(Baonghean)-Đến nay, toàn tỉnh có 8 tủ sách dòng họ ở các làng quê. Mô hình này được coi là hướng mở trong xây dựng văn hóa đọc ở nông thôn. Tuy nhiên, hoạt động của những tủ sách dòng họ chưa thực sự phát huy hiệu quả... 

Là một trong những tủ sách ra đời sớm nhất tỉnh, tủ sách dòng họ Hoàng Kiêm (làng Hà Đông, xã Diễn Cát, huyện Diễn Châu) được thành lập từ ý tưởng của bà Hoàng Thị Mậu Tùng, cán bộ thư viện về hưu giàu tâm huyết với sách. Thời gian đầu mới thành lập, thư viện dòng họ Hoàng Kiêm thu hút rất đông bạn đọc là người làng, đặc biệt là các em thiếu niên, nhi đồng. Tủ sách dòng họ mở cửa đều đặn vào thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần phục vụ miễn phí cho mọi người. Bà Tùng còn làm một giá sách ngay trong nhà và thường xuyên luân chuyển sách từ tủ sách dòng họ về nhà, để đáp ứng nhu cầu mượn, đọc sách hàng ngày của con cháu và bà con xóm giềng. 
images1432649_tusach3_8a977.jpgTủ sách hiếu học Hoàng Kiêm đón mọi người đến đọc sách miễn phí. Ảnh: Nguyễn Duy
 
Hoạt động của tủ sách dòng họ như một “thư viện thu nhỏ”; có sổ ghi chép, theo dõi việc mượn, trả, danh mục sách và nhà xuất bản… Thế nhưng khó thu hút độc giả. Em Hoàng Yến Nhi, một bạn đọc  chia sẻ: “Cháu rất thích đọc sách và nhiều năm nay vẫn thường mượn sách về đọc. Thế nhưng, tủ sách có ít sách mới, các loại sách dành cho lứa tuổi thiếu niên cũng ít. Hầu hết sách trong tủ cháu đều đã đọc nên bây giờ chỉ khi có đợt sách mới về chúng cháu mới sang mượn”. Mặc dù giàu tâm huyết trong việc xây dựng văn hóa đọc cho người dân quê, nhưng bà Tùng thừa nhận rằng để duy trì được hoạt động của tủ sách  rất  khó khăn. “Khó nhất là nguồn sách chủ yếu phụ thuộc vào con cháu đóng góp, ủng hộ, số lượng mỗi năm không nhiều. Nội dung sách chưa đáp ứng được nhu cầu của số đông bạn đọc là thanh, thiếu niên. Bởi vậy, bạn đọc đến với tủ sách ngày càng giảm; đến nay chỉ còn khoảng 70% so với thời gian đầu”, bà Tùng cho biết. 
Tủ sách dòng họ Nguyễn Đình (xã Nghi Khánh, Nghi Lộc).
Mặc dù không còn hấp dẫn bạn đọc như trước, nhưng tủ sách dòng họ Hoàng Kiêm vẫn còn duy trì hoạt động. Còn có những tủ sách dòng họ được thành lập ra chỉ để trưng bày sách. Ví như tủ sách dòng họ Nguyễn Đình (xã Nghi Khánh, Nghi Lộc). Bởi được gọi là tủ sách nhưng thực tế ở đây chỉ có chừng ba, bốn chục cuốn sách. Ông Nguyễn Đình Phương - Chánh quản tộc họ Nguyễn Đình phân  trần: “Khi mới xây dựng tủ sách, thư viện tỉnh và huyện có hỗ trợ cho gần 300 đầu sách các loại. Thế nhưng, qua thời gian, thay đổi người phụ trách trông coi tủ sách (tôi là người thứ 3 tiếp nhận quản lý), đến nay sách đã thất lạc, mất mát khá nhiều”. Sau 4 năm  ra đời, đến nay, tủ sách này gần như không phát huy hiệu quả. Theo lý giải của ông Nguyễn Đình Phương, ngày thường chúng tôi không bố trí được thời gian để phục vụ nên chỉ thỉnh thoảng ngày Rằm, lễ, Tết, con cháu về thắp hương mới ghé đọc. Không có người thực sự tâm huyết đứng ra vận động con cháu góp sách, tuyên truyền, khuyến khích mọi người đến đọc sách nên tủ sách dòng họ gần như bị lãng quên. 
 
