(Baonghean) - Mặc dù đã có nhiều biện pháp nhằm đảm bảo ATVSTP nhưng tình trạng vi phạm ATTP, số vụ ngộ độc là thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc vẫn đang là mối lo lớn trên địa bàn tỉnh. Thực trạng trên đòi hỏi cần có những giải pháp mạnh nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dân...

Tràn lan thực phẩm bẩn

Thời gian qua, các cấp, các ngành đã nỗ lực tăng cường công tác quản lý ATTP trong sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, bảo quản thực phẩm tươi sống nhưng thực tế vẫn còn nhiều tồn tại. Như tại các cơ sở giết mổ, lâu nay việc kiểm tra nguồn gốc thực phẩm, chất lượng thực phẩm và quy trình giết mổ đã được thực hiện, song thực tế, công tác này vẫn còn nhiều điều đáng bàn. Cơ sở giết mổ của ông Đinh Văn Hải ở xóm 4 - Tây Thọ, xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu được đánh giá là cơ sở đầu tư khá quy mô, trang thiết bị hiện đại.

images1808898_bna_5885cd7c3a411.jpgKhu sản xuất rau an toàn tại xóm 3, xã Nghi Liên (TP. Vinh) vẫn còn gặp khó khăn trong tiêu thụ.

Năm 2015, cơ sở của ông Hải được Dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và ATTP tỉnh hỗ trợ 30.000 USD để nâng cấp lên theo hình thức bán công nghiệp. Trong đó, một hạng mục quan trọng là đầu tư xây dựng giàn giết mổ treo nhằm đảm bảo ATVSTP. Tuy nhiên, vào thời điểm kiểm tra thì các hệ thống này không hoạt động. Cùng với đó, các công đoạn giết mổ cũng không thực hiện đúng theo quy trình. Lợn vẫn được giết mổ trực tiếp ngay dưới sàn, nước thải không được tiêu thoát kịp thời, những người giết mổ còn mang ủng đi trên các bàn để thực phẩm tươi sống.

Thực tế, trên địa bàn tỉnh không ít mô hình đã được đầu tư, hỗ trợ để nhằm xây dựng khu sản xuất, chế biến thực phẩm đảm bảo an toàn. Song, do chưa được đầu tư đồng bộ, cộng với việc phải cạnh tranh với những thực phẩm bẩn với giá rẻ hơn, nhiều mô hình vẫn chưa thể đứng vững để xây dựng được thương hiệu riêng. Ví dụ như mô hình sản xuất rau an toàn tại xã Nghi Liên (TP. Vinh). Hiện khu sản xuất rau an toàn của xã có gần 5ha với gần 20 hộ sản xuất.

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Văn Tuấn – Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Liên, mặc dù được Nhà nước đầu tư hỗ trợ xây dựng mô hình từ việc xét nghiệm chất đất, mẫu nước, giống, KHKT để sản xuất được thực phẩm sạch nhưng cái khó nhất ở khâu tiêu thụ. Bây giờ, khi đưa ra thị trường thì rau sản xuất theo mô hình vẫn phải bán giá ngang với các loại rau khác. Mới đây, Công ty BB Garden đã về kiểm tra và ký kết với nông dân sẽ tiêu thụ khoảng 70% rau với giá cao hơn thị trường khoảng 40%. Song, nỗi lo lớn nhất của người dân là không biết cam kết này có được lâu dài không?. 

Trong khi thực phẩm sạch còn chưa đứng vững trên thị trường thì thực phẩm bẩn ngày càng tràn lan, gây không ít lo lắng, hoang mang cho người tiêu dùng. Chỉ cần nhìn vào số lượng thực phẩm không đảm bảo các quy định của pháp luật về ATTP khiến cho nhiều người phải suy ngẫm. Cụ thể, trong vòng 5 năm từ 2011 - 2016, lực lượng công an đã phát hiện và bắt giữ 812 vụ 853 đối tượng có hành vi vi phạm trong lĩnh vực đảm bảo ATTP. Công an đã thu 205 tấn động vật, 81 tấn măng, gần 300 ngàn con gia cầm, 12 tấn hóa chất, phụ gia thực phẩm và 15 tấn rau, củ không đảm bảo ATVSTP.

Cũng trong giai đoạn này, ngành Nông nghiệp đã phát hiện 2.049/9.231 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm có hành vi vi phạm, tiến hành xử phạt hơn 1,2 tỷ đồng. Trong đó nhiều nhất là các cơ sở giết mổ, sơ chế sản phẩm động vật và chế biến nông, lâm, thủy sản. Theo lãnh đạo ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình trạng vi phạm về dùng thuốc BVTV, chất tăng trọng, chất kích thích trong trồng trọt, chăn nuôi vẫn còn tồn tại, chưa được kiểm soát hết. Cùng với đó, thực trạng sản xuất, chế biến thực phẩm trên địa bàn tỉnh vẫn chủ yếu là thủ công, nhỏ lẻ, kinh tế hộ gia đình nên nhận thức về trách nhiệm sản phẩm còn hạn chế, khó đáp ứng được các quy định ATTP.

