(Baonghean) - Trên những sườn đồi, đất dốc của phường Quang Tiến (Thị xã Thái Hòa) có một giống bưởi múi hồng mịn, ăn vào ngọt mát. Đó là giống bưởi hồng Quang Tiến. Từ lâu, loại quả này đã trở thành một thức quà quê thân thuộc với người dân Thái Hòa.
Cây bản địa thành hàng hóa
Dẫn chúng tôi ra vườn nhà, nơi có 350 gốc bưởi hồng đang vươn mình trĩu quả, chị Nguyễn Thi Loan (khối Trung Nghĩa) chia sẻ: Ở đây chủ yếu đất dốc, nhiều đá sỏi nên chẳng có cây nào chịu nổi. Trước khi cây bưởi hồng bén đất ở đây thì bà con chỉ trồng được cây sắn, cây mít. Năng suất chẳng được bao nhiêu mà giá lại thấp nên cuộc sống vô cùng khó khăn.
"Gia đình tôi thấy nhà bác Quang ở khối Dốc Cao có trồng loại bưởi múi hồng, cùi mỏng rất sai quả nên gia đình quyết định mua một cây lớn về trồng thử. Sau đó chiết ra nhiều cây con để nhân rộng. Trong 2 năm đầu cây phát triển khỏe mạnh, cuối năm thứ 3 cây đã bắt đầu cho quả bói. Mọi người trong nhà hái ăn thì thấy quả ngọt nên rất mừng. Đến năm thứ 4 thì bắt đầu cho quả, tuy chưa sai nhưng mỗi cây đã cho gần 5 yến quả. Đến năm 2005, gia đình bắt đầu tiến hành chiết cành, nhân lên số lượng 350 gốc, trồng gần 1 ha. Hiện trung bình, mỗi năm thu về gần 5 tấn bưởi, lãi trên 200 triệu đồng” - Chị Loan cho biết thêm
Hiện trong khối Trung Nghĩa có gần 20 hộ trồng giống bưởi này dưới dạng hàng hóa, hộ trồng nhiều thì 300 đến 400 gốc, hộ trồng ít thì trên chục gốc. Và để tăng nguồn thu cho 3 năm đầu, khi bưởi chưa cho quả, người dân ở đây đã tiến hành trồng xen để lấy ngắn nuôi dài. Giống cây chủ yếu được trồng là cây mía ép. Trung bình, mỗi ha bưởi sẽ trồng xen được khoảng 60 hàng mía, mỗi hàng cho chừng 2 tạ mía đứng. Với giá bán dao động từ 170 đến 200 ngàn đồng mỗi yến mía thì cuối vụ có thể thu về hàng chục triệu đồng. Trong những năm gần đây, người dân còn tiến hành trồng xen dứa, thu nhập cũng không thua cây mía mà tiêu thụ lại dễ dàng.
Theo nhiều người dân địa phương, vì đây là giống bản địa nên bưởi hồng ít bị sâu bệnh, thích nghi tốt với điều kiện khí hậu của địa phương. Quả bưởi khá to, trọng lượng bình quân từ 1 kg đến 1,5 kg/quả, có những quả nặng tới 2,5 kg. Trước đây, giá bưởi chỉ từ 15 đến 20 nghìn đồng/kg thì nay đã tăng lên 25 đến 30 nghìn đồng/kg.
Có những hộ vào mùa thu hoạch bán 2 đến 3 tạ quả mỗi ngày. Hiện nay, diện tích bưởi hồng Quang Tiến trồng trên 2 khối Trung Nghĩa và Dốc Cao đã có 20 ha, trong đó 10 ha cho thu hoạch. Bằng cách tạo giống tại chỗ, mỗi năm Quang Tiến trồng mới 3 - 4 ha giống bưởi này. Cả 2 khối có trên 300 hộ, vườn nhà nào cũng có ít nhất 2 cây bưởi. Ngoài việc bán quả, bà con còn nhận chiết cành để sản xuất cây giống bán cho những vùng lân cận như Tân Kỳ, Yên Thành với giá 50 nghìn đồng/cây. Mỗi năm toàn khối xuất bán khoảng trên dưới 4 nghìn cây. Nhờ nguồn thu nhập từ cây bưởi mà cuộc sống người dân nơi đây trong nhiều năm qua đã từng bước ổn định, vươn lên hộ khá giàu.
Tiến ra ngoại tỉnh
Tháng 10 năm 2004 trung tâm Trung tâm Nghiên cứu giống cây ăn quả và cây công nghiệp Phủ Quỳ đã triển khai trồng khảo nghiệm giống bưởi hồng Quang Tiến. Kết quả cho thấy bưởi hồng Quang Tiến có những ưu điểm vượt trội: năng suất cao, ít bị sâu bệnh phá hoại. Ngày 12/7/2012, Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) đã có Quyết định công nhận đây là giống cây trồng nông nghiệp để tiếp tục đầu tư và địa phương cũng tập trung phát triển.
Ông Phan Thanh Hải, Trưởng phòng Kinh tế Thị xã Thái Hòa cho biết: Nhận thấy giá trị kinh tế mà giống bưởi hồng mang lại, trong những năm qua Thị xã đã có những đầu tư nhất định để phát triển theo quy hoạch hợp lý. Hiện tại toàn Thị xã có gần 80 ha trồng giống bưởi hồng, trong đó gần 70% diện tích đang cho thu hoạch. Sản phẩm đã được tiêu thụ nhiều trong tỉnh, đặc biệt đã có đơn hàng tiêu thụ ra Hà Nội, Hải Dương, Thanh Hóa.
Bên cạnh phường Quang Tiến thì các vùng Nghĩa Thuận, Nghĩa Mỹ, Nghĩa Tiến cũng bắt đầu phát triển loại cây này trong 3 đến 4 năm gần đây. Bước đầu cho thấy cây phát triển khá tốt và cho năng suất cao. Hứa hẹn trong thời gian tới sẽ có nhiều tín hiệu khả quan.
Thanh Quỳnh