(Baonghean) - Kết thúc nhiệm kỳ của mình, tại phiên họp cuối cùng trên cương vị người đúng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có lời chia tay các thành viên Chính phủ và đã nhắn nhủ chính mình và các cộng sự dù tiếp tục ở lại công tác hay về hưu thì nên ráng làm người tử tế.
Môt Đại biểu Quốc hội, trước khi mãn nhiệm, trong đoạn kết của lời phát biểu trước Quốc hội sáng hôm 28-3 vừa rồi cũng đã xin được mượn lời của Thủ tướng, xin kính chúc các vị đại biểu Quốc hội khóa XIII luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và luôn là người tử tế. Lời chia tay chân thật, giản dị nhưng có lẽ là phát ngôn ấn tượng, gây nhiều bàn tán nhất trong xã hội trong thời gian vừa qua.
Trước hết phải thấy phát ngôn đó ấn tượng vì tính đa nghĩa và cả chiều sâu tư tưởng của nó mà giá trị tập trung hết vào ở chữ "ráng". Ráng là một từ thuộc phương ngữ phía Nam. Nghĩa cơ bản của nó là cố gắng, là nỗ lực ở mức cao nhất. Và người ta phải ráng, phải cố gắng, phải nỗ lực cao khi mà khả năng thật, thực lực vốn có không đủ để thực hiện được trọn vẹn một điều gì đó thì người ta phải ráng may ra mới có thể làm được. Hay là khả năng, thực lực có thể làm được nhưng tư cách, phẩm hạnh đạo đức không để cho người ta dễ dàng làm được điều đó. Thế nên phải... ráng.
Tóm lại, người ta chỉ phải ráng, phải cố gắng, phải nỗ lực khi đụng phải việc gì đó rất khó khăn, không dễ dàng gì thực hiện được. Đau một nỗi ở đây, cái việc khó khiến người ta phải ráng may ra mới thành được là làm người tử tế. Thế nghĩa là làm người tử tế thật không dễ dàng gì. Ngay chính cả ở tầng lớp lẽ ra và đương nhiên được coi là tử tế nhất. Bởi từ xửa xưa đã có câu “phụ mẫu chi dân”, quan lại như là cha mẹ của dân. Mà đã là cha mẹ thì phải đối xử xử tử tế với con cái của mình chứ. Đó là lẽ tự nhiên, không cần phải ráng. Ấy thế mà….vẫn phải cố gắng. Thủ hỏi còn có gì đắng đót, sâu cay hơn thế!
Sự sâu sắc và sâu xa còn nằm ở 2 chữ "tử tế". Vậy tử tế là gì ? Đây là một từ có gốc Hán. Chữ "tử" có nghĩa là những chuyện nhỏ bé. Chữ "tế" có nghĩa là những chuyện bình thường. Hai chữ "tử tế" gộp lại có nghĩa là cẩn thận từ những việc nhỏ bé, rồi do lâu đời ta đọc khác đi và nghĩa cũng khác đi. Sự tử tế, tử tế thật sự không phải là chuyện có tiền bạc hoặc muốn là có ngay. Nó cũng phải được học hành, được dạy dỗ, được tập luyện, kế thừa và gìn giữ. Tử tế như hoa thơm, hoa đẹp không thể thiếu được của cuộc đời".Tử tế có trong mỗi con người, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi dân tộc. Hãy bền bỉ đánh thức nó, đặt nó lên bàn thờ tổ tiên hay trên lễ đài của quốc gia. Bởi thiếu nó, một cộng đồng dù có những nỗ lực tột bực và chí hướng cao xa đến mấy thì cũng chỉ là những điều vớ vẩn.
Hãy hướng con trẻ và cả người lớn đầu tiên vào việc học làm người - người tử tế trước khi mong muốn và chăn dắt họ trở thành những người có quyền hành, giỏi giang, hoặc siêu phàm... Và người tử tế, đương nhiên là không có chuyên ăn cắp, ăn trộm. Lấy của người khác làm của mình. Lấy của chung là của riêng. Chiếm đoạt những thứ không phải là thành quả từ mồ hôi, nước mắt của mình. Và như thế sẽ không có chuyện tham ô, tham nhũng.
Người tử tế ra đường sẽ biết kìm chế, biết nhường nhịn nhau, không chen lấn, tranh giành đường, không phóng nhanh, vượt ẩu. Nếu vậy thì sẽ không có vấn nạn mỗi ngày vài ba người, đều như vắt chanh, từ giã cuộc đời vì tai nạn giao thông. Người tử tế sẽ không bao giờ làm hại người khác để cầu lợi cho mình. Như là phun hóa chất vào rau,củ, quả. Không cho chất tạo nạc vào vật nuôi để kiếm được nhanh, kiếm được nhiều tiền. Mà như thế thì không có họa sát thân đến từ những miếng ăn đầy chất độc hại trên bàn ăn của dân ta….
Người tử tế cũng sẽ sống ngay thẳng, thật thà, không giả dối. Thế nên, không thể có chuyện đạo đức giả ngày càng lấn át đạo đức thật, chủ nghĩa thực dụng ngày càng phổ biến trong một bộ phận xã hội và tính tham lam, tính ích kỷ, tệ dối trá, lừa đảo, cướp giật, giết người và một số tệ nạn xã hội khác đang tạo sự bất an cho dân chúng.
Tóm lại, những lời nhắn nhủ đó như là một thông điệp gửi đến toàn xã hội, từ quan chức cho đến thứ dân là hãy sống cố gắng sống tử tế, làm người tử tế. Và để thành người tử tế thì phải ráng, phải nỗ lực. Vì làm người tử tế, làm chuyện tử tế thật không dễ dàng gì.
Còn nhớ đêm trước đổi mới, đạo diễn tài ba Trần Văn Thủy làm một bộ phim mang tên "Chuyện tử tế" nhằmdóng lên hồi chuông về thực trạng thiếu đi sự tử tế giữa con người và con người trong xã hội đương thời. Đó là một bộ phim rất tử tế thế mà bị cấm chiếu. Phải đến khi Tổng Bí thứ Nguyễn Văn Linh - kiến trúc sư của sự nghiệp đổi mới can thiệp, bộ phim mới được công chiếu. Nhắc lại một chuyện nhỏ vậy thôi, để thấy ai cũng mong muốn, cũng đòi hỏi sự tử tế, nhưng không phải ai cũng chấp nhận sống tử tế. Vì làm người tử tế trong một xã hội sự tử tế chưa lên ngôi thì phải chịu nhiều đau khổ, thiệt thòi lắm. Cho nên, muốn là người tử tế thì phải ráng thôi!
Bụt Sơn