Nghe tiếng ông Lô Khánh Xuyên, một người tâm huyết với văn hoá Thái và việc truyền giữ chữ Thái ở Quế Phong đã lâu, lần này lên tham dự lễ hội đền Chín Gian, tôi quyết không bỏ qua cơ hội gặp gỡ "Ông già chữ Thái".

763087_small_54814.jpg
Hỏi thăm nơi sinh sống của gia đình ông Xuyên, mấy thanh niên vốn từng là học viên các lớp chữ Thái vui vẻ đưa tôi đến bản Dốn, xã Mường Nọc. Người nhà bảo ông vừa ốm dậy, nhưng nghe tin có khách từ dưới xuôi lên thăm, một lát sau ông bước ra tiếp chuyện. Khi biết tôi muốn tìm hiểu về việc truyền giữ chữ Thái cổ, vẻ mệt mỏi, ốm yếu của tuổi già dường như tan biến, ánh mắt bỗng vụt lên những tia sáng, vẻ mặt tươi tỉnh lạ thường.

Ông kể về những ngày tuổi thơ của mình tại bản Piếng Chào, xã Châu Kim (Quế Phong), nơi ngày xưa có tên gọi Mường Tôn, có đền Chín Gian, là trung tâm của chín bản mười mường. Ngày đó, gia đình cậu bé Xuyên ở gần nhà tri phủ Phủ Quỳ. Là bạn đồng niên của con trai tri phủ, hai đứa trẻ chơi với nhau khá vô tư, không ai nghĩ tới giới hạn, khoảng cách. Cậu công tử con nhà quan được bố mẹ mời thầy về tận nhà dạy học.

Với bản tính thông minh, hiếu học, cậu bé Xuyên thường mượn sách của bạn về nhà tự học, có chỗ nào chưa hiểu thì nhờ bạn bày để rồi thu lượm được vốn chữ Thái kha khá. Mỗi khi nhà tri phủ tổ chức diễn kịch, hát giao duyên bằng tiếng Thái, cậu Xuyên luôn có mặt. Cậu con trai nhà tri phủ còn được thuê thầy về dạy chữ quốc ngữ nhưng cậu ta chỉ chịu học khi có người bạn đồng niên ngồi ngoài cửa chờ để học xong thì đi chơi. Ngồi chờ bạn, Xuyên lại mượn giấy bút để học "lỏm", một thời gian sau cậu đã đọc thông viết thạo.

Sau Cách mạng Tháng Tám, Quế Phong là một trong những địa phương mà hầu hết người dân chưa biết chữ quốc ngữ, thậm chí chưa biết nói tiếng phổ thông. Lúc này, Lô Khánh Xuyên tích cực tham gia dạy bình dân học vụ với mong muốn đem ánh sáng văn hoá của Đảng về mảnh đất quê hương vốn còn lắm gian nan, tăm tối. Tròn 17 tuổi (năm 1953), Lô Khánh Xuyên tạm biệt quê hương để đi học Trường Sư phạm Việt Bắc (đóng tại Tuyên Quang).

Tốt nghiệp ra trường, ông được phân công về dạy học ở huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình. Một thời gian sau được chuyển công tác về Phòng Giáo dục huyện Quế Phong, đến năm 1983 nghỉ hưu với chức vụ Trưởng phòng Giáo dục (sau 15 năm giữ chức vụ này). Về nghỉ hưu, ông có thời gian để cất công đi sưu tầm các tài liệu, văn bản viết bằng chữ Thái cổ.

Điều này xuất phát từ thực tế bản sắc văn hoá dân tộc Thái đang đứng trước nguy cơ ngày càng mai một trong quá trình giao lưu văn hoá, đặc biệt là chữ viết và kho tàng văn học dân gian. Trước tiên là tìm đến những cụ già còn cất giữ các tài liệu chữ Thái cổ, biết rõ thiện chí và tấm lòng của ông Xuyên nên ai cũng sΩn lòng "gửi vàng". Rồi lại cất công đến những bản xa hàng mấy ngày đường để sưu tầm, ghi chép những câu chuyện cổ, tục ngữ, câu ca, khúc hát của người xưa.

