(Baonghean) - Xã rẻo cao Huồi Tụ (Kỳ Sơn) quần cư 813 hộ đồng bào dân tộc Mông trong tổng số 857 hộ dân của xã. Vượt lên những khó khăn của điều kiện tự nhiên, người Mông Huồi Tụ đang có nhiều bước tiến mới trong làm ăn nâng cao chất lượng cuộc sống về mọi mặt...

“Kỳ tích” mở đất, khơi nguồn nước
 
Hiện Huồi Tụ có 8 trang trại và gia trại đang được người dân đầu tư phát triển. Được thế, phải nói có đóng góp lớn từ ý chí “đi đầu, làm trước” của nhiều gia đình. Trong đó có gia đình ông Hờ Gà Vừ. Ông là một trong những hộ đại diện cho bà con dân tộc Mông của huyện Kỳ Sơn đón nhận danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi của tỉnh năm vừa qua. “Kỳ tích” của ông được nhắc đến là việc mở đường, khơi suối làm trang trại. 
 
images1401318_a5__s_n_ph_m_tr__san_tuy_t_ngh__an_sau_khi____c___ng_g_i..jpgSản phẩm trà Shan Tuyết Nghệ An với nguyên liệu thu hái ở Huồi Tụ.
 
 
Thung lũng dưới chân núi Phà Xắc có diện tích 5 ha, đây được xem là diện tích đất bằng hiếm hoi của xã Huồi Tụ. Tuy nhiên, do người Mông thường sinh sống trên những đỉnh núi cao, địa hình cách trở nên thung lũng này vẫn bỏ hoang trong nhiều năm. Khi chọn đây là mảnh đất để phát triển trang trại, ông Hờ Gà Vừ gặp phải cái khó là không có đường vào. Mặt khác, thung lũng cách con suối Phá Xa hơn 700m, nên việc dẫn nước từ suối về không đơn giản. Trước tình thế đó, ông phải huy động tất cả các thành viên trong gia đình phát cây, đắp đất làm đường. Cả nhà bắt đầu công cuộc chinh phục đất hoang, mang theo vào rừng cả nồi niêu, thực phẩm; mệt đâu nghỉ đó, buổi tối thì giăng bạt ngủ trong rừng. Sau 40 ngày, con đường dài hơn 1,5 km dẫn từ thung lũng ra đường lớn đã được hoàn thành. Có thể coi bước khởi đầu gian nan đã vượt qua.
 
Vấn đề tiếp theo là nước. Gia đình ông Vừ lại tiếp tục đẵn tre, chẻ máng để dẫn nước từ suối vào trang trại. Nhưng với máng tre, gặp địa hình núi dốc và áp lực nước nên thường xuyên hư hỏng, nhất là sau mỗi lần mưa bão. Ông Vừ quyết định vay vốn ngân hàng để  mua ống dẫn nước bằng nhựa. Khi nguồn nước đã ổn định, lại được Trạm Khuyến nông huyện hỗ trợ nguồn giống cá, ông đào 2 ao với tổng diện tích gần 400m2, mỗi năm đã cho thu hoạch đến gần 5 tạ cá. Đây không chỉ là nguồn cung cấp thực phẩm cho gia đình mà còn mang lại nguồn thu đáng kể.
 
Sau bước đầu thành công từ ao nuôi cá, ông đã mạnh dạn cải tạo diện tích trước đây làm lúa rẫy không mang lại hiệu quả cao của gia đình thành vườn cây ăn quả trên cả diện tích 2 ha. Qua tìm hiểu ông biết rằng các giống cây như hồng, mít, xoài và đào vừa phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu thời tiết nơi đây cũng như lại dễ chăm sóc, bán được giá, nên ông đã sang các vùng lân cận như Tương Dương, Quỳ Hợp để mua giống về trồng. Đến mùa thu hoạch ông cùng gia đình vận chuyển bằng xe máy ra Mường Xén và Cửa khẩu Nậm Cắn để bán. Thu nhập bình quân mang lại từ việc bán hoa quả là trên 10 triệu đồng. Chu kỳ cây ăn quả có thể thu hoạch trên chục năm, nên công việc chăm sóc cũng dễ dàng hơn rất nhiều. 
 
Trong khoảng thời gian từ năm 2005 - 2008, nhận thấy trâu, bò rất được giá, nên ông Vừ đã mạnh dạn mở rộng diện tích trang trại và khoanh nuôi thêm 6 ha rừng để làm nơi chăn thả, cung cấp nguồn thức ăn tự nhiên. Năm cao nhất đàn trâu, bò của ông lên tới 30 con với tổng số tiền đầu tư cho nguồn giống là 50 triệu đồng. Ngoài nguồn thức ăn tự nhiên, hằng ngày ông  tận dụng số ngô rẫy của gia đình trồng được đem xay nhỏ, lẫn với rau chuối để bổ sung dinh dưỡng cho đàn trâu, bò. Ông vỗ béo con giống từ 3, 4 tháng tuổi trở đi, bởi đây là thời gian chúng phát triển nhanh nhất. Cứ mỗi con bê, nghé mua về từ 5 đến 7 triệu đồng  chỉ  sau 1 năm ông có thể bán  được 15 triệu đồng. Chăn nuôi đã trở thành thu nhập chính của trang trại và ông Hờ Gà Vừ đã vững hướng làm giàu trên rẻo cao...
 
