(Baonghean) - Cây khoai tây có chu kỳ sản xuất ngắn (trong vòng 3 tháng) và năng suất cao đã góp phần quan trọng nâng cao thu nhập cho người sản xuất. Sau đây là quy trình trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu có phủ rơm rạ là một phương pháp giúp tăng năng suất, giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất, tăng độ phì cho đất và giảm ô nhiễm môi trường do đốt rơm rạ bừa bãi.

798685_small_100593.jpg

                       Trồng khoai tây theo phương pháp làm đất tối thiểu. Ảnh: P.V

1. Giống khoai:

Sử dụng các giống khoai hiện đang được trồng phổ biến và có nguồn gốc rõ ràng.
 
Tiêu chuẩn củ giống: Củ đều, sạch sâu bệnh, vỏ củ còn căng; cỡ củ từ 25-40 củ/kg (đường kính củ từ trên 25 đến 45mm) có từ 2-3 mầm dài 0,2-2cm. Củ giống cỡ to, có nhiều mầm trước khi trồng 1-2 ngày, nên dùng dao sắc bổ thành miếng sao cho mỗi miếng có 2 mầm và chấm mặt cắt miếng khoai giống vào hỗn hợp bột xi măng khô+30% vôi bột hoặc tro bếp. Lưu ý, cần nhúng dao vào nước xà phòng đặc sau mỗi lần bổ củ.

Lượng giống: 1.100-1600kg/ha tuỳ theo kích cỡ của giống. Tương đương 40-58kg/sào Bắc bộ, 55-80kg/sào Trung bộ.

2. Đất trồng, làm đất và lên luống

Đất trồng: Là loại cây trồng trên tất cả các loại đất dễ thoát nước như ruộng luân canh với lúa nước 2 vụ, tranh thủ nước rút sau mưa lũ hoặc chân ruộng lúa 1 vụ. Thích hợp nhất chân ruộng đất thịt nhẹ, thịt pha cát, xốp, nhiều chất hữu cơ, tưới tiêu chủ động.

Làm luống: Rút kiệt nước ruộng trước khi thu hoạch lúa 7-10 ngày.

Với đất khô đủ ẩm: Sau thu hoạch lúa mùa ruộng được cắt sát gốc rạ, rơm rạ được thu gom gọn thành đống ở góc ruộng. Đến thời vụ trồng khoai tiến hành cày 2 đường (đường đi đường về) để tạo rãnh luống, theo chiều nghiêng của ruộng, mặt luống rộng 1,2m, cao 25-20cm, rãnh rộng 30 cm và cày một đường xung quanh ruộng để thuận lợi cho việc tưới và thoát nước.

Trên nền đất thịt nặng, đất ướt: Các khâu làm luống như với đất đủ ẩm, nhưng lưu ý làm rãnh sâu hơn 25-30 cm và cày một đường xung quanh ruộng tạo rãnh sâu để thuận lợi cho việc tưới và thoát nước sau này. 

3. Phân bón:

Sử dụng phân bón hợp lý (4 đúng); bón đủ lượng, đủ loại và bón cân đối phân đạm, phân lân, phân ka li; bón đúng cách và đúng thời điểm cây khoai tây cần.

Lượng phân và thời điểm bón:

Vôi bột: 0,5-0,6 tấn/ha, bón lót 100%, bón trước khi trồng.

Phân chuồng hoai: 15-20 tấn/ha, bón lót 100%, bón trước khi trồng.

Phân lân 0,5-0,6 tấn/ha, bón lót 100%, bón trước khi trồng.

Đạm Ure: 220-280 tấn/ha, bón lót: 20% trước khi trồng, thúc lần 1: 40% khi cây mọc cao 15-20 cm (20 ngày sau trồng), thúc lần 2: 40% sau lần 1 từ 8-10 ngày.

Kali: 220-280 tấn/ha, bón lót: 20% trước khi trồng, thúc lần 1: 50% khi cây mọc cao 15-20cm, thúc lần 2: 50% sau lần 1 từ 8-10 ngày.

Cách bón phân:

Bón lót: Trộn đều toàn bộ phân chuồng hoai, phân lân, vôi và 20% lượng đạm bón lót theo từng hốc hoặc rãnh, sau đó lấp một lớp đất mỏng

Bón thúc: Rạch rơm, rạ và bón phân dưới lớp rơm rạ giữa hai khóm khoai tây (tránh bón trực tiếp vào gốc cây), kết hợp với tưới nước đảm bảo đủ ẩm.

4.  Kỹ thuật trồng:

Mật độ và khoảng cách trồng: Trồng 2 hàng/luống, cách mép luống 30cm, hàng cách hàng 60 cm và củ cách củ 25x30cm (khoảng 1.440-1.800 hốc/sào tuỳ theo giống khoai, tương đương 40.000-50.000 hốc/ha).

