(Baonghean) - Với tiềm năng, lợi thế về đất đai, nguồn thức ăn tự nhiên, phụ phẩm nông nghiệp dồi dào, những năm qua, cùng với chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, huyện Quỳ Châu đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, qua đó góp phần xóa đói giảm nghèo.

Như bao cặp vợ chồng trẻ khác ở miền núi, sau khi lập gia đình, vợ chồng anh Trần Xuân Hợp, khối Tân Hương 1, thị trấn Tân Lạc gặp không ít khó khăn trong tìm kế sinh nhai. Ngoài 3 sào ruộng còn phải đi làm thuê, bốc vác, hái măng chặt củi đem về bán, nhưng cuộc sống gia đình vẫn túng thiếu.

Sau nhiều lần suy đi tính lại, nhận thấy lợi thế đồi rừng của địa phương thuận lợi cho phát triển chăn nuôi, năm 2003 anh đã bán tất cả những gì có thể, rồi vay mượn họ hàng lấy vốn mua 12 con bò đưa vào đỉnh Pù Nghìn khai hoang, chăn thả.

images1420316_dan_bo_cua_anh_tran_xuan_hop.jpgĐàn bò 185 con của gia đình anh Trần Xuân Hợp

Từ chăn nuôi nhỏ lẻ những ngày đầu, sau hơn chục năm gia đình anh đã xuất bán hàng trăm con bò. Ngoài ổn định kinh tế gia đình vươn lên làm giàu, gia đình anh tiếp tục mở rộng mô hình sang chăn nuôi dê, lợn, gà.

Anh Hợp cho biết: Tổng đàn bò của gia đình hiện có 185 con, trong đó có 76 con bò đẻ, 35 con bò đực Laisin F3, 74 con bò cái to nhỏ. Trung bình mỗi năm, chỉ riêng từ bán bò giống và bò thịt cũng thu được trên dưới 600 triệu. “Nếu tính cả thu nhập từ trồng keo, dịch vụ lò mổ, lẫn nuôi dê, lợn, gà. Tính ra mỗi năm sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình cũng thu về trên 1 tỷ đồng” - anh Hợp nói.

Mới đầu tư chăn nuôi trong vòng 4 năm nhưng mô hình của gia đình anh Nguyễn Văn Hữu, ở xóm 1, xã Châu Hội, cũng xem là một điển hình. Hiện tổng đàn bò, dê của gia đình anh lên đến 50 con.

“Việc chăn nuôi bò không tốn kém nhiều chi phí cho thức ăn mà có thể tận dụng  nguồn thức ăn sẵn có như cỏ, cây ngô, cây chuối…và cũng không mất nhiều thời gian cho việc chăn thả… Chỉ tính riêng trong vòng 4 năm nay, riêng từ chăn nuôi bò mỗi năm gia đình thu lãi trên 100 triệu đồng, chưa tính đến thu nhập từ dê” - anh Hữu chia sẻ.

Đàn bò của gia đình anh Nguyễn Văn Hữu

Ông Đinh Khắc Tùng, cán bộ phụ trách Nông nghiệp xã Châu Hội cho biết: Từ hiệu quả các mô hình chăn nuôi mang tính tiên phong, đến nay hầu hết các gia đình trong xã đều đầu tư vào chăn nuôi, nhà ít cũng 2-3 con, nhà nhiều cũng 30-50 con. Chính vì vậy tổng đàn gia súc toàn xã đã đạt trên 9.000 con.

Nhiều năm qua, từ chủ trương đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc hàng hoá gắn với mở rộng diện tích trồng cỏ lên đến trên 2000 ha, đến thời điểm hiện nay, tổng đàn gia súc toàn huyện Quỳ Châu đã lên đến trên 56.000 con, trong đó đàn trâu lên đến 18.815 con, đàn bò 8.310 con, đàn lợn 26.500 con và khoảng trên 3.300 con dê… Việc phát triển chăn nuôi đã góp phần tạo ra nguồn thu nhập lớn cho hàng trăm hộ dân, trên cơ sở đó giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn 36%. 

 Đặng Nguyễn

TIN LIÊN QUAN