Dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu từ ngày 12/3 đến ngày 18/3/2019 tại 2 xã Quỳnh Mỹ và Quỳnh Hưng. Số lợn ốm chết phải tiêu hủy là 28 con, tổng trọng lượng tiêu hủy là 703,5 kg. Hiện nay công tác triển khai chống dịch của các cấp, ngành rất khẩn trương quyết liệt do dịch bệnh có chiều hướng lan nhanh, diễn biến phức tạp khó lường.
Các hộ chăn nuôi đang triển khai ứng phó với dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: Việt Hùng. Huyện Quỳnh Lưu đã cấp 675 lít hóa chất với diện tích phun 1,2 triệu m2; 66 tấn vôi bột cho các địa phương. Ngoài ra, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm huyện tăng cường kiểm tra, giám sát tại các xã thị trấn; thành lập 2 đoàn công tác do Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND huyện làm trưởng đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tại cơ sở; thành lập 2 chốt cấm vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn ra vào vùng dịch trên Quốc lộ 48B nơi giáp ranh giữa Quỳnh Mỹ với Ngọc Sơn và giữa Quỳnh Mỹ với thị trấn Cầu Giát.
Hiện nay, huyện đã sẵn sàng vật tư, phương tiện để ứng phó nếu dịch bệnh tiếp tục xảy ra gồm 200 lít hóa chất, 10 bơm điện và 40 bộ bảo hộ lao động.
Kết luận hội nghị, lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu nhấn mạnh, dịch tả lợn châu Phi là dịch bệnh nguy hiểm, tỷ lệ chết là 100% nên khi dịch bùng phát sẽ gây hậu quả nặng nề đối với ngành chăn nuôi lợn của huyện. Lãnh đạo huyện nhắc nhở một số địa phương chủ quan lơ là nên khi có lợn ốm thì báo cáo chậm, xử lý chưa kịp thời; vật tư phòng chống dịch còn thiếu.
Lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu cũng lưu ý các xã, thị trấn tiếp tục thực hiện nghiêm túc các công điện, chỉ thị và văn bản chỉ đạo của cấp trên; Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để người chăn nuôi và cộng đồng hiểu rõ mức độ nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn châu Phi. Cần chủ động xây dựng các kịch bản riêng cho địa phương mình; hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, vệ sinh tiêu độc khử trùng bằng vôi bột, hóa chất; thực hiện tốt 5 không trong phòng chống dịch bệnh... Ngoài ra cũng đề nghị các xã, thị trấn những cuộc họp chưa thực sự cần thiết cần bố trí, sắp xếp lại thời gian hợp lý để tập trung ưu tiên cho công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi.