Ở giai đoạn mẫu giáo và tiểu học, trẻ hầu như học tập và sinh hoạt theo sự hướng dẫn của cha mẹ. Trong khi đó, ở ngưỡng cửa “teen”, các em bắt đầu có sự biến đổi phức tạp hơn về tâm sinh lý với các biểu hiện nhạy cảm và mất tập trung hơn trước. Trẻ bắt đầu để ý đến nhiều mối quan hệ với bạn bè xung quanh và đề cao cá tính bản thân, cùng với đó là dễ xao lãng và coi nhẹ việc học tập.
Tâm lý chung của cha mẹ thời điểm này đều lo lắng và muốn trẻ nhanh chóng vào nếp. Vì thế, những yêu cầu khắt khe về thành tích học tập tại trường lớp được đem ra làm thước đo mỗi khi con muốn vui chơi giải trí. Bên cạnh đó, những kết quả không tốt của con thường bị nhắc lại hoặc mang ra so sánh với “con nhà người ta”.
Tất cả hành động, lời nói nghiêm khắc của cha mẹ thực chất đều xuất phát từ mong muốn con tiến bộ, nhưng lại vô tình trở thành chất xúc tác tạo nên áp lực của trẻ. Từ đó, trẻ sẽ hình thành phản xạ không thích học, căng thẳng trước khi thi cử, từ chối mọi hình thức học thêm, học ngoài giờ. Áp lực lớn ảnh hưởng đến thành tích học tập và làm giảm sút niềm đam mê học hỏi, tìm tòi kiến thức mới trong trẻ.
Không phải lúc nào lời khuyên của cha mẹ cũng hiệu quả đối với con mình, giai đoạn trẻ học THCS chính là thời điểm đó. Vì vậy lời khuyên của thầy cô, bạn bè, những người trẻ tiếp xúc thường xuyên là những định hướng có ảnh hưởng nhất. Việc cha mẹ cần làm là chọn cho con môi trường học tập lành mạnh, thường xuyên liên lạc với cô giáo để nắm rõ tình hình học tập.
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng không nên cấm đoán con gặp gỡ, đi chơi với bạn bè, phê phán những sở thích của con. Phụ huynh cần theo dõi thị hiếu tuổi dậy thì và nhìn tổng quan giới trẻ để dung hòa sở thích của con và nhẹ nhàng uốn nắn theo định hướng phù hợp. Nếu có những hoạt động dành cho cả gia đình, cha mẹ hãy vui vẻ gợi ý và đưa con cùng tham gia để rút ngắn khoảng cách với con.
Thực tế, nhiều phụ huynh nghĩ khi con bước vào lứa tuổi teen, học tập kết hợp với các trò chơi, vận động là không cần thiết. Tuy nhiên, đây mới là giai đoạn trẻ dần hoàn thiện tư duy và tác phong cá nhân, những hoạt động hấp dẫn kích thích tư duy phản xạ, hỗ trợ làm giàu vốn từ, bồi đắp khả năng giao tiếp phát âm của trẻ.