(Baonghean) - Những bãi đất màu ven đồi, hay những mảnh ruộng bên con khe, suối của bà con dân tộc Đan Lai ở khu tái định cư (TĐC) Cửa Rào và Tân sơn (xã Môn Sơn, huyện Con Cuông) trước đây trồng cây gì cũng phụ thuộc thời tiết, thì bây giờ đã thành ruộng bậc thang, hứa hẹn những vụ mùa bội thu...
 
Chúng tôi đến khu TĐC người Đan Lai ở bản Tân Sơn và Cửa Rào của xã Môn Sơn vào một ngày cuối tháng 10. Khác những lần đến trước, lần này sự mới lạ là khu vực đất sản xuất trước bản bây giờ đã thành những ô thửa ruộng bậc thang phẳng phiu, bờ vùng, bờ thửa thẳng tắp, còn nguyên màu đất mới. Xung quanh được bà con dân bản dùng tre rào chắn cẩn thận.
 
Anh Vi Viềng Anh, cán bộ nông nghiệp xã, cho biết: Được sự đầu tư của Nhà nước, cách đây hơn 1 năm, nhiều máy móc vào san ủi để khai hoang ruộng chia cho bà con. Trước đây, do đất sản xuất chưa ổn định, địa phương không chia đất lâu dài. Nhiều gia đình đã biết tận dụng những diện tích gần khe, suối để khai hoang ruộng nước, do vậy xẩy ra tình trạng hộ này có ruộng, hộ kia không có. Đất màu cũng vậy, hộ ít, hộ nhiều, không công bằng, dẫn đến đời sống của một số gia đình bấp bênh. Tháng 4/2013, Nhà nước cải tạo xong ruộng, diện tích gần 14 ha, đã bàn giao toàn bộ đất cho xã quản lý. Trong đó, bản Cửa Rào 6 ha, Tân Sơn 8 ha. Sau khi bàn giao đất, mặc dù địa phương chưa tổ chức chia đất sản xuất cho dân, bà con TĐC đã tiến hành cấy lúa và trồng đậu xanh trên một số diện tích. Do đất mới cải tạo, bà con lại không có điều kiện đầu tư, nên năng suất cây trồng thấp. Sắp tới, xã sẽ chia đất cho từng hộ dân.
 
images869295__dsc1843.jpgTrạm bơm Tân Sơn được xây dựng từ năm 2009.
Bà La Thị Nguyệt, Trưởng nhóm sản xuất khu TĐC Đan Lai, nói: “Nhìn những đám ruộng bậc thang đẹp mắt lắm. Lo nhất là không có đủ nước để cấy lúa. Vùng này không có nguồn nước tự chảy, nên nước sản xuất hoàn toàn phụ thuộc trạm bơm, mùa khô nước không đủ tưới. Vừa khai hoang xong, khó sản xuất, bà con đã xác định, phải mất 3 - 4 năm, cây trồng mới cho năng suất cao. Hàng ngày, tôi vận động bà con thu gom phân chuồng, cùng với đi chặt cây phân xanh về băm nhỏ, ủ thành phân để sắp tới bón cho ruộng...”.
 
Còn ông Lương Đình Hoa - Phó Chủ tịch UBND xã Môn Sơn băn khoăn: Trạm bơm Tân Sơn xây dựng từ năm 2009, do công suất cao, tiêu thụ năng lượng điện lớn, nên hàng năm huyện chỉ đạo hạn chế thời gian vận hành trạm bơm, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Sau khi 14 ha đất vừa khai hoang xong đưa vào sản xuất, chắc chắn số giờ, ngày vận hành máy bơm sẽ nhiều hơn trước, UBND huyện cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ tiền điện để người dân Đan Lai ở đây sản xuất thuận lợi.
 
Năm 2012, UBND huyện đã chi hơn 70 triệu đồng cho vận hành Trạm bơm Tân Sơn (cao nhất so với các trạm bơm trong huyện). Đã có nhiều ý kiến băn khoăn, vì thực tế cho thấy, chi phí cho việc bơm nước phục vụ sản xuất tại khu TĐC Đan Lai cao hơn giá trị sản lượng nông sản thu về, huyện cần tính toán phù hợp. Thiết nghĩ, để có được Trạm bơm Tân Sơn và 14 ha đất khai hoang cho người dân ở đây, Nhà nước đã đầu tư trên 20 tỷ đồng. Do vậy, UBND huyện Con Cuông cần tiếp tục tạo chính sách cho trạm bơm hoạt động hiệu quả, tạo cơ hội cho bà con tiếp cận với phương thức sản xuất mới, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp...
 
 
Xuân Hoàng