Lên với Huồi Tụ (Kỳ Sơn) những ngày xuân để được đi "chợ tình", được uống rượu ngô đượm đà hương núi, thấy những chàng trai Mông trong trang phục truyền thống đang ôm cây khèn bè, chân nhảy lò cò. Mảnh đất nơi biên cương heo hút này đang hiện hữu sự đổi thay no ấm từng ngày...
Sáng chữ, sáng lòng
Huồi Tụ mùa này sương mây dày đặc, đứng gần mà chẳng nhìn thấy rõ mặt nhau, ở đây mọi thứ đều trở nên mờ ảo, đất trời rừng núi cứ như lẫn vào nhau. Vượt qua những cung đường dốc cao vực thẳm, trơn trượt, trưa buổi chúng tôi mới vào được Huồi Tụ. Nằm giáp ranh với Mường Lống, địa thế chủ yếu là đất dốc nên tìm một chỗ bằng phẳng để dựng nhà rất khó khăn. Những mái nhà xám bạc như chì nung của người Mông lẩn khuất bám quây quần vào những chóp núi nom như tổ chim.
Già làng Xồng Tồng Cùa giải thích: "Huồi Tụ có nghĩa là hội tụ, tất cả các bản làng xa gần đều ở sát nhau trên các ngọn núi. Xưa kia đây từng là thủ phủ của cây thuốc phiện, số người nghiện ngập khá đông, cuộc sống càng trở nên tối tăm, dân Mông phải sống "đói cơm nhạt muối".
Từ năm 1995, Nhà nước có chủ trương xoá cây thuốc phiện thì người Mông ở Huồi Tụ quyết tâm làm giàu bằng chính mồ hôi nước mắt của mình". Già Cùa nhấp ngụm rượu ngô mắt sáng lên: Bản làng biết ơn Nhà nước, đặc biệt là các thầy cô giáo, họ là những ngọn đuốc sáng như tình người cắm bản thì người Mông ta mới biết được cái chữ để xoá đi những tháng ngày tăm tối."
Men theo con dốc chúng tôi vào thăm các thầy cô giáo ở trường THCS Huồi Tụ. Khu ký túc xá vắng teo, thầy giáo Nguyễn Quốc Tâm quê huyện Yên Thành cho biết: Các thầy cô đang đi xuống suối xách nước, nước sinh hoạt ở đây thiếu quanh năm, cứ hết giờ dạy là tất cả đều thay nhau đi cõng nước. Chẳng thế mà vào phòng nào cũng thấy ngổn ngang can đựng nước.
Dãy ký túc xá có 14 phòng thì có 6 phòng mới được tu sửa còn lại vẫn là tranh tre dột nát, ở trên chóp núi sương mây lộng gió nhiều đêm lạnh giá các thầy cô phải đốt lửa sưởi ấm. Trường có 33 giáo viên thì 30 giáo viên ở dưới xuôi, thậm chí có những giáo viên nữ dưới xuôi lấy chồng người Mông cống hiến lâu dài cho sự nghiệp trồng người nơi đây. Thầy Tâm tâm sự thêm: Bà con người Mông ở Huồi Tụ sống tình cảm lắm, trước khi giáo viên "hạ sơn" về quê ăn tết có người vác lên con lợn "nít" đen trũi lên biếu, hoặc ít gạo Mông...
Bọn em ăn tết xong là phải lên sớm hơn để lo vận động học sinh đến trường. Bởi nhiều em trốn ở nhà để giúp gia đình lên nương rẫy, thậm chí có em bị gia đình ép "bắt vợ" nên phải bỏ học. Thầy Luyện quê ở Nam Đàn kể: Đầu tết nguyên đán bọn em phải vượt núi vào những bản xa như Na Ni, Phà Xắc, Huối ức.... để vận động học sinh. Nhiều phụ huynh cảm động đã thay đổi ý định, cho con theo thầy xuống núi tìm con chữ.
Hiện tượng "bắt vợ" bỏ học ở Huồi Tụ mấy năm qua đã giảm rõ rệt, bởi người dân cũng ý thức được việc học của con em mình lắm. Phía bên kia ngọn núi là Mường Lống từng có học sinh người Mông đậu thủ khoa đại học như tấm gương để người Mông ở Huồi Tụ noi theo.
Tại trung tâm bản Huồi Đun chúng tôi thấy dọc các triền núi là san sát những túp lều nhỏ, đó là những "tổ chim" mà các em dựng lên để trú ngụ trong hành trình đi tìm con chữ. Thầy Tâm rơm rớm nước mắt: "Thương các em lắm, chừng ấy tuổi đầu phải rời mái ấm gia đình tự bươn chải để đi học, nhiều giáo viên của trường còn quyên góp để cho các em thêm tiền mua sách vở, tiền bút giấy..." Già Cùa cười vui: Người Mông ta giờ đều biết cái chữ để thảo lá đơn, biết con số để tính toán làm ăn kinh tế nuôi trâu bò, trồng chè san tuyết.
