Rất nhiều vụ việc xe mất phanh khi đổ đèo ở Việt Nam gây ra tai nạn nghiêm trọng. Và đặc biệt, những vụ tai nạn khi đổ đèo thường xảy ra đối với xe tải trọng lớn như xe tải, xe khách gây thương vong lớn về người.
Đối với xe tải trọng lớn, quán tính của xe trong quá trình di chuyển là rất lớn. Vì vậy, trong quá trình phanh, má phanh phải tạo ra lực ma sát cực lớn để thắng được toàn bộ quán tính của xe. Lực ma sát này giữa má phanh và đĩa phanh tạo ra một lượng nhiệt lớn khiến cho bề mặt má phanh và đĩa phanh nóng lên đến cả trăm độ C. Khi nhiệt độ tăng cao, lực ma sát đồng thời giảm xuống, đến một thời điểm, má phanh bị trượt hoàn toàn và gần như không còn tác dụng nữa.
Một số tài xế thường rà chân phanh để giảm tốc độ xe khi xuống dốc nhưng đó là cách hoàn toàn sai. Với những cung đèo dài, rà phanh liên tục sẽ khiến phanh nhanh nóng lên và có thể đến một thời điểm bị mất tác dụng dẫn đến xe lao tự do xuống dốc.
Thay vì rà phanh liên tục để giảm tốc độ khi đang đổ đèo, tài xế phải dùng lực hãm của động cơ xe để giảm tốc độ. Điều này thực hiện bằng cách chuyển cần số về số thấp. Theo lời khuyên của các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về ô tô, khi xuống dốc, đổ đèo nên đi ở cấp số bằng hoặc thấp hơn cấp số vận hành khi điều khiển xe lên dốc. Lực hãm của động cơ xe ở số thấp có hiệu quả cao hơn rất nhiều so với hệ thống phanh. Người lái phải về số thấp từ trước khi đổ đèo hoặc xuống dốc, vì một khi chiếc xe đã trôi dốc ở tốc độ cao, tài xế không thể điều khiển về số được nữa.
Đối với xe số tự động, tài xế cần chuyển về chế độ sang số bằng tay, được ký hiệu D1, D2 ... hoặc dấu (+) và (-) tùy theo loại xe để giảm cấp số của xe về số thấp. Ngoài ra một số loại xe còn trang bị lẫy chuyển số trên vô lăng để tăng hoặc giảm số, tài xế cần tham khảo kỹ hướng dẫn sử dụng để xử lý trong trường hợp cần thiết.
Nếu bắt buộc phải dùng đến phanh, tài xế nên đạp phanh dứt khoát để đưa tốc độ xe về mức an toàn và không rà phanh liên tục.