(Baonghean) - Ngược Quỳ Châu sau 2 tháng xảy ra cơn lũ lịch sử (ngày 14/9), những hệ lụy thật đáng lo ngại. Nhiều công trình hạ tầng giao thông, cầu cống, nhà cửa bị hư hại chưa thể khắc phục. Hàng trăm ha đất nông nghiệp bị vùi lấp trong cát, đá, sỏi, không thể canh tác. Nguy cơ thiếu đói bắt đầu hiển hiện.
 
Trận lũ lịch sử
 
Bà Lữ Thị Minh (56 tuổi) trú tại bản Đơn, xã Châu Hội (Quỳ Châu), đến giờ vẫn đang loay hoay dọn dẹp những đống gỗ mục bị nước lũ cuốn dạt vào chân nhà. Khu vườn của bà Minh, nằm cạnh dòng khe Tằn ngổn ngang rác và gỗ. Chồng mất sớm, con cái đi làm ăn xa, bà Minh phải một mình chống chọi với trận lũ quét được cho là lớn nhất từ trước đến nay của địa phương này. “Các cụ lớn tuổi ở đây đều nói rằng chưa bao giờ có trận lũ nào lớn như vậy. Tối hôm đó tôi ngủ say, sáng thức giấc thì đã thấy nước trắng xóa, cảnh tượng thật kinh hoàng”, bà Minh rớm nước mắt nói. 
 
images1740284_4c.jpgMặc dù đã đến mùa vụ, nhưng phần lớn diện tích đất trồng lúa trên địa bàn xã Châu Hội (Quỳ Châu) chưa thể canh tác.
 
Dòng nước lũ từ khe Tằn dâng cao gần chục mét, mấp mé căn nhà sàn của bà Minh. Những cây gỗ lớn bị cuốn trôi theo dòng nước, va vào cột trụ khiến căn nhà xiêu vẹo, chực chờ đổ sập. Gia tài ít ỏi của người phụ nữ đơn thân là đàn vịt mới lớn cũng đã trôi theo dòng nước.
 
Sau lũ, bà Minh phải nhờ hàng xóm dựng tạm căn lều nhỏ vì ngôi nhà đã hư hỏng. “Giờ chẳng dám lên nhà vì sợ nó sập. Chỉ sau một đêm giờ trắng tay rồi. Nước lũ đã cuốn đi của tôi mọi thứ”, người phụ nữ khuôn mặt khắc khổ nói, ngước ánh mắt xa xăm nhìn ra những thửa ruộng trước đây vốn là ruộng lúa, nay bị biến thành bãi chiến trường ngổn ngang đá và cát.
 
Cũng như những người dân ở các bản, làng vùng cao này, bà Minh chỉ có vài sào ruộng ít ỏi dùng để trồng lúa nhưng tằn tiện lắm cũng đủ sống qua ngày. Tuy nhiên, khi ngày thu hoạch gần đến, những ruộng lúa bà tốn công chăm bón suốt hàng tháng trời chìm trong biển nước.
 
Nước rút, bà Minh hớt hải ra cánh đồng cố bòn mót nhưng cũng chỉ được chừng hơn chục cân lúa. Số lúa này theo bà không thể ăn được vì phần lớn là lúa non, dẹt, trộn lẫn đá sỏi. 
 
Bà Lữ Thị Minh ở bản Đơn, xã Châu Hội (Quỳ Châu) chỉ thu được 3 bao lúa non sau trận lũ.
 
Trong khi đó, tại xã Châu Nga, ngồi nức nở trong ngôi nhà nhỏ, chị Lê Thị Hương (40 tuổi) bản Liên Minh nói rằng, trận lũ quét gần 2 tháng trước vẫn còn ám ảnh chị trong những giấc ngủ. Thi thể của chồng chị, anh Vi Văn Hải (44 tuổi), đến nay vẫn chưa được tìm thấy mặc dù chính quyền địa phương và gia đình đã nỗ lực tìm kiếm khắp từng gốc cây, mỏm đá trên dòng khe Mưn. Chị Hương kể, hai vợ chồng về sống với nhau được 5 năm, gia cảnh đều nghèo nên đến nay vẫn chưa tổ chức lễ cưới.
 
Để mưu sinh qua ngày, vợ chồng chị phải vào rừng dựng lán ở suốt nhiều ngày để hái măng, mang về chợ bán. Rạng sáng 14/9, đang ngủ trong lán thì thấy nước dâng, hai vợ chồng vội vã thu dọn đồ đạc để tháo chạy. Khi lội qua khe, dòng nước lũ tràn về, chị bị cuốn trước nhưng may mắn bám được vào cây lớn khi đã bị trôi hàng trăm mét, nên sau đó sống sót trở về.
 
Còn anh Hải, không biết đã bị dòng nước lũ đưa đi đâu. Là lao động chính trong nhà, anh Hải sống với bố mẹ tuổi đã gần 80. Bố anh, ông Vi Văn Quyền nói rằng, lúa trong nhà cũng đã hết, không biết sắp tới phải dựa vào ai. 
 
