Sự kiện phòng không Syria bắn hạ niềm tự hào của Israel - F-16I hôm 10/2 đã gây chấn động Trung Đông. Bởi lẽ, từ trước tới nay, F-16I luôn coi hệ thống phòng không Syria chỉ là ''tấm lưới rách''.
F-16I được thiết kế theo công nghệ của Israel, tích hợp nhiều tính năng ưu việt như hiển thị kính lái, liên lạc qua vệ tinh, thiết bị dẫn đường và chỉ thị mục tiêu Litening II.
Vũ khí F-16I gồm tên lửa không đối không tầm ngắn Python 5, bom điều khiển bằng laser và bom dẫn đường bằng vệ tinh JDAM.
Hồi đầu năm 2017, giới lãnh đạo Israel đã ra lệnh cho một tốp máy bay chiến đấu F-16I của lực lượng không quân mở một tấn công vào căn cứ không quân chiến lược T4 (Tiyas), nằm cách thành cổ Palmyra 60-80km về phía Tây.
Giới chức Israel gọi cuộc tấn công này là "dùng một hòn đá để đánh mấy con chim''. Sự so sánh này cho thấy Israel tự tin về chiến đấu cơ F-16I của họ như thế nào.
Trong suốt 10 năm qua, không quân Israel hành hoành trên bầu trời Syria như chốn không người. Thế nhưng sự kiện hôm 10/2 đã khiến Tel Avip phải suy nghĩ lại.
Điều gì đã giúp Syria hạ gục F-16I thần thánh của Israel? Có lẽ chỉ có Moscow mới có thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất cho sự lột xác của lực lượng phòng không Syria.
Năm 2016, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố, hệ thống tên lửa phòng không bắn xa nhất của Syria S-200 đã được tân trang lại và bắt đầu góp phần vào mạng lưới chống xâm nhập/chống tiếp cận (A2/AD) ở khu vực Đông Địa Trung Hải.
Trước khi có S-400, S-200 là tên lửa phòng không đạt tầm bắn xa nhất thế giới, vượt xa cả tầm bắn của S-300.
Tên lửa S-200 có tầm bắn lên đến 240 km với độ cao tác chiến lên đến 40 km, tốc độ lên đến 2.500 m/s, xác suất tiêu diệt mục tiêu khoảng 85%.
Phiên bản mà Quân đội Syria sử dụng được cho là S-200VE Vega E trang bị đạn tên lửa 5V28E. Phiên bản 5V28E đều trang bị 4 động cơ khởi tốc nhiên liệu rắn gắn dọc thân tên lửa và động cơ chính đặt ở trung tâm thân dùng nhiên liệu lỏng.
Khi bắn, 4 động cơ rocket phụ sẽ khởi động trước đưa tên lửa rời khỏi bệ phóng, cháy hết nhiên liệu (từ 3-5,1 giây) nó sẽ tự động tách khỏi thân tên lửa. Sau đó, động cơ chính được kích hoạt đưa tên lửa bay tới mục tiêu (thời gian cháy 51-150 giây.
Mỗi quả tên lửa lắp đầu đạn nổ phân mảnh nặng 217kg (chứa bên trong 16.000 mảnh nhỏ loại 2g và 21.000 mảnh nhỏ 3,5g) cho bán kính sát thương rất lớn.
Radar điều khiển hỏa lực của tên lửa có tầm bắt bám mục tiêu ở cự ly 270km, radar cảnh báo sớm P-14/5N84A có tầm phát hiện mục tiêu lên đến 600 km, vượt ngoài tầm phát hiện của các loại máy bay chỉ huy/báo động sớm của NATO.
Có một sự thật không thể phủ nhận, sau khi được nâng cấp, S-200 là hệ thống tên lửa phòng không có đủ sức để hạ bệ niềm tự hào của không quân Israel - F-16.
Đó là chưa tính đến việc hệ thống phòng không Syria được chia sẻ các dữ liệu từ các máy bay cảnh báo sớm hay radar phòng không S-400 của Nga.
Trong tác chiến phòng không, việc phát hiện được máy bay tập kích là yếu tố quan trọng nhất, do đó, mặc dù các hệ thống S-400 im tiếng, nhưng những dữ liệu radar Nga chuyển giao cho phòng không Syria cũng đủ để giúp S-200 hạ gục những chiếc máy bay F-16 của Israel.