Ngày 21/2, UBND tỉnh Nghệ An có văn bản về việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định trong các doanh nghiệp.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh gần đây, trên địa bàn tỉnh Nghệ An xảy ra một số cuộc đình công không theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định, tập trung đông người làm ảnh hưởng đến việc làm, đời sống của người lao động và tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của các bên; hạn chế thấp nhất xảy ra tranh chấp lao động dẫn đến đình công, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành có liên quan, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công cụ thể tại Kế hoạch số 233/KH-UBND ngày 05/5/2020 của UBND tỉnh thực hiện Kế hoạch số 227-KH/TU ngày 17/02/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới và Quyết định số 29/2001/QĐ-UBND ngày 22/9/2021 của UBND tỉnh ban hành quy chế phối hợp giải quyết việc đình công không đúng trình tự, thủ tục do pháp luật quy định trên địa bàn tỉnh để chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả.
UBND tỉnh cũng giao nhiệm vụ cho từng sở, ngành. Trong đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thành, thị tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện có hiệu quả Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn vệ sinh lao động, và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm chuyển biến nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người lao động và người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động, trong đó tập trung vào những nội dung vi phạm thường xảy ra tranh chấp; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Thường xuyên theo dõi và kịp thời giải quyết các vướng mắc, mâu thuẫn phát sinh trong quan hệ lao động, không để tranh chấp lao động kéo dài dẫn đến đình công.
UBND tỉnh giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp các ngành chức năng thường xuyên nắm bắt tình hình về an ninh trật tự các đơn vị, doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp có nhiều lao động, doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài. Đồng thời, chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các dấu hiệu hoạt động móc nối, lôi kéo, kích động công nhân đình công, ngừng việc không đúng quy định gây phức tạp về an ninh trật tự.
Trong khi đó, Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam; UBND các huyện, thành, thị được yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các chính sách, quy định của pháp luật tại Bộ Luật lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn vệ sinh lao động... và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trong đó, ưu tiên tập trung vào những nội dung liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động trong các doanh nghiệp.
Chủ động nắm chắc tình hình và kịp thời giải quyết các vướng mắc, mâu thuẫn phát sinh trong quan hệ lao động, không để tranh chấp lao động kéo dài dẫn đến đình công; chủ động giải quyết tranh chấp lao động tập thể xảy ra trên địa bàn theo quy định của pháp luật. Phối hợp với công đoàn cùng cấp vận động thành lập công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động, tập trung vào những nội dung vi phạm thường xảy ra tranh chấp như: tiền lương, trợ cấp, nâng lương, mức lao động, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động... Đồng thời, xử lý nghiêm đối với các doanh nghiệp có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
UBND tỉnh cũng đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh chỉ đạo công đoàn cơ sở thực hiện chức năng đại diện công đoàn trong đối thoại, thương lượng, giải quyết tranh chấp lao động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Kịp thời phối hợp với các sở, ban, ngành chức năng; UBND các huyện, thành phố, thị xã hỗ trợ giải quyết tranh chấp lao động, đình công nhằm bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự xã hội. Hướng dẫn, chỉ đạo công đoàn cơ sở nắm vững quy định pháp luật thường xuyên trao đổi, đối thoại với công nhân, người lao động, kịp thời nắm bắt, dự báo tình hình tư tưởng, định hướng dư luận xã hội, nhất là ở các doanh nghiệp có đông lao động để hỗ trợ, giải quyết những tồn tại bất cập nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, hạn chế tranh chấp lao động dẫn đến đình công.
Các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm thực hiện tốt các quy định của pháp luật lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, công đoàn,... nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. Hạn chế xảy ra tranh chấp lao động tập thể kéo dài dẫn đến đình công. Thường xuyên đối thoại với người lao động, tổ chức đại diện người lao động nhằm tăng cường sự hiểu biết, hợp tác, cùng nỗ lực hướng tới giải pháp các bên cùng có lợi. Trong đó, tập trung vào các nội dung như: Tiền lương, trợ cấp, nâng lương, thưởng, bữa ăn và các chế chế độ khác; mức lao động, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, làm thêm giờ, nghỉ giữa ca; bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động...
Đồng thời, phải hỗ trợ tạo điều kiện thành lập tổ chức công đoàn cơ sở, hoạt động theo đúng quy định của pháp luật và điều lệ; Chăm lo cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động, chủ động giải quyết các tranh chấp lao động ngay tại doanh nghiệp khi mới phát sinh theo quy định của pháp luật. Đối với các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả cao cần nghiên cứu hỗ trợ thêm các chế độ để nâng cao chất lượng đời sống cho người lao động./.