Nguy cơ thiếu đói
 
Dọc theo những khe Tằn, khe Mưn… thuộc các xã Châu Hội, Châu Nga, hầu hết các cánh đồng đang bị vùi lấp bởi đá cuội, cát. Những cánh đồng lúa ở đây, vốn màu mỡ, sau trận lũ trở thành những bãi cát rộng thênh thang; nhiều ruộng lúa bị cát bồi lên gần nửa mét. Châu Nga là một trong những xã nghèo nhất huyện Quỳ Châu, và chỉ có vỏn vẹn hơn 50 ha nhưng gần 40 ha do bị ngập sâu trong lũ, nay là ngập sâu trong cát, đá sỏi.
 
Với xã Châu Hội, lũ quét đã làm mất trắng hơn 224 ha lúa, ngô và cây công nghiệp hàng năm; và sau lũ, có đến hàng trăm ha ruộng nước bị vùi lấp…
 
Chủ tịch UBND xã Châu Nga, ông Lương Trí Dũng cho biết, đến nay vụ đông - xuân vẫn chưa thể triển khai được mặc dù đã quá thời vụ. Ngoài ra, nhiều hệ thống thủy lợi, giao thông cũng đã bị hủy hoại, đến nay vẫn chưa khắc phục được.
 
“Cát bồi lấp hết ruộng nên phải mất một thời gian dài mới khắc phục được. Tuy nhiên, nếu múc hết phần cát này thì phần màu mỡ của ruộng lâu nay cũng có thể sẽ bị ảnh hưởng, trồng lúa tiếp thì năng suất cũng không cao” - ông Dũng cho hay.
 
Cũng theo Chủ tịch xã UBND xã Châu Nga, trận lũ quét xảy ra vào “mùa giáp hạt”, khi lúa trong các gia đình đã hết nên hậu quả càng nghiêm trọng. Người dân đang chờ để thu hoạch, tuy nhiên, trận lũ cuốn hết khiến hàng trăm hộ dân phải lao đao, vay ăn từng bữa. Sau gần 2 tháng, khi các gia đình dư giả trong xã cũng đã hết lúa để cho vay, người dân lại phải đến các vùng khác trông cậy.
 
Nhiều ha đất trồng lúa bị cát bồi lấp, không thể sản xuất vụ đông – xuân
 

Theo báo cáo của UBND huyện Quỳ Châu, trận lũ quét xảy ra vào rạng sáng ngày 14/9 đã khiến 1 người chết, cuốn trôi và làm sập hoàn toàn 4 căn nhà, 240 nhà khác bị ngập nặng. Gần 180 ha diện tích ao hồ bị ngập, vỡ; 19 lồng gia cầm, hàng nghìn con gia súc bị cuốn trôi; 463 hộ thiếu nước sạch để sinh hoạt. Trận lũ quét cũng khiến 23 công trình thủy lợi và 24 công trình giao thông bị hư hỏng nặng… 


Riêng lĩnh vực nông nghiệp, theo ông Lê Hải Lý - Trưởng phòng NN&PTNT huyện, trận lũ quét vào rạng sáng ngày 14/9 dù chỉ diễn ra trong khoảng vài tiếng nhưng hậu quả nó gây ra cực kỳ nghiêm trọng, gần 750 ha trong tổng số 1.800 ha lúa trên địa bàn bị ngập, sạt lở hoặc vùi lấp. Tương tự là hàng trăm ha ngô, rau màu...
 
Ông Lê Hải Lý cho biết: “Tổng thiệt hại thống kê được do trận lũ gây ra cho Quỳ Châu gần 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, đó chỉ là những hậu quả trước mắt. Bởi sau lũ, hàng trăm hộ gia đình đang phải vay ăn từng bữa trong khi vụ đông - xuân chưa thể canh tác…”.
 
Theo lãnh đạo huyện Quỳ Châu, trước thực trạng khó khăn này, UBND huyện Quỳ Châu một mặt rà soát chính xác những thiệt hại và báo cáo tỉnh để có sự hỗ trợ, chỉ đạo các cấp chính quyền vận động người dân tiếp tục chăm sóc, khắc phục để thu hoạch những hoa màu vẫn còn sót lại.
 
Chuẩn bị sản xuất vụ đông - xuân đối với số diện tích bị thiệt hại dưới 50%, trong khi đó số diện tích bị thiệt hại trên 70% tiến hành chuyển đổi sang cây trồng khác, định hướng chuyển đổi sang trồng ngô lấy cây phục vụ chăn nuôi. Tiến hành lồng ghép chương trình 30a, hỗ trợ giống ngô cho người dân; bên cạnh đó, đang lập kế hoạch tu sửa 26 công trình thủy lợi để người dân sớm sản xuất nông nghiệp.
 
Về phần diện tích đất nông nghiệp đã bị vùi lấp hoàn toàn, ngoài hỗ trợ kinh phí phục hóa cho người dân theo quy định, thì đề nghị đưa một phần diện tích của các lâm trường mà tỉnh sẽ thu hồi giao lại cho các hộ dân.
 
 
Tiến Hùng - Hà Giang