Hiện trên địa bàn tỉnh có 8 dòng họ xây dựng được tủ sách riêng như:  tủ sách Làng Sen, Kim Liên, Cây Tùng (Hưng Tân, Hưng Nguyên), họ Đào Văn (Đô Lương), họ Hoàng (Diễn Cát, Diễn Châu), họ Đặng (Hưng Lĩnh, Hưng Nguyên), họ Nguyễn Đình (Nghi Khánh, Nghi Lộc), họ Võ (Diễn Bình, Diễn Châu) và tủ sách dòng họ Ngô (Diễn Kỷ, Diễn Châu).

Trong bối cảnh mạng lưới thư viện các các xã, phường còn ít ỏi, sự ra đời của tủ sách dòng họ thực sự có ý nghĩa thiết thực, góp phần xây dựng thói quen đọc sách, phát triển văn hóa đọc trong người dân các làng quê, đặc biệt là thế hệ trẻ. Tuy nhiên, điều trăn trở hiện nay là đa phần các tủ sách dòng họ đang hoạt động cầm chừng, chưa thực sự phát huy hiệu quả. 

Cũng bởi thiếu những người toàn tâm, toàn ý với hoạt động của tủ sách dòng họ nên hầu hết các dòng họ không mặn mà khi được đề xuất luân chuyển sách. Mặc dù Thư viện tỉnh sẵn sàng phối hợp để chuyển sách mới về, đa dạng hóa các đầu sách để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc. Ông Đặng Thanh Tùng - Trưởng Hội đồng gia tộc họ Đặng (Hưng Lĩnh, Hưng Nguyên) cho rằng: “Chúng tôi mong muốn có sách mới bổ sung vào tủ sách để phục vụ con cháu và mọi người đọc nhưng công tác quản lý, bảo quản sách rất khó”. 
 
Xây dựng tủ sách dòng họ là cách làm hay nhằm khơi dậy và phát huy truyền thống hiếu học trong con cháu các dòng học. Đây còn là hình thức xã hội hóa thư viện; hướng mở nhằm phát triển văn hóa đọc trong người dân nông thôn ở các làng quê. Bởi vậy, thiết nghĩ, cần chú trọng để nhân rộng và phát huy hiệu quả của những “thư viện thu nhỏ” này một cách bền vững. Muốn vậy, quan trọng hơn hết là các dòng họ cần chủ động vào cuộc, khuyến khích, động viên con cháu cùng chung sức xây dựng, quyên góp sách báo và phân công công việc quản lý cho những người thực sự có trách nhiệm, tâm huyết. Bên cạnh đó các dòng họ cần phối hợp với thư viện các cấp tiếp nhận sách theo hình thức luân chuyển để đa dạng hóa đầu sách, thu hút bạn đọc. Ngoài ra, các dòng họ cần phải có sự phối hợp với địa phương để tuyên truyền, quảng bá để tủ sách không chỉ phục vụ nhu cầu đọc sách, học tập của con cháu trong dòng họ mà có thể phục vụ cộng đồng. 

Theo bà Nguyễn Thị Tú Anh – Giám đốc Thư viện tỉnh, nguyên nhân là bởi: Nguồn sách ở các tủ sách dòng họ khá nghèo nàn. Chỉ có một vài tủ sách vẫn còn duy trì được hoạt động khá đều đặn, một hoặc vài năm có đề xuất với Thư viện tỉnh cấp khoảng 150 – 200 đầu sách. Còn lại chủ yếu dựa vào sự tự nguyện đóng góp của con cháu nên chủ yếu là sách cũ, ít sách hay. Hạn chế nữa là thiếu người quản lý thật sự tâm huyết, trách nhiệm dành thời gian, công sức phục vụ tại những tủ sách dòng họ”. 

Nguyệt Minh

TIN LIÊN QUAN