Hơn nửa triệu mảnh rác nhân tạo đang quay quanh Trái Đất và gây nguy hiểm cho những nhiệm vụ đưa người ra ngoài không gian trong tương lai.
Theo Tech Insider, lượng rác do con người đưa lên vũ trụ ngày càng gia tăng, kể từ khi vệ tinh đầu tiên được phóng lên quỹ đạo cuối những năm 50. Video trên do Stuart Grey, giảng viên đại học London - thành viên phòng thí nghiệm đo đạc và định hướng không gian Anh thực hiện và đưa lên Youtube hôm 20/12.
Rác vũ trụ tích lũy vì chúng ta không dọn dẹp nó. Thay vì thu hồi những vệ tinh hết hạn sử dụng về Trái Đất, con người thường bỏ mặc chúng ngoài vũ trụ, khiến chúng có nguy cơ va chạm với thiên thạch hay những mảnh vỡ nhân tạo khác bay với tốc độ khoảng 27.000 km/h.
Ở vận tốc đó, một cú va chạm sẽ phá hủy vệ tinh thành hàng trăm mảnh nhỏ hơn. Những mảnh vụn này bị lực hấp dẫn của Trái Đất thu hút, khiến nó bay vòng quanh quỹ đạo của địa cầu. Cứ thế, chúng tích lũy lên đến hơn nửa triệu mảnh rác, gây nguy hiểm cho sứ mệnh đưa người ra ngoài không gian.
"Cách duy nhất để giải quyết chuyện này là thu hồi những vật thể lớn", Donald Kessler, chủ nhiệm văn phòng chương trình rác thải không gian của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) từng phát biểu năm 2013.
Hồi tháng 9 năm nay, ông một lần nữa nhấn mạnh, phải nhanh chóng thu hồi những thứ con người đưa lên vũ trụ nếu không, khi các vật thể lớn trong không gian đạt đến "mật độ tới hạn" - chúng sẽ va chạm và tạo ra số mảnh vỡ nhiều hơn khả năng thu hồi của con người.
Theo VnExpress