Trồng chè san tuyết dễ như lúa rẫy
Từ đỉnh Huồi Đun cao trên 1.200m nhìn xuống dưới trời sương là bát ngát một màu xanh của chè san tuyết. Ông Lỳ Chia Chư- Bí thư Đảng ủy xã nói: Sau khi phá được những nương thuốc phiện thì người dân lâm vào cảnh không biết sẽ trồng cây gì để mà kiếm sống nơi vùng đất quanh năm mây phủ này. May là Nhà nước đã cho thành lập Tổng đội TNXP 8 mà lực lượng xung kích là con em người Mông khai hoang trồng cây chè san tuyết.
Anh Nguyễn Hữu Trạch -Tổng đội phó kể thêm: Năm 2003 bắt đầu khai hoang mở đất gian nan lắm bà con nhiều người nghĩ là Tổng đội lên chiếm đất của bản làng. Nhưng không quản ngại khó khăn thách thức những người trẻ ngay từ buổi ban đầu đã chứng minh cho dân bản thấy được khát vọng của mình là mở đất để "tìm kho báu" giúp dân thoát nghèo. Những ngày đầu anh em dựng lều bạt ngủ tạm giữa rừng hoang, khai hoang đến đâu thì cải tạo trồng rau xanh đến đó.
Dọc các khe suối anh em Tổng đội kết hợp với người Mông khai hoang ruộng nước, đến vụ thu hoạch lúa chắc mẩy ai cũng kéo đến xem. Từ đó dân Mông tin Tổng đội, họ cùng đồng lòng mở đất đánh thức vùng rừng núi giàu tiềm năng này. Đến thời điểm này, Huồi Tụ có trên 350 ha chè san tuyết, thành lập được làng thanh niên lập nghiệp người Mông trồng chè san tuyết kết hợp chăn nuôi trâu bò.
Nhiều thanh niên Mông đã giàu lên nhờ từ chè san tuyết như gia đình anh Dềnh Bá Mai trồng trên 2 ha chè san tuyết, anh Vừ Vả Chống trồng hơn 1 ha, chăn nuôi 7 con bò... Trong sương mây bay ràn rạt, tại xưởng chế biến sao thành phẩm chè những thanh niên Mông đang cần mẫn chọn lựa búp chè để chế biến. Sản phẩm ra lò là những hộp trà thật đẹp mang thương hiệu "chè tuyết san". Chè tuyết san đang ngày càng được nhiều người biết đến bởi độ thơm ngon tinh khiết với hương vị đặc trưng. Sản phẩm này còn được xuất bán sang các nước Thái Lan, Malaysia...
Bí thư Lỳ Chia Chư rít hơi thuốc thật sâu cười vui: Người Mông ta giờ trồng chè san tuyết dễ như trồng lúa rẫy trên nương. Nhờ được hướng dẫn bà con biết cách chọn giống, tạo tán cho cây, chăm sóc để chè cho năng suất chất lượng cao nhất. Thu nhập của các hộ dân trồng chè san tuyết đều đạt bình quân trên 40 triệu đồng/năm.
Huồi Tụ giờ đang đổi thay từng ngày, là trung tâm giao lưu buôn bán hàng hoá phục vụ cho cả các xã Mường Lống, Na Loi, Đoọc Mạy... Nhiều thanh niên Mông tích góp được từ chè san tuyết đã sắm được ô tô vận tải để vận chuyển hàng hoá từ Thị trấn Mường Xén vào Huồi Tụ.
Như anh Hờ Giống Xanh 35 tuổi, vợ là Vừ Y Mái ở Huồi Lê đã sắm được ô tô tải trị giá trên 200 triệu đồng. Anh Xanh nói: Mỗi chuyến vào ra vận chuyển trừ chi phí còn lãi được 600.000 đồng. Từ dịch vụ vận tải phát triển mà riêng trung tâm xã Huồi Tụ có trên 50 ky ốt, đại lý phục vụ đủ các mặt hàng. Nhờ được Nhà nước quan tâm đầu tư Huồi Tụ đã xây dựng được trường học THCS cao tầng, xây dựng mới trụ sở UBND xã, trạm y tế đa khoa. Đời sống ngày càng được nâng cao, 80% bà con có ti vi, 60% có xe máy. Bà con phát huy lợi thế phát triển chăn nuôi, hiện tại có trên 3.700 con bò, trên 4.000 con lợn... nhiều hộ gia đình có từ 20-30 con bò thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Xã đã quy hoạch được các đồng cỏ tự nhiên ở Na Li, Huồi Pu, khai hoang được hàng chục ha lúa nước ở Huồi Niệng, Huồi Mu. Sắp tới con đường từ Huồi Tụ về Thị trấn được Nhà nước đầu tư "nhựa hoá" sẽ là bước đột phá để Huồi Tụ phát triển kinh tế bền vững hơn nữa.
Trưa ở Huồi Tụ chìm trong sương mây, phiên "chợ tình" vẫn chưa vãn khách, họ đến chợ cốt để được gặp nhau, được vui, được "bắt vợ", hơi thở nồng mùi rượu ngô. Xa rồi tôi vẫn còn nghe tiếng khèn lá trong veo gọi bạn, trai gái hẹn nhau phiên chợ tình sau nhé !