(Baonghean) - Người miền xuôi cất giấu tiền bạc, của quý trong rương hòm, két sắt để chống mất trộm. Người Thái cũng có một vật dụng cất giấu những đồ dùng quý giá, không vững chãi như chiếc két sắt. Đó là cái cà bèm...

Người Thái gọi đó là chiếc cà bèm, một vật dụng bằng đan lát. Nó thường có hình trụ, đáy vuông, có nắp, được đan bằng tre nứa, hoặc mây. Nhìn bề ngoài, cà bèm giống chiếc gùi, nhưng công dụng của nó hoàn tòan không giống chiếc gùi. Nơi chốn của cái gùi là trên lưng người phụ nữ khi đi rãy, đi nương. Còn chiếc cà bèm chỉ để trong căn buồng kín đáo, chỉ để đựng những thứ theo bà con vùng cao là quý giá nhất. Ngày trước, đó là vải vóc, váy áo, thậm chí có cả bạc nén, vàng hay những đồ trang sức...

images869297_untitled_1.jpgChiếc "cum", một hình thức khác của cà bèm ở Bảo tàng các dân tộc Tây Bắc Nghệ An.
Những năm gần đây, bản Vẽ, xã Yên Na (Tương Dương) đang trong quá trình đô thị hóa. Người ta bắt đầu thích ở nhà xây thay nhà sàn truyền thống. Từ ngày có công trình thủy điện, có đường nhựa vào bản, cuộc sống của cộng đồng với 167 hộ này đổi thay đáng kể. Thế nhưng, người dân vẫn giữ nếp bản. Nghề rãy vẫn còn, nên về bản vào mùa này vẫn thấy trên chiếc kho ("lắc" - tiếng Thái), lúa xếp thành từng liền vàng ươm, đều tăm tắp.
 
Ông Lô Xuân Hoa, năm nay đa ngoài 60 tuổi tỏ ra ngạc nhiên khi chúng tôi hỏi về chiếc cà bèm, nhưng rồi ông cũng vui vẻ chặc lưỡi: "Đúng rồi đấy, báo chí cũng nên tìm hiểu nhiều hơn về văn hóa miền núi để nhiều người biết đến". Ông cho biết thêm, từ nhiều năm nay người ta dùng rương hòm, va li, cặp số, dường như quên mất chiếc cà bèm.
 
Ông Lô Xuân Hoa bên chiếc cà bèm.
 
Sau khi vui vẻ mở căn buồng và bưng chiếc cà bèm ra để giữa nhà, ông kể: Cách đây 50 năm, ngày ấy ông vừa 17 tuổi, chọn được người con gái ưng ý, ông liền về nhà xin cha mẹ chọn người làm mối đi hỏi vợ. Vào ngày cưới, một trong những sính lễ không thể thiếu là vải vóc, nén bạc, tất cả đều phải cất vào cái cà bèm rồi gùi đi. Khi ấy trong nhà không có cà bèm, phải đi đến bản của người Khơ mú mua về. Chiếc cà bèm có 2 lớp, trong bằng cật nứa, ngoài bằng mây đan nong hai. Chính vì kỳ công vậy, lại chỉ để trong nhà, nên chiếc cà bèm dẫu đã trải qua nửa thể kỷ, vẫn còn rất chắc.
 
Theo ông Lô Xuân Hoa, thì ngày nay bản Vẽ cũng như nhiều làng bản khác không còn ai làm cà bèm nữa. Lý do đơn gian, bởi hiện tại không ai còn nhu cầu mua vật dụng này. Đối với nhiều gia đình, đó chỉ như một đồ vật thừa. Những đồ quý giá như tiền bạc, trang sức đều được cất cẩn thận trong rương, hòm, thậm chí là két sắt. Ngày nay, cuộc sống đã thay đổi nhiều, chiếc cà bèm không còn là nơi an toàn để giấu của nữa!
 
Ở bản Mòng 1, gần trung tâm xã Cắm Muộn (Quế Phong), còn một số người biết làm cà bèm. Tuy nhiên, chỉ để phục vụ nhu cầu của những cụ ông, cụ bà thích những vật dụng truyền thống. Theo ông Lang Văn Cương, một trong những người đan lát khá thành thạo chiếc cà bèm, thì vật dụng này có hai hình thức, một loại có nắp hình tròn như chiếc nong, gọi là cum; còn chiếc cà bèm có nắp hình tứ diện (đã thấy ở nhà ông Lô Xuân Hoa). Tại một số bản ở Con Cuông từng có chiếc cà bèm hình hộp có nắp vuông, có chân làm bằng dây mây. Đây là những dạng khác nhau của chiếc cà bèm nhưng nó đều dùng để đựng vải vóc và những vật báu của gia đình.
 
Về vật dụng này, tại xã Môn Sơn, quê hương cách mạng của miền Tây Nghệ An còn lưu truyền câu chuyện: Chiếc cà bèm từng được dùng để giấu truyền đơn của Đảng. Vào năm 1931, trong khi chi bộ đầu tiên của miền Tây Nghệ An do ông Vi Văn Khang làm bí thư đang họp bí mật tại nhà ông Vi Văn Lâm thì bị phát hiện. Các chiến sỹ cách mạng rút vội vào rừng để tránh sự truy bắt của các lý trưởng, chánh tổng. Trong lúc quá gấp rút, không kịp mang theo tập truyền đơn, bà Vi Thị Lan (vợ ông Lâm) đã nhanh tay giấu tài liệu của Đảng vào chiếc cà bèm trong nhà. Khi địch rút, bà đem trả lại truyền đơn cho các chiến sỹ cách mạng.
 
Cũng như nhiều vật dụng khác, chiếc cà bèm gần như đã biến mất khỏi đời sống của các làng bản vùng cao. Đối với nhiều nhà nó chỉ còn như một thứ vật dụng thừa. Chắc rồi đây, nó chỉ còn tồn tại trong những bảo tàng như ở Bảo tàng các dân tộc Tây Bắc Nghệ An (Thị trấn Tân Lạc - Quỳ Châu). Ở đây, chiếc cà bèm được bày chung chủ đề với những chiếc gùi. Nhìn hình thức bề ngoài có hao hao giống chiếc gùi, nhưng kỳ thực nó được dùng cho những công việc khác với chiếc gùi.
 
Hà Phượng