Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet 
Lập kỷ lục xuất khẩu
Số liệu từ Tổng cục Hải quan và Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đã có bước chuyển ngoạn mục khi liên tiếp lập kỷ lục và vượt mốc hơn 2,7 tỷ USD xuất khẩu sau 8 tháng của năm 2018. So với gạo, xuất khẩu rau quả đã vượt hơn 500 triệu USD so với xuất khẩu gạo từ đầu năm đến nay.
Với đà tăng trưởng lên tới hơn 14%, dự báo trị giá xuất khẩu rau quả sẽ cán mốc hơn 4 tỷ USD đến hết năm. Nếu đạt được, đây sẽ là năm thứ hai liên tiếp, xuất khẩu rau quả mang lại nguồn USD cao hơn xuất khẩu gạo của Việt Nam. Bên cạnh xuất khẩu tăng mạnh, rau quả nhập khẩu vào Việt Nam cũng tăng khá cao đạt 1,15 tỷ USD.
Số liệu thống kê cũng cho thấy, trong tổng số 2,7 tỷ USD thu về từ xuất khẩu rau quả, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc đã chiếm xấp xỉ 1,994 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2017. Rau quả xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 74,1% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng rau quả của các doanh nghiệp Việt. Kim ngạch xuất vào thị trường là Mỹ đứng thứ 2 với 87 triệu USD. Các thị trường nhập khẩu rau quả lớn của Việt Nam phải kể đến tiếp theo là Thái Lan, Australia…
Trong số các mặt hàng xuất khẩu mang lại nhiều USD phải kể đến vải thiều với 86.200 tấn, thu về 170,5 triệu USD từ việc xuất sang Trung Quốc. Số liệu của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) cũng cho thấy, trong các tháng qua, Australia đã nhập khẩu khối lượng rau quả chế biến từ Việt Nam rất lớn. 
Dù đánh giá Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu rau quả số 1 của Việt Nam và vẫn còn nhiều dư địa cho xuất khẩu rau quả sang các nước khác nhưng  Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng khuyến cáo rằng, thời gian tới các doanh nghiệp vẫn cần tiếp tục cải thiện chất lượng hàng xuất khẩu để tăng giá trị. 
Sẽ gặp khó vì thương chiến Mỹ - Trung
Dù đạt được nhiều thuận lợi, theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), trong các tháng cuối năm, xuất khẩu rau quả có thể sẽ khó khăn do ảnh hưởng mùa mưa, sản lượng một số loại giảm. Lý giải việc rau quả tăng trưởng xuất khẩu rất tốt trong thời gian qua, theo Cục Chế biết và Phát triển thị trường nông sản, việc ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã tạo điều kiện cho ngành rau quả mở cửa các thị trường mới. Tuy nhiên, bên cạnh các thuận lợi, các doanh nghiệp trong nước cũng cần tăng cường các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi, đảm bảo chất lượng rau quả phục vụ xuất khẩu.
Dự báo về xuất khẩu trong các tháng tới, Bộ Công Thương cho rằng, việc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang có xu hướng tiếp tục leo thang sẽ gây ra những tác động tiêu cực đối với xuất khẩu nông sản của Việt Nam. 
Cụ thể, trước việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc, các sản phẩm nông sản của Trung Quốc sẽ phải tìm thị trường thay thế. Khi đó, nhiều khả năng các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ chuyển hướng và gây áp lực cạnh tranh rất lớn đối với nông sản Việt Nam. Ở chiều ngược lại, khi Trung Quốc đánh thuế bổ sung 25% đối với các nông sản xuất khẩu của Mỹ như trái cây và các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm…để tránh bất lợi này, các sản phẩm nông sản của Mỹ có thể sẽ chuyển hướng xuất khẩu và tìm cách thâm nhập vào thị trường Việt Nam nhiều hơn.