Thực hiện chức năng giám sát, thời gian qua các ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng ở cơ sở đã phát hiện, kiến nghị xử lý nhiều vụ sai phạm, giúp cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt công tác quản lý, điều hành. Tuy nhiên, hoạt động của các ban này hiện gặp rất nhiều khó khăn. Với sự hỗ trợ của Ban Quản lý dự án hỗ trợ quản trị địa phương trách nhiệm giải trình, đáp ứng được tại tỉnh Nghệ An (RALG), bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra, giám sát ở cơ sở.
Tập huấn cho đội ngũ các ban TTND, GSĐTCCĐ tại Quỳ Hợp. Ảnh: Lê Thanh Khó khăn từ cơ sở
Thị xã Cửa Lò có 7 ban thanh tra nhân dân (TTND) với 62 thành viên và 14 ban giám sát đầu tư của cộng đồng (GSĐTCCĐ) với 55 thành viên. Năm 2018, ban TTND 7 phường đã tham gia xác minh 2 vụ việc, giám sát các lĩnh vực, vụ việc tại cơ sở. Ban GSĐTCCĐ tổ chức giám sát 19 công trình ở cơ sở và địa bàn dân cư. Qua giám sát, phát hiện sai phạm 2 công trình đã kiến nghị chính quyền, các đơn vị liên quan xử lý.
Thị xã Cửa Lò. Ảnh tư liệu Hoạt động giám sát đầu tư của cộng đồng ở Cửa Lò đã mang lại hiệu quả thiết thực, hạn chế sai phạm trong quá trình triển khai các công trình, dự án, tạo điều kiện để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. “Tuy nhiên, hoạt động của các ban này còn nhiều khó khăn, bất cập. Mỗi ban TTND, ban GSĐTCCĐ có từ 5-10 thành viên, chủ yếu là những người trong ban công tác mặt trận, các chi, tổ, hội, đoàn thể ở khu dân cư và một số ít người hiểu biết, kinh nghiệm về lĩnh vực đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó, một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa thực sự quan tâm đến công tác này và xem đó là công việc của MTTQ, chậm giải quyết những vấn đề do ban kiến nghị” - Chủ tịch Ủy ban MTTQ thị xã Trần Thị Thanh Thủy cho biết.
Còn đối với MTTQ huyện Quỳ Hợp, đến nay 21/21 xã, thị trấn thành lập ban TTND và ban GSĐTCCĐ với 140 người. Thời gian qua, các ban ở cấp xã đã triển khai giám sát các nội dung như thu - chi bộ phận một cửa của UBND xã, chế độ, chính sách cho người có công, xã hội hóa ở các trường học. Còn ở cấp huyện giám sát các đại biểu dân cử, chế độ hỗ trợ tiền điện cho các xã vùng sâu, vùng xa.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ huyện Quỳ Hợp Lương Hồng Xuyên, khó khăn của các ban TTND và GSĐTCCĐ chủ yếu là kiêm nhiệm, thêm vào đó là trình độ, năng lực còn hạn chế, tâm lý ngại va chạm, nên không phải lúc nào, việc gì cũng có thể giám sát và giám sát có hiệu quả. Khi thực hiện các nội dung giám sát các thành viên gặp rất nhiều khó khăn trong tham gia giám sát thiết kế, thi công, dự toán của dự án… vì thiếu kiến thức chuyên môn, thế nên chỉ giám sát theo kiểu “trực quan”.
“Các thành viên của ban TTND và ban GSĐTCCĐ cần được trang bị kiến thức, nghiệp vụ một cách bài bản thông qua chương trình bồi dưỡng, tập huấn, đi đôi với đó là tăng cường trang bị, bảo đảm kinh phí phục vụ công tác giám sát để hoạt động này thực sự phát huy hiệu quả, góp phần bảo đảm hoạt động đầu tư đúng quy hoạch, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng do chưa có kinh phí nên địa phương chưa có điều kiện để tổ chức. Trong tháng 8/2018, với sự hỗ trợ của Dự án RALG tại Nghệ An đã giúp cán bộ MTTQ các cấp ở Quỳ Hợp được tập huấn trang bị kiến thức, cẩm nang trong quá trình triển khai giám sát, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của các ban này” Câu trích dẫn
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ huyện Quỳ Hợp
Nâng cao năng lực cán bộCông tác giám sát, phản biện xã hội có vai trò to lớn, ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội, góp phần tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, kịp thời ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần bảo đảm ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng công tác củng cố, kiện toàn đội ngũ cũng như quá trình hoạt động này ở các cấp trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế.
