Trong một báo cáo mang tên "Đánh giá mối đe dọa toàn cầu của cộng đồng tình báo Mỹ" được công bố ngày 13/2, các cơ quan tình báo Mỹ, gồm Cục điều tra liên bang (FBI) và Cục tình báo trung ương (CIA) cho biết Nga và Trung Quốc đang theo đuổi chế tạo "các vũ khí chống vệ tinh (ASAT) để làm giảm năng lực quân sự của Mỹ và các đồng minh".
Các vũ khí chống vệ tinh này, trong đó có tên lửa đạn đạo đặt trên mặt đất, được thiết kế nhằm phá hủy các hệ thống hoạt động trên không gian.
"Theo đánh giá của chúng tôi, nếu một cuộc chiến trong tương lai nổ ra với sự tham gia của Nga hoặc Trung Quốc, một trong hai nước này sẽ xem các cuộc tấn công nhằm vào các vệ tinh của Mỹ cùng đồng minh là cần thiết để đối phó lợi thế quân sự mà Mỹ có được từ các hệ thống không gian quân sự, dân sự và thương mại" - báo cáo trên đánh giá.
Theo báo cáo, trong vài năm qua, cả Matxcơva và Bắc Kinh đều tập trung xây dựng các lực lượng "sẵn sàng hành động" chuyên tấn công các hệ thống không gian.
Trong khi đó, về mặt công khai và ngoại giao, Nga và Trung Quốc sẽ tiếp tục xúc tiến các thỏa thuận quốc tế về phi vũ trang trên không gian, đồng thời hai nước sẽ tuyên bố rằng không gian nhất thiết cần là môi trường hòa bình.
Đáng quan ngại hơn, theo đánh giá của giới tình báo Mỹ, Nga và Trung Quốc sẽ tiếp tục phóng các vệ tinh thí nghiệm lên không gian. Các vệ tinh này sẽ tiến hành nhiều hoạt động phức tạp quanh quỹ đạo với ít nhất một trong số chúng được dùng để tăng năng lực "chống không gian".
Cộng đồng tình báo Mỹ cho rằng các vũ khí ASAT hủy diệt của Nga và Trung Quốc sẽ sở hữu năng lực tấn công sơ bộ trong vài năm tới.
Cựu Tư lệnh Không quân Nga Viktor Bondarev, hồi năm 2017, từng nói rằng các cuộc chiến tranh trong tương lai có thể sẽ có sự tham gia của các vũ khí chống không gian. Các vũ khí này sẽ được dùng để làm tê liệt các hệ thống định vị, theo dõi, trao đổi thông tin… nhằm giảm năng lực tấn công chính xác của địch.