Nhiều bệnh nhân (BN) có xu hướng điều trị kết hợp Tây y và Đông y. Điều đáng nói, phần lớn BN sử dụng thuốc Đông y chưa phù hợp.
 
Mới đây, ông T.K.C. (ngụ tỉnh Hà Tĩnh) cứ đau hông âm ỉ, ớn lạnh và thường hay sốt. Đến bệnh viện (BV) ông C. được bác sĩ (BS) cho biết bị sỏi thận. Khai thác bệnh sử, các BS ghi nhận, thời gian qua, ngày nào ông C. cũng uống nước bột vỏ bào ngư mài nhỏ. "Mấy năm nay mắt tui bỗng nhiên nhìn không rõ.
 
Nghe người ta đồn vỏ bào ngư mài thành bột uống chữa mắt tốt lắm, tôi uống thường xuyên" - ông C. kể.
 
Theo ghi nhận tại một số phòng khám, BV, nhiều bệnh nhân (BN) có xu hướng điều trị kết hợp Tây y và Đông y. Điều đáng nói, phần lớn BN sử dụng thuốc Đông y chưa phù hợp, mù quáng tin và chữa theo cách truyền miệng.
 
Vỏ bào ngư trị mắt kém?
images1379768_5.jpg
Trong Nam dược thần hiệu của lương y Tuệ Tĩnh có viết: thạch quyết minh - vỏ bào ngư vị mặn, tính bình, không độc, chữa di tinh, chóng mặt, đái buốt, nóng âm ỉ, chữa đau mắt, mờ mắt.
 
Dựa vào thông tin này, nhiều người tìm vỏ bào ngư mài thành bột mịn rồi pha nước uống.
 
Lương y Nguyễn Đức Nghĩa - Hội Dược liệu TPHCM cho biết, vỏ bào ngư được dùng làm thuốc chữa bệnh, nhưng với điều kiện phải bào chế đúng, sử dụng đúng.
 
Vỏ bào ngư được đặt lên lò không khói, đến khi mặt trong có màu trắng tro, mặt ngoài thành màu trắng, lấy ra để nơi mát, nghiền nát; hoặc nung cho hơi hồng thì lấy ra, phun nước muối vào, tán nhỏ.
 
Trong vỏ bào ngư có nhiều chất vô cơ như carbonat canxi, một ít chất hữu cơ. Nhưng sau khi nung, vỏ bào ngư chỉ còn chất vô cơ. Chính vì vậy, khi sử dụng phải có định lượng cụ thể tùy theo loại bệnh và thường kết hợp với nhiều vị thuốc khác.
 
Nếu dùng vỏ bào ngư tùy tiện trong thời gian dài sẽ gây quá tải cho thận, nguy cơ sỏi thận, sỏi niệu quản là không tránh khỏi. Thừa canxi còn gây ức chế hấp thu sắt, kẽm, khiến cơ thể thiếu hai chất này.
 
Ngoài ra, với những người tì vị hư hàn (hệ tiêu hóa không tốt, thường bị đau bụng, tiêu chảy, lạnh bụng, sôi bụng, ăn không tiêu), uống vỏ bào ngư sẽ làm tình trạng bệnh thêm nặng.
 
Uống huyết dê tăng cường sinh lực?
 
Lương y Nguyễn Đức Nghĩa cho biết, không ít BN đến phòng khám của ông tìm hiểu công dụng huyết dê đối với tăng cường sinh lực. "Ngày xưa người ta dùng máu dê hòa với rượu 400 , tỷ lệ 1/3, ngày uống 20-40ml, trị thổ huyết, sản hậu huyết vượng (sinh xong mất máu nhiều bị chóng mặt), ngoại thương xuất huyết…
 
Nhưng y học ngày nay không khuyến cáo dùng huyết động vật sống bởi có chứa nhiều loại vi khuẩn. Mầm bệnh có thể làm tổn thương niêm mạc ruột, phá hủy một số tế bào, gây ngộ độc. Máu dê hoàn toàn không có tác dụng tăng cường sinh lực như nhiều người vẫn nghĩ" - lương y Nguyễn Đức Nghĩa khuyến cáo.
 
BS.CKII Kim Văn Trung - BV Nguyễn Tri Phương cho biết: "Ngộ độc rượu pha huyết động vật hoặc mắc một số bệnh lý về ruột, dạ dày, gan do vi khuẩn ký sinh trong máu động vật là những trường hợp khá phổ biến. Đã có BN bị rối loạn đông máu dẫn đến tử vong chỉ vì uống rượu pha huyết".
 
Dạ dày nhím trị bao tử?
 
Theo kinh nghiệm dân gian, để chữa đau dạ dày, có thể dùng toàn bộ cả dạ dày nhím với cả thức ăn chứa bên trong, phơi hay sao khô, tán nhỏ. Mỗi ngày uống 10g với nước cơm, lúc bụng đói. Một số người dùng bột dạ dày nhím với bột nghệ đen, tỷ lệ bằng nhau rồi trộn với mật ong. Uống ngày hai lần sau khi ăn, mỗi lần một muỗng cà phê.
 
Dựa vào bài thuốc trên , nhiều người rao bán dạ dày "nhím rừng chính hiệu" với giá từ 500.000- 700.000đ/cái. Theo những người này, chỉ cần uống vài cái dạ dày nhím, không còn đau dạ dày nữa.
 
"Nhím nuôi chỉ ăn các loại rau trồng như rau muống, xà lách, khoai lang, bí đỏ… Nhím rừng được ăn các loại cây thuốc quý nên dạ dày nhím rừng chữa đau dạ dày hiệu quả hơn dạ dày nhím nuôi", họ khẳng định như thế. Dọc các phố Đông y (Q.5, TPHCM), không khó để tìm mua dạ dày nhím.
 
Trong tài liệu Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS Đỗ Tất Lợi có ghi, dạ dày nhím có tính lạnh, không độc, có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp. Dùng chữa hoàng đản (vàng da), phù, đau dạ dày.
 
Tuy nhiên, theo DS Châu Thị Hạnh Dân - Phó khoa Dược, BV Y học cổ truyền TPHCM, người bệnh nên đi khám để xác định vị trí và mức độ tổn thương dạ dày là viêm, hay loét, có kèm theo vi khuẩn gây bệnh hay không… để lựa chọn phác đồ điều trị phù hợp.
 
Chưa biết đau dạ dày ở dạng gì, nếu chỉ chữa qua loa bằng dạ dày nhím có thể làm tình trạng bệnh nặng thêm và hết sức nguy hiểm nếu đó là ung thư dạ dày.
 
Theo Alobacsi.vn