(Baonghean) - Đường Châu Thôn đi Tân Xuân qua địa phận 3 xã Châu Phong, Châu Hoàn và Diên Lãm của huyện Quỳ Châu được xây dựng từ năm 2009, có chiều dài trên 15 km. Sau 3 năm thi công, đến nay đoạn đường này cơ bản đã hoàn thành, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế và giao thông đi lại thuận lợi cho 3 xã vùng sâu, vùng xa của huyện Quỳ Châu. Tuy nhiên,  trong quá trình thi công đã ảnh hưởng tới một số diện tích đất sản xuất và nhà ở của 51 hộ dân và đến nay họ vẫn chưa được nhận đền bù.

Chúng tôi có mặt tại gia đình bà Lô Thị Minh ở bản Toóng 1, xã Châu Phong, đây là một trong những hộ bị di dời chuồng gia súc và công trình phụ.

Bà Minh cho biết: Năm 2009, khi có chủ trương làm đường, gia đình bà thuộc diện bị di dời chuồng gia súc, công trình phụ và một số cây cối để nhường đất cho công trình, theo đó gia đình bà sẽ được đền bù trên 31 triệu đồng. Đến nay đoạn đường này đã hoàn thành, nhưng gia đình bà mới chỉ được nhà thầu cho tạm ứng trước 5 triệu đồng, số tiền còn lại bà không biết khi nào thì được nhận đủ.

Gia đình bà Minh thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống rất vất vả, chỉ biết trông chờ vào 4 sào ruộng mỗi năm cũng chỉ thu hoạch được gần 1 tấn thóc. Hiện nay,  do không có tiền san lấp mặt bằng để làm công trình phụ và làm chuồng cho gia súc gia cầm, gia đình bà đành phải bố trí chuồng trâu, chuồng bò và công trình phụ ngay dưới gầm nhà sàn,  rất bất tiện và mất vệ sinh.

Tại bản Hốc, xã Diên Lãm, 31 hộ dân cũng đang từng ngày trông chờ tiền đền bù do bị mất đất sản xuất. Một số hộ dân cho biết, trong quá trình thi công, nhà thầu đã làm đất đá vùi lấp toàn bộ cánh đồng Na Quán với tổng diện tích hơn 1,2 ha của bản. Ông Lương Văn Phúc là một trong những hộ dân bị mất đất sản xuất nhiều nhất cho biết, gia đình ông có 5 sào ruộng nước, trong đó có 3 sào tại cánh đồng Na Quán, trung bình mỗi năm thu hoạch được 1,5 tấn thóc. Nhưng từ 3 năm nay, gia đình ông chỉ thu hoạch được từ 6 đến 7 tạ thóc/ năm, vì toàn bộ 3 sào ruộng tại cánh đồng Na Quán đã bị bỏ hoang do đất đá vùi lấp. Cuộc sống của gia đình ông túng thiếu quanh năm, có nguy cơ tái nghèo. Theo thống kê toàn bản Hốc có 56 hộ với trên 200 nhân khẩu, nhưng chỉ có 4,9 ha ruộng nước, trong đó có 1,2 ha tại cánh đồng Na Quán, người dân nơi đây đang thiếu đất sản xuất.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lô Đức Ngọc- Phó Chủ tịch UBND xã Diên Lãm cho biết thêm: "Trước những bức xúc của người dân, chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị với bên thi công và chủ đầu tư là Sở Giao thông vận tải hỗ trợ san ủi đất đá, trả lại diện tích sản xuất cho dân, nhưng đến nay họ vẫn đang phải chờ và cánh đồng Na Quán thì vẫn để hoang.  Rất mong các cấp, các ngành và chủ đầu tư sớm hỗ trợ và đền bù cho các hộ bị ảnh hưởng, giúp họ sớm ổn định cuộc sống".


Lê Hoàn (Đài Quỳ Châu)