Qua đó, ông Xuyên nhận thấy khát vọng lớn lao của cha ông trong việc chinh phục núi rừng, bảo vệ mường bản cũng như vẻ đẹp tâm hồn, sự tinh tế của những chàng trai, cô gái Thái trong tình yêu đôi lứa, hoặc sự đúc kết về kinh nghiệm ứng xử trong cộng đồng. Những gì sưu tầm, gom nhặt được sau những chuyến đi và những lần gặp gỡ, ông góp phần vào việc cho ra đời công trình "Tục ngữ, dân ca và ca dao người Thái" (đã in) và công trình "Hát giao duyên của người Thái" đang nằm ở dạng bản thảo. Ông còn ấp ủ dự định tiếp tục sưu tầm, bổ sung để hoàn thiện tác phẩm "Anh hùng ca Khủn Chưởng", một thiên sử thi đặc sắc của dân tộc Thái.

Biết tiếng ông Xuyên là người am hiểu văn hoá Thái, nhiều người làm khoá luận tốt nghiệp đại học, luận văn thạc sĩ cũng như luận án tiến sĩ liên quan đến vấn đề này tìm nhờ ông xem và góp ý cho bản thảo.

Ngoài việc rong ruổi khắp "chín bản mười mường" để nhặt tìm vốn cổ, ông còn vận động con cháu trong gia đình, con em trong các bản và các thầy cô giáo, cán bộ các cấp đến nhà học chữ Thái. Có thời gian căn nhà đơn sơ tại bản Dốn của gia đình ông suốt ngày đông đúc trẻ em người Thái đến học nét chữ của tổ tiên. Dân bản gọi ông một cách trìu mến là "Ông già chữ Thái". Các học viên đến học không mất một khoản kinh phí nào, thậm chí "ông già chữ Thái" còn bỏ tiền túi đầu tư cơi nới mái hiên làm lớp học, sắm sửa bàn ghế và phôtô tài liệu cho học viên.

Nhiều lần phụ huynh và các học viên đề nghị hỗ trợ thêm kinh phí để thầy bồi dưỡng sức lực và sắm sửa trang thiết bị nhưng ông nhất quyết chối từ. Bởi với ông, được truyền dạy chữ Thái cho thế hệ sau là một niềm vui lớn, ông tâm niệm: "Thêm một người đến học là thêm một cơ hội bảo tồn nét chữ tổ tiên". Hiện tại, ông còn là thành viên của tổ biên soạn chữ Thái ở Nghệ An (thuộc Trung tâm chữ Thái Việt Nam).

Ông cho biết, việc truyền dạy và phổ biến chữ Thái hiện còn gặp khá nhiều khó khăn, vướng mắc. Việc dạy học chữ Thái lâu nay chỉ mang tính tự phát, giáo trình chưa được thẩm định. Đó là chưa kể các ban, ngành địa phương chưa thực sự tâm huyết với vấn đề này nên việc mở rộng đối tượng và địa bàn của các lớp truyền dạy chữ Thái chưa thực hiện được, trong khi đó ở huyện Quỳ Hợp và Tương Dương bước đầu đã thực hiện.

Đã bước qua tuổi "cổ lai hy" (năm nay 74 tuổi) nhưng lúc tiễn tôi ra về, "ông già chữ Thái" nắm chặt tay và bộc bạch tâm nguyện của mình: "Là người con của Mường Tôn, trung tâm của "chín bản mười mường", còn sống ngày nào tôi sẽ làm mọi việc có thể để đưa vốn văn hoá Thái trở về với con cháu hôm nay.

Tôi tin một ngày không xa, chữ Thái sẽ được đưa vào giảng dạy cho con em dân tộc Thái trong các trường học phổ thông, và chữ Thái sẽ thực sự hồi sinh trên đất Phủ Quỳ xưa". Rời xa vùng đất Quế, tôi luôn mong cho những dự định và ước mơ của ông Lô Khánh Xuyên sớm trở thành hiện thực.


Bùi Công Kiên