Yếu trong năng lực quản lý

Có thể nói, nguyên nhân khiến cho tình trạng thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc tràn lan trên thị trường, ngoài trách nhiệm người kinh doanh, người tiêu dùng thì công tác quản lý Nhà nước về ATTP trên địa bàn nhìn chung còn yếu. Theo ông Hoàng Văn Tuấn – Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Kim (TP. Vinh), mặc dù chính quyền xã đã tăng cường quản lý nhưng tình trạng sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm về ATTP vẫn còn nhiều.

Nguyên nhân là do công tác kiểm tra mặc dù có nhưng chưa có biện pháp xử lý, răn đe đúng mức nên các cơ sở vi phạm chậm khắc phục, chai lỳ. “Nếu có đi kiểm tra thì chúng tôi cũng chỉ kiểm tra bằng mắt thường, cảm nhận bên ngoài chứ không đủ năng lực, thiết bị để đánh giá là sản phẩm đó có đạt chất lượng hay không. Trong khi loại hình thức ăn đường phố đang phát triển mạnh nhưng do tính chất thời vụ, địa điểm không cố định nên rất khó quản lý”, ông Tuấn cho biết thêm.

Thực tế, trong hệ thống chính quyền, khâu yếu nhất về quản lý ATTP vẫn là ở cấp xã, phường. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hồng Trung – Chủ tịch UBND xã Diễn Hồng (Diễn Châu), chính quyền xã không đủ thẩm quyền cũng như các yếu tố về con người và phương tiện kỹ thuật để xác định được chất lượng của mặt hàng sản phẩm.

Do đó, sự phối hợp, hỗ trợ của các ngành chức năng cấp trên là hoàn toàn cần thiết trong bối cảnh thực phẩm bẩn đang trở thành một con “virus” lây lan mạnh như hiện nay. Đồng quan điểm trên, Chủ tịch UBND xã Diễn Yên – ông Dương Đăng Hoàng nêu ví dụ về việc các loại bánh kẹo được đóng theo gói nhỏ không rõ nguồn gốc xuất xứ được bày bán đầy rẫy trước cổng trường. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của các cháu học sinh. Tuy nhiên, thẩm quyền cấp xã rất khó có thể xử lý triệt để. Do đó, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, kiểm soát chặt chẽ hơn việc các mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trà trộn vào thị trường. 

Mặc dù đã được Nhà nước hỗ trợ nhưng quy trình giết mổ tại cơ sở giết mổ của ông Đinh Văn Hải, xóm 4 Tây Thọ, xã Diễn Thọ (Diễn Châu) còn nhiều chưa đúng với quy định.

Thời gian qua, mặc dù tỉnh đã ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP, song việc triển khai tại địa phương chưa đồng bộ từ tỉnh đến huyện. Đặc biệt, đối với tuyến phường, xã, thị trấn chưa triển khai tốt. Mới đây, trong buổi làm việc với đoàn giám sát của Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật về ATVSTP, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Thông nhấn mạnh: “Những năm qua, Nghệ An đã rất quyết liệt trong công tác đảm bảo ATVSTP, đặc biệt là tăng cường kiểm tra, xử phạt các cơ sở có hành vi vi phạm về ATTP.

Song, hiện còn một số khó khăn là việc kiểm soát, ngăn chặn thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc từ bên ngoài vào nội địa. Chính quyền cấp xã, phường, thị trấn vẫn chưa vào cuộc một cách tích cực. Đối với thức ăn đường phố, thực phẩm tươi sống bày bán trên một số tuyến đường của thành phố, chợ, thực phẩm tiêu dùng mùa lễ hội không đảm bảo ATTP vẫn còn diễn biến phức tạp...”. 

Trước tình trạng trên, trong thời gian tới, tỉnh cần có những giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ, đặc biệt là kiểm soát được thực phẩm ngay từ gốc. Cùng với đó, tăng cường đầu tư, hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm sạch theo chuỗi khép kín, an toàn. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra nhằm phát hiện, ngăn chặn việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xất xứ, đối với những cơ sở có hành vi vi phạm về ATTP cần có mức xử lý răn đe.

Trong đợt giám sát về thực hiện chính sách, pháp luật ATTP trên địa bàn tỉnh, đoàn giám sát của Quốc hội đã chỉ ra những tồn tại hạn chế và yêu cầu tỉnh có những biện pháp khắc phục. Theo đoàn giám sát, trên địa bàn tỉnh có hơn 5.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhưng trong đó chỉ có gần 2.000 cơ sở được ngành Y tế cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP, chiếm tỷ lệ 39,34% là quá ít. Cùng với đó, trên địa bàn tỉnh hiện có 405 chợ đang hoạt động thì có đến 105 chợ có cơ sở vật chất tạm bợ, điều kiện vệ sinh môi trường còn nhiều bất cập, khu xử lý rác thải, khu vệ sinh và hệ thống nước phục vụ cho hoạt động của chợ vẫn còn chưa được cải thiện. Trong 5 năm qua, trên địa bàn tỉnh có đến 51 vụ ngộ độc thực phẩm với 975 người mắc là con số rất lớn. Đặc biệt, các cơ sở vi phạm ATTP được phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra còn chiếm tỷ lệ cao nhưng việc xử phạt vẫn còn ít. 

Nguyên Hưng - Phương Thảo

TIN LIÊN QUAN