(Baonghean) - Những con đường bùn lầy vào trung tâm các xã rẻo cao nay đã được thảm nhựa; trường học tranh tre nứa lá nay được thay bằng phòng học kiên cố; điện lưới đã về đến nhiều bản làng… Đó là những khởi sắc của rẻo cao miền Tây Nghệ An. Để có diện mạo như hôm nay là cả một quá trình xây dựng, đầu tư từ những nguồn hỗ trợ của Nhà nước cùng với sự nỗ lực của chính quyền địa phương và đồng bào dân tộc thiểu số.
 
Những cung đường mới 
 
Cũng là cách nay chưa xa, những ai ở miền xuôi lên công tác vùng cao miền Tây Nghệ An, thường bị ám ảnh bởi những con đường vào bản vùng sâu, vùng xa; như các tuyến đường từ ngã ba cầu Bản Tám vào các xã: Phà Đánh, Huồi Tụ, Mường Lống, Bắc Lý, Mỹ Lý (Kỳ Sơn)… Có khi đi xe máy từ thị trấn Mường Xén vào đến trung tâm các xã: Mỹ Lý, Bắc Lý phải mất gần một ngày. Lúc đó, tuyến đường Tây Nghệ An còn chưa hoàn thành nên bùn lầy ngập ngang bắp chân. Người ta buộc phải bận áo mưa, đóng ủng, quấn xích vào lốp xe máy mới mong bò lên được. Và từ năm 2012, tuyến đường từ cầu Bản Tám vào các xã vùng trong được thảm nhựa, việc đi lại chỉ mất hơn tiếng đồng hồ. 
 
 
images1742659_1a.jpgTuyến đường nối thị trấn Mường Xén qua cầu Bản Tám được đổ nhựa vào đến trung tâm các xã Phà Đánh, Huồi Tụ, Mường Lống, Bắc Lý, Mỹ Lý (Kỳ Sơn).
Rồi  như đường vào các xã Nhôn Mai, Mai Sơn (Tương Dương) nằm trong vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ. Từ năm 2015 trở về trước để vào trung tâm các xã này sau khi lên đến bến đò Bản Vẽ phải ngồi thuyền mất 6 đến 7 tiếng mới đến nơi. Từ nửa cuối năm 2015, tuyến đường Tây Nghệ An hoàn thành và đưa vào sử dụng đã tạo thuận lợi cho giao thông đi lại và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các huyện miền Tây tỉnh nhà. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng đầu tư xây dựng một loạt tuyến giao thông nối liền các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Nhiều tuyến đường vào trung tâm xã cũng được nhựa hóa, nhờ vậy việc giao thương đã trở nên sôi động, đời sống của vùng đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện dần. 
 
Ánh sáng ấm bản làng
 
Trước những năm 2010, hầu hết các xã vùng sâu của các huyện rẻo cao Nghệ An phải dùng dầu hỏa làm nhiên liệu thắp sáng, hoặc sử dụng năng lượng thủy điện mi-ni. Chỉ cách đây vài năm, trung tâm các xã Tri Lễ, Quang Phong (Quế Phong), Hữu Khuông, Nhôn Mai, Mai Sơn (Tương Dương), Châu Phong (Quỳ Châu), Huồi Tụ, Mỹ Lý, Mường Lống (Kỳ Sơn) về đêm cả bản làng tối om như mực. Ở những gia đình có điều kiện hơn, bóng đèn được thắp sáng bằng chạy thủy điện mi-ni cũng lập lòe, chờn vờn.
 
