(Baonghean) - Từ ngày 1/1/2017, theo Điều 30 Nghị định 46, cảnh sát giao thông sẽ phạt từ 100.000 đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đến 400.000 đồng với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự không làm thủ tục đăng ký sang tên (chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên mình). Việc này áp dụng cả với diện "được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản".
Thường đã là quy định chính thức của Nhà nước thì phải và nên chấp hành. Thực tế có nhiều việc đầu tiên dư luận phản ứng, dần dần làm rồi nó vào nề nếp thì thấy có nhiều cái lợi như việc đội mũ bảo hiểm (ở đây không nói đến chủ trương xử phạt người sử dụng mũ bảo hiểm kém chất lượng).
Nhưng có ý kiến nói là: Xe máy hiện nay là phương tiện đi lại quan trọng của không ít gia đình nông thôn nói riêng, họ còn dùng để vận chuyển hàng hóa ra chợ, vận chuyển sản phẩm hàng hóa nông nghiệp từ ruộng đồng về nhà và từ nhà đến nơi tiêu thụ. Để có chiếc xe máy họ đã phải cật lực lao động, thậm chí vay mượn...
Một chiếc xe máy được mua về đều mang tên đăng ký của chủ hộ gia đình, không thể mang tên đăng ký của nhiều người trong gia đình được. Nếu bắt đầu từ ngày 1/1/2017, cảnh sát giao thông sẽ xử phạt người đi xe không chính chủ thì nhiều gia đình sẽ gặp không ít khó khăn.
Chưa kể trường hợp người bà con, anh em ở xa về thăm quê hương muốn đi thăm nom ai trong làng, trong xã mượn xe của anh em người thân... Cái việc khi cảnh sát kiểm tra người điều khiển phương tiện, để chứng minh cho ra xe cá nhân trong gia đình mình chẳng hạn, thì cũng đã là tốn thời gian...
Thế nên nghĩ, khi đưa ra một quy định mới cần tham khảo kỹ càng ý kiến nhân dân và có tính thực tế thật cao để quy định sớm chứng tỏ tính phù hợp, hiệu quả.
Phùng Văn