Ngoài khó khăn về kinh phí eo hẹp thì vấn đề đáng quan tâm nhất là trình độ của các giám sát viên cũng còn nhiều điều đáng bàn, vì hầu hết thành viên trong ban GSĐTCCĐ đều ở các thôn, xóm cử ra nên năng lực, trình độ chuyên môn có phần hạn chế. Đây là vấn đề được Ủy ban MTTQ các cấp của tỉnh tập trung để củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi nhiệm vụ của các ban này.
Với sự hỗ trợ của Dự án RALG ở Nghệ An, Mặt trận Tổ quốc tỉnh có điều kiện tổ chức các chương trình tập huấn hướng dẫn cho các thành viên ban TTND, ban GSĐTCCĐ ở một số địa phương như: thị xã Cửa Lò, các huyện Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong… Thông qua các chương trình tập huấn các thành viên của các ban TTND, GSĐTCCĐ ở thôn, xóm, xã, phường, thị trấn hiểu, nắm vững các kỹ năng, phương pháp giám sát.
Công trình đường GTNT là nội dung được các Ban GSĐTCCĐ thực hiện có hiệu quả trong thời gian qua. Ảnh: Lê Thanh Từ đó giúp các ban này thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình tại địa phương, góp phần quan trọng trong việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, kịp thời khắc phục các hạn chế, khuyết điểm của đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở trong thực thi công vụ; thực hiện tốt công tác quy hoạch, kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội, sử dụng đất đai; hạn chế thất thoát, nâng cao chất lượng, hiệu quả các công trình, dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn dân cư, hạn chế đơn thư, khiếu kiện của nhân dân, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc các cấp trên địa bàn theo quy định.
Cùng đó, được sự hỗ trợ của Ban Quản lý Dự án RALG Nghệ An, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức đoàn trao đổi kinh nghiệm trong công tác tổ chức hoạt động của ban TTND và ban GSĐTCCĐ tại các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng. Theo đó, hai bên trao đổi kinh nghiệm trong việc hướng dẫn thành lập và hoạt động của các ban TTND, ban GSĐTCCĐ. Với các nội dung như kinh nghiệm phối hợp giữa MTTQ tỉnh với Sở Kế hoạch và Đầu tư trong việc hướng dẫn hoạt động của ban GSĐTCCĐ. Kinh nghiệm trong việc tổ chức tập huấn nâng cao năng lực thành viên, công tác giám sát cũng như việc hỗ trợ kinh phí cho ban TTND, ban GSĐTCCĐ hoạt động.
“Việc Ban Quản lý dự án hỗ trợ quản trị địa phương trách nhiệm giải trình, đáp ứng được tại tỉnh Nghệ An (RALG) hỗ trợ Mặt trận Tổ quốc tổ chức bồi dưỡng nâng cao kiến thức công tác giám sát, phản biện xã hội cho đội ngũ làm công tác Mặt trận ở cơ sở là việc làm rất cần thiết. Qua đó, góp phần giúp đội ngũ cán bộ Mặt trận ở cơ sở nêu cao tinh thần trách nhiệm, vận dụng hiệu quả những kiến thức, kỹ năng vào nhiệm vụ phản biện, xã hội ở địa phương mình phụ trách. Nhất là thông qua tập huấn giúp đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận ở cơ sở nắm vững kiến thức, kỹ năng về phản biện, xã hội để vận dụng linh hoạt, hiệu quả; góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nguyễn Văn Huy
Toàn tỉnh có 480 ban TTND với 4.328 thành viên, trong năm 2018 đã tổ chức giám sát 1.409 cuộc, trong đó số vụ việc kiến nghị xử lý 998, số vụ việc được cơ quan có thẩm quyền xử lý, giải quyết là 830; có 700 ban GSĐTCCĐ với 4.410 thành viên, tổ chức giám sát 1.658 cuộc, số vụ việc kiến nghị xử lý là 550, số vụ việc được cơ quan có thẩm quyền xử lý, giải quyết là 519.