Trước thông tin hiện nay nhiều trang trại (không bị dịch bệnh) nhưng nằm trong vùng dịch tại các xã, huyện, tỉnh không thể xuất bán được lợn mà vẫn phải giữ nuôi khiến các hộ này phải gồng mình gánh chi phí ngày càng tăng, thiệt hại kinh tế ngày càng lớn, ông Nguyễn Văn Long - Trưởng phòng Dịch tễ, Cục Thú y cho rằng: Thứ nhất chúng tôi rất chia sẻ với người chăn nuôi ở vùng dịch. Theo quy định của Cục Thú y hiện nay, bước một chúng ta vẫn phải tuân thủ pháp luật về thú y. Đây không chỉ là mối quan tâm của bà con chăn nuôi mà đã có sự vào cuộc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và toàn hệ thống chính trị.

39728244_2032019.jpgÔng Long trao đổi tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Phòng, chống dịch tả lợn châu Phi và thúc đẩy tiêu thụ thịt lợn an toàn” .

Theo ông Long, với những cơ sở chăn nuôi trong vùng dịch được lấy mẫu xét nghiệm và không có dịch tả thì vẫn được phép giết mổ tại chỗ dưới sự giám sát và hướng dẫn của cơ quan thú y.

"Việc giết mổ lợn phải được thực hiện tại các cơ sở giết mổ đã được cấp phép, bảo đảm vệ sinh thú y, có nhân viên thú y thực hiện kiểm soát giết mổ. Cơ sở giết mổ phải thực hiện đầy đủ việc vệ sinh, phun thuốc tiêu độc khử trùng tiêu độc sau mỗi ca giết mổ. Về chính sách hỗ trợ theo quy định, Bộ NN&PTNT đã tổng hợp, báo cáo Chính phủ ban hành Nghị quyết số 16/NQ-CP cho phép các tỉnh, thành phố sử dụng quy hỗ trợ của địa phương để hỗ trợ cho bà con", ông Long khẳng định.

Những cơ sở chăn nuôi trong vùng dịch được lấy mẫu xét nghiệm và không có dịch tả thì vẫn được phép giết mổ tại chỗ dưới sự giám sát và hướng dẫn của cơ quan thú y.

Nói thêm về thời gian tái chăn nuôi sau khi lợn bị dịch bệnh được tiêu hủy, ông Nguyễn Văn Long cho biết: Theo quy định tại Thông tư 4527 ngày 15/11/2018 của Bộ NN&PTNT, sau 30 ngày kể từ ngày địa phương đó thực hiện tiêu hủy con vật nhiễm bệnh cuối cùng, người chăn nuôi có thể tái đàn. Tuy nhiên, chúng tôi khuyến cáo bà con không nên tái đàn một cách vội vàng, ồ ạt.

Bước đầu, bà con chỉ nên nuôi 10% công năng, gọi là nuôi chỉ báo, sau đó lấy mẫu xem mầm bệnh còn tồn tại hay không rồi mới tăng đàn dần dần để đạt mức nuôi ban đầu.

Nhiều trang trại chăn nuôi (không có dịch) tại một số vùng dịch tại các xã, huyện, tỉnh đang điêu đứng vì lợn không thể tiêu thụ được.

"Vì sao lại là 30 ngày mà không phải con số khác? Nếu bị nhiễm bệnh DTLCP, con lợn cần thời gian từ 19-30 ngày để phát bệnh, sau khoảng thời gian trên, nếu không có con vật nào nhiễm bệnh thì chúng ta mới được phép công bố hết dịch và có thể tái đàn. Chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng để đưa ra con số này chứ không phải là nói bâng quơ", ông Long khẳng định.