(Baonghean) - Quỳnh Thắng (Quỳnh Lưu) xưa kia là một vùng đất hoang vu, vùng đất lam sơn chướng khí, nên ai đến đây lập nghiệp cũng không thể gắn bó lâu dài. Khoảng đầu thế kỷ XVIII mới có một bộ phận cư dân người Thái đen di cư từ Thanh Hóa vào, từ các huyện Qùy Châu và Nghĩa Đàn xuống lập nên các bản Đá Bạc, Ồ Ồ, Lòng Thuyền, Làng Mới, Ổ Gà. Sau đó có thêm một số người ở miền xuôi lên lập trang trại làm ăn. Đến những năm 1930 - 1945, cư dân nơi đây và vùng đất này mới được đưa vào địa danh của 2 xã Vũ Duyệt và Tam Lệ. Ngày 25/4/1954, xã Quỳnh Thắng được thành lập trên cơ sở tách ra từ xã Quỳnh Mai, tên gọi Quỳnh Thắng bắt đầu có từ đây.
Đầu năm 1956, Chi bộ xã Quỳnh Thắng tổ chức Đại hội chính thức lần thứ nhất. Ngay từ những năm đầu tiên đó, Đảng bộ xã Quỳnh Thắng đã đề ra chủ trương tập trung khai hoang đất đai để sản xuất lương thực, phá thế du canh du cư, phối hợp với người miền xuôi lên lập nghiệp để học hỏi, tiếp thu cách trồng lúa nước… Năm 1962, Nông trang 19/8 ở Quỳnh Thắng được thành lập với 103 đồng chí đảng viên, đoàn viên tình nguyện tham gia nhằm tăng cường lực lượng nòng cốt để khai thác, mở mang vùng kinh tế mới này. Nối tiếp thành công của Nông trang 19/8, Nông trang 19/5 cũng được thành lập sau đó không lâu vào năm 1967, Nông trường Bến Nghè chính thức được thành lập ngay trên mảnh đất xã Quỳnh Thắng. Đây là những mô hình kinh tế HTX đầu tiên, là điểm tựa tinh thần để nhân dân các xã miền xuôi lên đây lập nghiệp.
Hưởng ứng chủ trương của Huyện ủy Quỳnh Lưu, từ 1964 - 1966, nhân dân các xã miền xuôi của huyện đã chia tay với nơi chôn rau cắt rốn để lên Quỳnh Thắng khai cơ lập làng, phát triển kinh tế mới. Những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với lợi thế là vùng rừng núi bao la nên Quỳnh Thắng lúc ấy đã trở thành nơi trú ẩn cho bộ đội và dân các xã lên sơ tán. Nhiều gia đình đã tình nguyện hiến nhà, hiến đất để xe qua, là địa điểm bí mật cho bộ đội trú ẩn. Trong các cuộc kháng chiến, mảnh đất Quỳnh Thắng có 70 liệt sỹ, 65 người để lại một phần xương máu nơi chiến trường, 30 bệnh binh; 3 bà mẹ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Những năm đổi mới, thực hiện nghị định 40/NĐ-CP ngày 10/4/2002 của Chính phủ, Quỳnh Thắng được chia tách thành 2 gồm Quỳnh Thắng và Tân Thắng. Trước đây cả xã có 34 xóm bản, sau khi chia tách, Quỳnh Thắng 10 xóm bản với gần 3 nghìn dân. Trong những năm đầu chia tách, dù trong điều kiện khó khăn, Quỳnh Thắng luôn quan tâm giúp đỡ Tân Thắng để xã mới có điều kiện phát triển KT-XH. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của Tân Thắng đã đạt hơn 15 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo trước đây hơn 50% thì nay giảm xuống chỉ còn 19,2%. Y tế, giáo dục cũng được quan tâm đầu tư và có bước phát triển rõ nét. Có được những kết quả bước đầu ấy chính là nhờ sự cố gắng, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tân Thắng, trong đó có sự giúp đỡ của Quỳnh Thắng.
Quỳnh Thắng luôn xác định: Nông nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó chú trọng phát triển các mô hình kinh tế trang trại, gia trại, mở rộng diện tích trồng cây nguyên liệu như mía, dứa, sắn và trồng rừng. Hiện cả xã có hơn 600 ha rừng, giá trị sản xuất từ rừng mỗi năm đạt gần 40 tỷ đồng. Diện tích mía, sắn, hương trầm cũng được mở rộng. Với 345 ha mía, 120 ha dứa, 190 ha sắn và gần 200 ha hương trầm, Quỳnh Thắng thực sự là vùng nguyên liệu có thế mạnh, tiềm năng rất lớn của huyện Quỳnh Lưu. Tổng đàn gia súc gia cầm của xã cũng không ngừng tăng qua các năm. Riêng năm 2013, tổng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt trên 62 tỷ đồng.
Thực hiện chủ trương chuyển đổi, tích tụ ruộng đất, Quỳnh Thắng cũng là một trong những địa phương tiên phong đi đầu của huyện Quỳnh Lưu. Khi ruộng nương được tập trung về một mối, người dân có điều kiện để đầu tư phát triển mô hình và mạnh dạn làm ăn lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Lĩnh vực dịch vụ được xã quan tâm, trên địa bàn có 2 chợ lớn là chợ Ngọc Thắng và chợ Đồng Tâm, vừa bảo đảm cung cấp nguồn hàng cho nhân dân và tăng ngân sách cho địa phương. Năm 2013, giá trị của ngành dịch vụ Quỳnh Thắng được ghi nhận ở con số 51,6 tỷ đồng.
Từ một vùng rừng núi hoang vu, rậm rạp, dân cư thưa thớt, đến nay Quỳnh Thắng đã ngói hóa 100%, hệ thống đường liên hương, liên xóm được mở rộng từ 3 - 6 m và nhiều tuyến đường được nhựa hóa, bê tông hóa. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân Quỳnh Thắng đã đoàn kết, đồng lòng góp sức, góp công để làm nên những con đường bê tông khang trang, rộng rãi, những con đường của ý Đảng lòng dân, góp phần tô đẹp bộ mặt xóm bản. 100% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia. Việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho giáo dục được Quỳnh Thắng quan tâm ở cả 3 cấp học nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu dạy và học trên địa bàn. Chỉ tính riêng 5 năm trở lại đây, xã đầu tư cho giáo dục hơn 14 tỷ đồng, là cố gắng lớn đối với một xã miền núi còn nhiều khó khăn như Quỳnh Thắng. Nhờ đó, số học sinh giỏi các cấp và tỷ lệ đậu vào các trường đại học, cao đẳng không ngừng tăng. Năm học 2013 – 2014, Quỳnh Thắng sẽ có Trường Mầm non và Trường Tiểu học Quỳnh Thắng A được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Mạng lưới y tế cơ sở của xã cơ bản đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ban đầu của nhân dân. Ngoài Trạm Y tế xã có 7 cán bộ, y bác sỹ, 100% xóm bản đều có y tá thôn bản. Năm 2008, Trạm Y tế xã Quỳnh Thắng được công nhận đạt chuẩn về y tế giai đoạn 1 và năm 2014, Quỳnh Thắng tiếp tục được đón nhận danh hiệu đạt chuẩn giai đoạn 2.
Phát huy truyền thống cách mạng, Quỳnh Thắng luôn quan tâm đến việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ và thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa. Riêng trong năm 2013, từ nguồn quyên góp ủng hộ của nhân dân, xã đã đầu tư gần 60 triệu đồng để tu sửa, nâng cấp nhà ở cho các đối tượng chính sách, thăm tặng quà gia đình có công với cách mạng.
Về Quỳnh Thắng hôm nay, không còn cảnh đi qua sông Lại bằng cầu phao hay đi bộ, chèo thuyền, các thầy cô giáo phải cưỡi trâu qua sông để kịp giờ đến lớp như xưa, thay vào đó là cây cầu Bến Nghè đã được xây dựng kiên cố, hiện đại. Từ khi cầu được xây dựng, mảnh đất Quỳnh Thắng nói riêng và cả Tân Thắng nói chung đã khoác lên mình một diện mạo mới; tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 12%... Nhìn lại chặng đường lịch sử 60 năm, Đảng bộ và nhân dân Quỳnh Thắng luôn tự hào về những thành quả của chính mình. Hành trang mà đảng bộ và nhân dân Quỳnh Thắng bước vào chặng đường mới là truyền thống cách mạng và bài học kinh nghiệm quý báu của một thời khai cơ, lập ấp để có được một Quỳnh Thắng tươi đẹp, trù phú như ngày hôm nay.
Hồ Ngọc Quang