Trả lời:

Theo quy định tại Điều 4, Quy chế phối hợp giải quyết việc đình công không đúng trình tự, thủ tục do pháp luật quy định trên địa bàn tỉnh Nghệ An, ban hành kèm theo Quyết định số 29/QĐ/2021/QĐ-UBND ngày 22/9/2021 của UBND tỉnh Nghệ An, về quy trình và thẩm quyền giải quyết các cuộc đình công không đúng trình tự, thủ tục do pháp luật quy định trên địa bàn, như sau:

1. Khi phát hiện có dấu hiệu, ý định đình công tại doanh nghiệp thì người sử dụng lao động (NSDLĐ) phải thông báo kịp thời cho UBND cấp huyện nơi đặt trụ sở và Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam (đối với các DN trong khu công nghiệp); trực tiếp làm việc, đối thoại với NSDLĐ để xem xét, nghiên cứu và có giải pháp giải quyết nhu cầu chính đáng của người lao động.

2. Khi nhận được thông tin về việc người lao động tiến hành đình công xảy ra tại doanh nghiệp thì UBND cấp huyện nơi đặt trụ sở DN hoặc Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam (đối với các DN trong khu công nghiệp)khẩn trương thành lập đoàn công tác liên ngành đến ngay hiện trường để ổn định tình hình an ninh, trật tự; phát hiện, ngăn chặn kịp thời các biểu hiện quá khích; có biện pháp xử lý nhanh, hiệu quả không để lan rộng cuộc đình công sang khu vực lân cận. Đồng thời, báo cáo UBND tỉnh về các tình hình liên quan để chủ động giải pháp xử lý.

a) Đối với doanh nghiệp thuộc địa bàn quản lý của UBND cấp huyện thì thành lập đoàn công tác liên ngành cấp huyện do 01 đồng chí lãnh đạo UBND cấp huyện làm Trưởng đoàn và mời đại diện lãnh đạo LĐLĐ cấp huyện, UBMTTQ cấp huyện tham gia đoàn công tác.

b) Đối với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp thì thành lập đoàn công tác liên ngành do 01 đồng chí lãnh đạo Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam làm trưởng đoàn và mời đại diện lãnh đạo UBND cấp huyện, các phòng, ban liên quan cấp huyện, Liên đoàn Lao động cấp huyện, UBMTTQ cấp huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở, Công đoàn Khu Kinh tế Đông Nam tham gia đoàn công tác.

z3194933057130_ffc935b5ac3790cd7aebbb6b57510e344594958_1922022.jpgCông đoàn KKT Đông Nam ổn định tình hình tại một cuộc đình công. Ảnh: P.V

3. Khi vụ việc phức tạp kéo dài, vượt quá khả năng giải quyết của UBND cấp huyện, Ban Quản lý của Khu Kinh tế Đông Nam thì UBND cấp huyện, Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam báo cáo UBND tỉnh thành lập đoàn công tác liên ngành cấp tỉnh để tham gia giải quyết vụ việc. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu UBND tỉnh thành lập đoàn, mời Liên đoàn Lao động tỉnh tham gia đoàn công tác.

4. Đoàn công tác liên ngành cấp tỉnh nhanh chóng tiếp cận hiện trường xảy ra cuộc đình công để phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ UBND cấp huyện, Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam tiếp tục giải quyết vụ việc.

5. Trường hợp vụ việc phức tạp vượt quá thẩm quyền giải quyết của đoàn công tác liên ngành cấp tỉnh thì trưởng đoàn công tác liên ngành cấp tỉnh phải báo cáo ngay Chủ tịch UBND tỉnh để có hướng chỉ đạo giải quyết.

6. Trường hợp có dấu hiệu chuyển hóa từ đình công sang gây rối an ninh, trật tự, bạo loạn thì Công an tỉnh tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành địa phương liên quan nhanh chóng tăng cường lực lượng đủ mạnh, trong đó, lực lượng Công an, Quân sự, Bộ đội biên phòng làm nòng cốt để ngăn chặn, giải quyết vụ việc theo phương châm “4 tại chỗ” đảm bảo sớm ổn định tình hình an ninh, trật tự tại địa bàn.

BAN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT - QUAN HỆ LAO ĐỘNG

LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH NGHỆ AN

ĐT: 0919.742.006; 0375.037.037