 
Từ khi các xã vùng lòng hồ Bản Vẽ như Nhôn Mai, Mai Sơn có điện lưới, nhiều máy móc như máy xay xát bằng điện cũng được người dân sử dụng phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày.
Từ năm 2014, nhờ có điện lưới, trung tâm xã Tri Lễ (Quế Phong) đã trở nên đông đúc, các cửa hàng dịch vụ cũng mọc lên nhiều phục vụ đến tận đêm khuya. Ở các xã lòng hồ Nhôn Mai, Mai Sơn (Tương Dương), vào cuối năm 2015 khi có điện lưới người dân không còn phải dùng sức người để giã gạo. Thay vào đó là những cỗ máy xay xát hiện đại được chính người dân mua về làm dịch vụ. Người dân cũng dần quen với việc theo dõi thông tin, giải trí bằng ti vi, loa đài hiện đại… 
 
Sự đầu tư phát triển của hệ thống viễn thông và thông tin liên lạc cũng góp phần rất quan trọng trong nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân vùng rẻo cao. Thay cho việc liên lạc bằng gửi thư tay mất nhiều ngày trời, hiện nay người dân nhiều bản làng đã thành thạo trong sử dụng điện thoại thông minh, lướt web, tham gia mạng xã hội… Chị Bùi Thị Lan, cán bộ thống kê xã Mai Sơn, huyện Tương Dương chia sẻ: “Nhà tôi ở vùng xuôi, những năm đầu lên đây liên lạc với người nhà chỉ có cách gửi thư.  Giờ không những có sóng điện thoại thuận tiện cho việc liên lạc với gia đình mà còn có cả sóng 2G. Các chính sách mới của Nhà nước và cấp trên cũng nhanh chóng được cập nhập để triển khai”.
 
Mỗi ngày đến trường thực sự là niềm vui
 
Từ năm 2011 trở về trước, ở xã Bắc Lý (Kỳ Sơn) hầu hết các điểm trường đều được dựng tạm bợ bằng tranh tre nứa lá. Như các điểm trường Kèo Phà Tú, Phia Khắm 2 (xã Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn)… không chỉ phòng học được dựng tạm bợ mà ngay cả chiếc trống trường cũng không có. Lúc đó, giáo viên và các em nơi đây phải dùng chiếc mõ trâu để thay trống; đêm đến học trò Trường THCS Nậm Càn (Kỳ Sơn) phải vào căn lều như chòi trên rẫy để ngủ. “Trước đây đi dạy vận động được học sinh đến trường khó lắm. Bởi lúc đó nơi ở của giáo viên và học sinh tềnh toàng, tạm bợ. Mùa Đông rét mướt các em không có áo đủ ấm, phòng học thì gió lạnh lùa tứ bề nên giáo viên phải kiếm gốc cây đốt lửa ngay giữa phòng học để các em bớt lạnh để học bài” - thầy giáo Quang Văn Khương, Hiệu phó Trường Tiểu học Bắc Lý 2 (huyện Kỳ Sơn) nhớ lại. 
 
 
Điểm trường Kèo Phà Tú, Trường TH Bắc Lý 2 (Kỳ Sơn) được đầu tư kiên cố hóa.
 
Trước thực tế đó, Đảng và Nhà nước đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất đối với giáo dục miền núi. Chương trình kiên cố hóa trường học được thực hiện và mang lại hiệu quả cao. Nhà ở bán trú cho học sinh THCS và các trường nội trú cũng được đầu tư xây dựng. 
 
Triển vọng ngày mai
 
Theo báo cáo của UBND tỉnh Nghệ An, đến thời điểm này, 100% các xã miền núi vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới có hệ thống điện lưới quốc gia và hệ thống đường nhựa vào trung tâm xã. Hệ thống trạm xá, trường học cơ bản được nâng cấp kiên cố.  Nhiều mô hình kinh tế có thu nhập cao như: trồng cỏ voi, nuôi trâu, bò ở các xã: Na Ngoi, Nậm Cắn và chăn nuôi bò, lợn nhốt ở Nậm Càn của huyện Kỳ Sơn; mô hình nuôi gà đen tại Tam Hợp (Tương Dương); mô hình khai hoang ruộng nước chuyển đổi 2 vụ lúa/năm tại Môn Sơn, Tri Lễ (Quế Phong)… Thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện các đề án và thu hút vốn đầu tư xây dựng và nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng đạt kết quả tốt hơn cho các huyện miền núi.
 
Thu Hiếu