải, bắp cải, su hào dẫn đến ế thừa, trong khi các loại rau cao cấp khác, đòi hỏi giống tốt thì lại không có. Ngoài ra, nguyên nhân chính là khâu tiêu thụ sản phẩm kém. Khi xây dựng dự án, việc thu mua sản phẩm là do thành phố đảm nhận, nhưng hiện tại trên thành phố chưa có một địa điểm nào bày bán rau an toàn. Đến bao bì đóng gói sản phẩm để chứng minh đây là “rau sạch” cũng chưa ai nghĩ tới. Vì thế rau an toàn không phân biệt được với các loại rau khác là điều dễ hiểu”. 
 
Mô hình “Kiểm soát rau VietGap theo chuỗi” năm 2012 tại xã Diễn Thành (Diễn Châu) trên diện tích 9,57 ha tại xóm 10 với 70 hộ tham gia, do Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Nghệ An hỗ trợ không chỉ mở ra hy vọng đổi mới tư duy sản xuất cho người nông dân, mà còn góp phần xây dựng “vành đai” rau xanh chất lượng cao cung cấp cho địa bàn TP Vinh. Tuy nhiên, sau khi được Trung tâm Chứng nhận phù hợp cấp giấy chứng nhận VietGAP cho sản phẩm su hào, bắp cải, súp lơ, cải ngọt, nhưng đầu ra của sản phẩm vẫn khó khăn...  
 
Không riêng gì rau xanh, sản phẩm chăn nuôi cũng gặp khó  khăn tương tự. Năm 2012, Diễn Trung là 1 trong 10 xã của toàn tỉnh được sở NN&PTNT lựa chọn thực hiện Dự án LIFSAP. Hộ ông Phạm Văn Cần (ở xóm 10) là một trong số các hộ được cấp giấy chứng nhận VietGAP năm 2014. Hiện nay trang trại có 20.000 con gà thịt, 4.000 con gà đẻ; một năm xuất ra thị trường 3 lứa, mỗi lứa từ 15.000 – 17.000 con gà thịt. Quy trình chăn nuôi đều tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn từ con giống, thức ăn, vệ sinh phòng dịch bệnh, xử lý chất thải… Thế nhưng, hiện nay trại gà này chủ yếu bán tự do cho thương lái trực tiếp đến thu mua chứ chưa có “cửa” vào các cửa hàng lớn hay siêu thị. “Để có được chứng nhận này, toàn bộ việc chăn nuôi gà phải tuân thủ theo các quy trình, tiêu chuẩn cực kỳ chặt chẽ, từ con giống, thức ăn đến vệ sinh, phòng dịch bệnh, xử lý chất thải.
 
Con giống có kiểm dịch xác nhận không bị bệnh, có hợp đồng giữa 3 bên, bên cung cấp giống, đơn vị nuôi và đơn vị kiểm tra để khi xảy ra sự cố thì có hướng xử lý kịp thời và quy rõ trách nhiệm. Hay như thức ăn cho gà phải là của công ty có giấy chứng nhận, đóng dấu đỏ của Nhà nước không chứa chất phụ gia có thể gây nguy cơ mất an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Tính trung bình chi phí nuôi gà theo tiêu chuẩn VietGAP tốn hơn khoảng 5 - 10% so với cách nuôi truyền thống, nhưng hiện giá bán cũng không hơn giá gà chợ do trên thị trường vẫn chưa có sự phân biệt giữa sản phẩm chăn nuôi VietGAP với hình thức chăn nuôi đại trà” - ông Phạm Văn Cần cho biết.
 
Giải pháp phát triển bền vững
 
Sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành từ tháng 1/2008. Đến nay, riêng đối với cây rau, UBND Thành phố Vinh đã triển khai xây dựng nhiều mô hình sản xuất an toàn theo hướng VietGap trên địa bàn các xã vùng ven đô. Theo ông Trần Quang Lâm- Trưởng phòng Kinh tế UBND Thành phố Vinh, tính đến nay, thành phố đã có nhiều chương trình, dự án, mô hình đầu tư hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Trong đó ưu tiên cho chương trình sản xuất mở rộng và phát triển vùng sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap và tiêu thụ sản phẩm nhưng hiệu quả đạt được chưa cao. Nguyên nhân là do các mô hình, chương trình chưa tính đến hiệu quả kinh tế theo định hướng thị trường và chưa tính đến khả thi khi người dân tách khỏi sự hỗ trợ của Nhà nước. Từ đó dẫn đến mô hình sử dụng vốn ngân sách có sẵn không thực sự đặt ra mục đích hiệu quả kinh doanh. Riêng đối với mô hình sản xuất trong nhà lưới, người dân vẫn chưa chịu khó, chưa dày công thực hiện đúng quy trình kỹ thuật canh tác; còn thiếu năng động, nhạy bén trong việc ứng dụng và tìm kiếm các loại rau, củ quả thị trường cần ở từng thời điểm, từng mùa vụ,…
 
