Sự xuất hiện của smartphone, internet và mạng xã hội thậm chí còn khiến quyền lực giám sát trở nên mạnh hơn.
Câu chuyện “cấm quay phim chụp hình” tại nơi tiếp công dân của Hà Nội có lẽ sẽ khó có kết luận đúng - sai một cách rõ ràng về mặt luật pháp. Cả bên ủng hộ hay phản đối đều đưa ra những dẫn chứng pháp lý cụ thể để bảo vệ quan điểm của mình, từ Hiến pháp, Luật Tiếp Công dân, cho đến văn bản của Thanh tra Chính phủ. Nhưng tôi thì nghĩ nhiều hơn đến mối quan hệ giữa nhà nước và người dân: thực chất mấu chốt vấn đề vẫn là niềm tin.
Tất nhiên, niềm tin - đặc biệt là với bộ máy nhà nước - không tự dưng mà có. Nó phát triển một phần qua khả năng giám sát. Người dân có thể không cần biết, nhưng nếu muốn, họ có công cụ để biết nhà nước đang làm gì. Chiếc camera an ninh ở lớp mẫu giáo không khiến bố mẹ các bé xem livestream cả ngày, nhưng họ sẽ yên tâm mỗi khi muốn kiểm tra tình hình đứa con mình.
Nếu như vào thời đại “tiền” công nghệ số, việc giám sát rất khó thực hiện, trừ những buổi tiếp dân công khai hay vi hành của lãnh đạo. Điều này có lẽ khiến quan lại dễ thở hơn, nhưng đồng thời cũng tạo ra quyền lực cát cứ, dần dần làm tăng tâm lý bất mãn của người dân. Không ít các triều đại phong kiến huy hoàng rồi sụp đổ khi chính quyền trung ương mất khả năng kiểm soát tình hình ở địa phương.
Đây chính là hàm ý quan trọng của giám sát: khi người dân được trao quyền, cơ chế giám sát một mặt hạn chế việc làm sai trái của một bộ phận cán bộ, một mặt là cột khói báo hiệu về các vấn đề họ quan tâm cho nhà nước. Trong những năm qua, đã có rất nhiều những ví dụ về thay đổi chính sách từ những clip tự quay của người dân, như việc xử lý các cảnh sát giao thông nhận tiền của người đi đường. Không một ai còn cho rằng nhận dăm ba chục thì không gọi là tham nhũng như câu nói của một vị thiếu tướng cách đây 7 năm. Ít nhất, việc nhận tiền mãi lộ đã không còn được thực hiện một cách công khai như trước. Cũng không ít tài xế bị “phạt nguội” vì những vi phạm bị ghi lại bởi người khác.
Sự xuất hiện của smartphone, internet, và mạng xã hội thậm chí còn khiến quyền lực giám sát trở nên mạnh hơn. Vào năm 2010, hình ảnh và câu chuyện của một người bán rau tự thiêu tại Tunisia trở thành chất xúc tác khiến cả Bắc Phi rung chuyển.
Tất nhiên, quyền lực càng lớn thì khả năng bị lạm dụng càng cao, như làn sóng tin giả gây náo loạn thế giới trong hai năm qua. Có lẽ đó cũng là lý do chính để chính quyền đưa ra quyết định cấm quay phim chụp hình mà không được cán bộ đồng ý trong phòng tiếp dân. Ông Nguyễn Đức Chung, chủ tịch UBND Hà Nội đã nhắc đến nguy cơ “cắt xén nội dung, đưa lên mạng phục vụ những mục đích khác” khi được hỏi về quy định trên.
Nhưng nếu việc xuyên tạc thông tin, đăng tin giả, kích động bạo lực đã có những quy định khác điều chỉnh - thậm chí với những hình phạt rất nghiêm khắc - tại sao lại phải hạn chế quyền lợi của rất nhiều người chỉ bởi nguy cơ tạo ra từ một nhóm rất nhỏ khác? Điều này cũng không khác nào việc cấm ô tô bởi một số tài xế lái ẩu gây ra tai nạn trên đường phố. Chính quyền không thể giả định bất kì ai quay phim cũng vì mục đích xấu.
Do đó, nếu muốn, thành phố cũng điều chỉnh trực tiếp những hành vi lo ngại nói trên, như yêu cầu công dân có thái độ nghiêm túc, đúng mực khi làm việc, hoặc thậm chí từ chối làm việc với những ai cố tình gây rối. Tôi tin các cơ quan nhà nước có thừa khả năng, và không ít lần, làm việc đó.
Nhìn xa hơn, thì đó là câu chuyện nhà nước phục vụ người dân hay người dân phục vụ nhà nước. Quy định của Hà Nội mang lại tiện lợi cho cán bộ: họ có quyền không đồng ý khi người dân xin phép quay phim, chụp hình, và kể cả khi người dân yêu cầu chiết xuất dữ liệu từ phòng tiếp dân, hai bên phải thống nhất nội dung với nhau “bằng văn bản”. Điều này nghĩa là nếu cách hiểu của người dân và cán bộ khác nhau, người dân cũng không thể sử dụng biên bản đó để khiếu nại tới các cơ quan khác.
Băn khoăn đó lại dẫn chúng ta về vấn đề niềm tin. Nhà nước có thể đúng, nhưng một chính sách đúng chỉ thực thi hiệu quả khi được người dân ủng hộ, chứ không phải bằng các công cụ quyền lực nhà nước. Để có được sự ủng hộ đó, ngoài việc bộ máy nhà nước phải minh bạch, người dân cần có các công cụ giám sát của riêng mình. Người dân có lý lẽ riêng: nếu nhà nước không làm gì sai, việc gì phải sợ quay phim hay chụp hình?
Đáng lo ngại là tâm lý “sợ dân”. Theo khảo sát nhanh của báo Thanh niên, có đến 32 tỉnh có quy định cấm quay phim chụp hình trong văn bản nội quy tiếp công dân. Con số này với các bộ, ngành là 6.
Với tôi, những con số đó không phải là một chỉ số tốt, bởi niềm tin của người dân và sự bí mật của nhà nước tỷ lệ nghịch với nhau.