Cách trồng:

Trộn đều toàn bộ phân chuồng hoai, phân lân, vôi và 20% lượng đạm bón lót theo từng hốc hoặc rãnh, sau đó lấp một lớp đất mỏng sau đó đặt củ giống so le, hướng của mầm khoai lên trên. Dùng đất rãnh đập nhỏ phủ kín củ giống 1 lớp mỏng; dùng rơm rạ phủ dầy lên toàn bộ mặt luống khoảng 7-10cm (1 sào khoai cần 3 -4 sào rơm hoặc rạ). Ngay sau khi trồng, tưới nước ướt đều lên mặt luống, nếu đất còn ẩm cao không cần tưới chỉ dùng đất ở rãnh đè lên rơm rạ cho rơm rạ không bị bay.

Nếu đất còn ướt, lót một lớp đất bột rồi đặt củ khoai giống lên, dùng toàn bộ phân phân chuồng hoai, phân lân, vôi và đạm đã trộn đều và bón xung quanh củ khoai giống. Dùng đất bột, mùn, trấu phủ kín củ giống 1 lớp; dùng rơm rạ phủ dầy lên toàn bộ mặt luống khoảng 7-10cm.

5. Kỹ thuật chăm sóc:

Khi cây mọc cao 7-10cm, chăm sóc bình thường theo dõi và phủ bổ sung thêm rơm rạ để toàn bộ phân bón và củ giống không được tiếp xúc với ánh sáng.

Bón phân, chăm sóc:

- Bón thúc: Rạch rơm, rạ và bón phân dưới lớp rơm rạ giữa hai khóm khoai tây (tránh bón trực tiếp vào gốc cây), kết hợp với tưới nước đảm bảo đủ ẩm. Lần 1, khi cây mọc 15-20cm (sau trồng 20 ngày) 40% lượng đạm Urea và 40% lượng kali; Lần 2, sau lần 1 từ 8-10 ngày 40% lượng đạm Urea và 40% lượng kali

- Chăm sóc:

+ Sau khi cây mọc được khoảng 7-10cm tỉa bớt mầm mỗi cây chỉ giữ lại từ 2 - 3 mầm khỏe.

+ Thường xuyên kiểm tra và bổ sung rơm, rạ, nhất là giai đoạn giai đoạn cây đâm tia hình thành củ (sau trồng 30 ngày), tránh tia củ tiếp xúc trực tiếp ánh sáng.

+ Theo dõi sinh trưởng và tình hình sâu, bệnh, cỏ dại để có biện pháp xử lý kịp thời.

Tưới nước: Thường xuyên theo dõi và bổ sung nước khi đất không đủ ẩm. Tuy nhiên, khoai tây cần ẩm nhưng không ưa độ ẩm cao.

- Nếu đất khô tiến hành tưới nước vào các rãnh ngập 1/3-2/3 chiều cao luống để nước tự thấm vào đất, khi thấy mặt luống chuyển sang mầu sẫm thì rút nước; Nếu không có điều kiện, có thể xen kẽ các đợt tưới rãnh tưới ẩm bằng ô doa.

- Cần kết thúc tưới rãnh trước thu hoạch 10 ngày.

6. Phòng trừ sâu bệnh:

Phòng trừ sâu khoang: Khi khoai mọc đều thì tiến hành làm bả chua ngọt cắm trên ruộng để diệt trưởng thành sâu khoang; cắm 150 bả/ha. Cắm bả liên tục trên ruộng, nếu bả khô cần bổ sung thêm dung dịch của bả.

Phòng trừ ruồi đục lá: Áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp (IPM) như  vệ sinh đồng ruộng, hạn chế ký chủ xung quanh ruộng, dùng bẫy vàng, cắt huỷ lá bị nhiễm nặng, phun thuốc trừ ruồi;

Phòng trừ mốc sương: Thường xuyên theo dõi đồng ruộng, đặc biệt khoai sau trồng được 50 ngày, nếu trên lá xuất hiện vết bệnh sương mai và thời tiết thuận lợi phải tiến hành phun thuốc phòng trừ bệnh sương mai bằng các loại thuốc đặc hiệu.
Phòng trừ héo rũ vi khuẩn: Luân canh trồng lại khoai tây trên cùng ruộng sau ít nhất 2,5-3 năm. Luân canh với cà rốt  ít nhất 3 vụ. Dùng củ giống sạch bệnh.

7. Thu hoạch và bảo quản: 

Thu hoạch:

+ Sau khi cây khoai đã vàng 50-80% số lá có thể tiến hành thu hoạch. Chọn thời tiết khô ráo tránh để củ khoai bị ướt khó bảo quản được lâu. Chuẩn bị sẵn 2 khay đựng, đi đến đâu vạch rơm, rạ ra và nhặt củ khoai.

+ Phân loại củ trên ruộng khi thu hoạch, những của nhỏ để làm giống cho vụ sau.

Chú ý: Bỏ riêng khoai ở những khóm khoai bị bệnh làm khoai thương phẩm, không để làm giống ở vụ sau.

Bảo quản:

-  Khoai tây thương phẩm được để nơi tối, tránh ánh sáng làm khoai bị xanh.

- Khoai để làm giống cần phân loại theo cỡ củ đựng vào bao lưới và bảo quản trong kho lạnh.


Nguyễn Tuấn Lộc (Trung tâm BVTV vùng Khu 4)