Triển vọng mang tên “Shan tuyết” 
 
Sau hơn 10 năm kể từ khi giống chè Shan tuyết được Tổng đội Thanh niên xung phong 8 (TNXP 8) cử 12 cán bộ lên cùng ăn, cùng ở và sát cánh với bà con phát triển trên mảnh đất Huồi Tụ, nay cây chè đã có một vị trí quan trọng trong cuộc sống đồng bào Mông ở đây. Hiện tại, tổng diện tích trồng chè Shan tuyết của xã đã lên tới gần 400 ha; trong đó, 6 bản có gần 100% số hộ dân trồng chè là: Huồi Khả, Huồi Khe, Pà Xắc, Huồi Mú, Trung Tâm và Huồi Đun. Hằng năm các hộ dân và Tổng đội đều tăng thêm diện tích canh tác loại cây này; năng suất đạt được từ cây chè khá cao, lên tới 120 - 150 tấn/năm...
 
Hệ thống điện, đường dẫn về các bản của Huồi Tụ đã được đầu tư khá bài bản.
 
Ông Hạ Bá Lỳ, Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ: “Ở Huồi Tụ, cây chè Shan tuyết đã cho đồng bào cuộc sống no đủ. Cây chè sống được trên đất này 10 năm rồi, nay Huồi Tụ chỉ còn dưới 58% hộ nghèo, trong khi trước đây gần như 90% người dân nơi đây vẫn bị cái nghèo đeo bám. Riêng việc vận động được bà con trồng chè Shan tuyết đã là một câu chuyện dài. Ban đầu xã vận động, rồi nhờ cả các già làng, trưởng bản đi từng nhà vận động, nhưng bà con vẫn chưa tin để làm. Nhờ có các cán bộ của Tổng đội TNXP 8, các anh vừa làm mẫu ở đơn vị mình cho bà con thấy, rồi đưa giống về, cùng lên đồi hướng dẫn từng hộ dân, từ việc đào hố, đặt hom, đến việc làm cỏ, đốn cành. Rồi Tổng đội cũng là nơi bao tiêu sản phẩm, nên bà con dần tin tưởng để phát triển cây chè. Từ đây, người Mông đã thay đổi cách nghĩ, cách làm để có thể thoát nghèo”. 
 
Tìm đến nhà các anh Dềnh Như Chò, Vừ Pá Chống, Vừ Khừa Hùa - những hộ đồng bào Mông có diện tích trồng chè cao nhất của bản Huồi Khả. Các anh này đều cho rằng: Lúc đầu thấy trồng chè thật khó, vì phải thường xuyên làm cỏ, tạo tán. Nhưng bây giờ thì việc trồng chè đã quen như trồng cây ngô, cây lúa rồi, mà lại còn vui hơn vì mỗi tháng hái được vài lần và có bao nhiêu cũng bán được. Với diện tích mỗi ha thì hằng năm thu nhập từ cây chè mang lại cho bà con nằm trong khoảng từ 35 đến 40 triệu đồng. Toàn xã có hơn 200 hộ trồng chè tuyết. Hộ nhiều trồng tới 3 ha, hộ ít cũng trồng được hơn 1 ha. Trong số 400 ha chè của xã, thì có khoảng  250 ha chè cho thu hoạch; sản phẩm tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.
 
Sầm uất chợ Huồi Đun
 
Hiện tại, chợ Huồi Đun - bản Trung Tâm có 36 hộ kinh doanh buôn bán dịch vụ. Người được xem “giàu” nhất chợ là ông Vừ Chống Chớ khi kinh doanh hơn 3 gian hàng tạp hóa và còn có xe công nông để làm dịch vụ vận tải. Ông Chớ chia sẻ: May mắn, gia đình mình nằm ở bản Trung Tâm - nơi chợ phiên đã có từ lâu đời. Đây là điểm giao dịch, buôn bán của người Mông, người Thái, Khơ Mú đến từ các xã lân cận như Phà Đánh, Tà Cạ, Đoọc Mạy, Na Loi. Nhu cầu của người dân ngày một tăng cao, ông Vừ Chống Chớ cũng như 35 hộ kinh doanh còn lại đã nhập đủ loại hàng từ xuôi lên để bán. Để tiết kiệm chi phí vận chuyển, bà con tự sắm các loại phương tiện để chở hàng. Từ đây, nhiều người đã biết đến kinh doanh - dịch vụ để làm giàu.
 
Không chỉ kinh doanh hàng tiêu dùng, các hộ kinh doanh ở đây còn bán bò, bán gà giống và các cây, con giúp người dân phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Ước tính, thu nhập hàng tháng của các hộ kinh doanh dao động từ mức 3 - 4 triệu đồng. Những hộ tiêu biểu như ông Vừ Chống Chớ thì con số này lại lớn hơn nhiều. Vào cuối năm 2014, Huồi Tụ còn được Nhà nước hỗ trợ để mang điện về bản, cuộc sống của người dân thêm nhiều khởi sắc, nhất là hỗ trợ cho người dân trong kinh doanh buôn bán. 
 
Ông Hạ Bá Lỳ, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Diện tích tự nhiên toàn xã là 11.150 ha, nhưng diện tích đất bằng là rất hiếm, chủ yếu là đồi núi hiểm trở, đường sá đi lại rất khó khăn. Nhưng 233 đảng viên ở đây đã cùng 4.800 người dân, chủ yếu là đồng bào Mông khai thác tiềm năng đất đai, lợi thế để phát triển kinh tế. Chính quyền xã và bà con đang kỳ vọng trong thời gian tới, Huồi Tụ sẽ còn nhiều hướng đi mới trong làm ăn kinh tế để thoát nghèo, vươn lên làm giàu”.
 
Thanh Quỳnh