 Để tháo gỡ những khó khăn và mở ra hướng phát triển cho rau an toàn, UBND Thành phố Vinh đã xây dựng đề án phát triển bền vững các vùng rau an toàn có tính đến năm 2017. Mục tiêu đề án sẽ tạo ra vùng sản xuất rau an toàn ổn định theo hướng VietGap có quy mô tối thiểu 50ha trên địa bàn các xã Nghi Ân, Nghi Liên, Nghi Kim và Hưng Đông. Đảm bảo bao tiêu toàn bộ hàng hóa sản xuất với đầy đủ hệ thống sơ chế, chế biến, bảo quản và phân phối; xây dựng thương hiệu “Rau an toàn Thành phố Vinh” được người tiêu dùng chấp nhận và tiêu thụ rộng rãi trên thị trường; tổng kinh phí thực hiện đề án là trên 7 tỷ đồng…
 
Mặc dù việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP gặp rất nhiều khó khăn, nhưng đây là giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đảm bảo an toàn thực phẩm. Theo ông Trương Minh Châu - Trưởng phòng Trồng trọt sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn: “Một nút thắt cần sớm được tháo gỡ là sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn GAP gần như chưa có kênh tiêu thụ riêng, chưa xây dựng được độ tin cậy cho người tiêu dùng. Điều cần làm trước mắt là tăng cường liên kết để xây dựng kênh tiêu thụ đảm bảo ổn định giá cả và đầu ra sản phẩm. Cần xây dựng khu bán sản phẩm VietGAP riêng, có quảng cáo bằng trực quan sinh động để người dân nâng cao nhận thức trong chăn nuôi cũng như tiêu dùng”. 
 
Còn nói về khâu tiêu thụ đối với mặt hàng rau, ông Dương Văn Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Nghệ An cho rằng: “Ngân sách từ các chương trình mục tiêu quốc gia chỉ hỗ trợ để xây dựng quy trình VietGAP thực hiện ở khâu trồng và hái, còn khâu sơ chế chưa làm được. Để làm theo đúng quy chuẩn GAP, ngoài việc ghi chép, theo dõi trong quá trình sản xuất, khi thu hoạch phải có nhà sơ chế, phải loại bỏ sản phẩm không đạt. Và điều quan trọng nhất để gây dựng niềm tin cho người tiêu dùng là sản phẩm phải có bao bì đóng gói sản phẩm, có logo nhãn hiệu. Và ở khâu này người sản xuất phải tự bỏ chi phí đầu tư, nhưng tâm lý người dân vẫn trông chờ vào ngân sách hỗ trợ. Để tháo gỡ khó khăn đòi hỏi huyện, xã phải phối hợp với cơ quan cấp tỉnh nâng cao chất lượng và vệ sinh ATTP của các sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Hiện Chi cục đã đề nghị sở Nông nghiệp tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng đề án “Tăng cường nâng cao năng lực quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm” theo Quyết định 809 của Thủ tướng Chính phủ.
 
Sản phẩm VietGAP đã được hiện hữu trên thị trường, nhưng lại chưa được người tiêu dùng đón nhận do chưa có cơ sở hay tiêu chí nào để nhận biết. Vai trò của các ngành quản lý là kết nối để 2 bên trao đổi, ký kết hợp đồng cung ứng và tiêu thụ nông sản VietGAP và tiếp tục theo dõi để tháo gỡ khi gặp vướng mắc. Việc giá thành cao hơn 5% - 10% không là khó khăn khi nhận thức của gười tiêu dùng nhận thấy an toàn thực phẩm giúp bảo vệ sức khỏe. Vì vậy, người sản xuất phải chứng minh được cho khách hàng sản phẩm của mình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP về mặt hình thức nhận diện. Khi sản phẩm đã có nhãn hiệu, gắn logo VietGAP, các nhà phân phối, nhà trung gian, nhà nhập khẩu và người tiêu dùng sẽ an tâm mua, sử dụng. Từ đó, tạo hiệu quả sản xuất và cạnh tranh trên thị trường.                                                                
Ngọc Anh