(Baonghean) Nghệ An là tỉnh đất rộng, người đông trong đó có tới 11/21 huyện, thị thuộc khu vực miền núi. miền núi nghệ an giàu tiềm năng nhưng còn không ít gian khổ, khó khăn. có những bản làng được xem là nghèo nhất, khó nhất trong cả nước...

từ số báo này, nghệ an cuối tuần xin trân trọng giới thiệu loạt ký sự về những vùng đất gian khó của tỉnh nhà, được nhóm phóng viên, cộng tác viên thực hiện với mong muốn để bạn đọc hiểu, sẻ chia, chung tay tìm một hướng đi cho đồng bào những vùng gian khó này...

786401_small_87004.jpg

Bản Huồi Thum.

Bản nhỏ có cái tên gợi về sự xa xôi ấy chỉ với 37 hộ dân tộc Khơ mú và Thái, 95 nhân khẩu. Gần chục chiếc tuabin thủy điện mini do người dân tự tạo và vài cái điện thoại di động do các cô gái bản "đi công ty" mang về là những thứ văn minh nhất của người dân bản xa này. Bản chưa có đường ô tô tới nơi nên thảng hoặc mới có một vị "khách lạ" ghé thăm, thường là những cán bộ xã hay bộ đội biên phong, ít nhiều có gắn trách nhiệm với cư dân nơi đây.


Bản Huồi Thum, thuộc xã Na Ngoi (Kỳ Sơn), 1 trong 2 xã khó khăn nhất của huyện miền núi đứng tốp đầu về độ nghèo khó của cả nước. Khi tôi thăm địa bàn này đã cuối tháng 10 âm lịch, lúa nương của các bản đều đã về kho. Đã chớm đông, ven đường hoa lau nở trắng xóa gợi nỗi buồn man mác. Độ hơn 2 tháng nữa mới đến Tết âm lịch Quý Tỵ, vậy mà hoa đã nở trên những khóm đào ven bản. Đường nhựa mới đến đất Nặm Càn, tôi sẽ còn phải lội gần 15km đường đất trơn nhầy, hễ có mưa là trời lại mù sương và đường lại nhão bùn đến vài ba hôm.


Biết tôi có ý định về bản Huồi Thum, anh cán bộ trực ban Đồn Biên phòng Na Ngoi nói rằng, muốn xuống đến bản phải mất đến 8 giờ đồng hồ xuôi dốc rồi leo đèo. Vất vả gian nan lắm đấy, nhưng nếu đến được đó sẽ hiểu thấu hơn cuộc sống thiếu thốn của đồng bào. Tôi cũng từng nghe kể về bản xa này nên không bất ngờ về điều anh lính biên phòng vừa đề cập. Có anh làm nghề giáo, từng kể với tôi rằng đấy là xứ sở của ruồi vàng và muỗi, mùa hè thầy giáo vẫn phải đeo tất chân, tất tay kín mít hoặc buông màn để soạn giáo án nếu không muốn loài côn trùng hễ cắn là lở loét thịt da này tấn công.


Đã chiều muộn, chưa thể đi bản ngay, tôi đành chờ thêm một ngày nữa. Chủ tịch xã Na Ngoi, ông Lầu Vả Chồng thông báo bằng một giọng tiếng Kinh lơ lớ: "Mai có trưởng bản lên, anh về cùng chú ấy nhé. Xã bận, không cử người dẫn đường được đâu." Ừ, thì chờ vậy! Đêm đó tôi xin tá túc nhờ chỗ các anh thanh niên xung phong ở Tổng đội 10 Na Ngoi. Mãi đến khi con gà đầu tiên gáy sáng tôi mới ngủ được. Tôi nghĩ về quãng đường 8 giờ đồng hồ lội rừng mà vừa thấy lo vừa háo hức muốn vào với dân bản. Cả đêm đó, ruột gan tôi cứ chộn rộn mãi...


Còn phải chờ đến 4 giờ chiều hôm sau, tôi mới có thể lên đường về Huồi Thum. Trưởng bản Moong Văn Nhâm và Bí thư Chi đoàn Cụt Văn Quân lên trung tâm xã nhận chiếc trống mới về cho học sinh tại điểm trưởng tiểu học trong bản và tôi thì có dịp để "đi nhờ". Điểm trường đã lập gần 20 năm mà chưa năm nào có tiếng trống trường.


Chuyến về bản bắt đầu bằng bài tập trượt dốc, mà người miền núi chúng tôi gọi đùa là cách đi của voi rừng. Đó là lối rẽ từ tuyến đường Na Ngoi đi xã Mường Ải, xuống bản Phù Khả 1. Riêng quãng này, chúng tôi cũng phải mất đến hơn giờ đồng hồ chạy bộ trên những đoạn dốc dài. Suốt đoạn đường này, 2 anh bạn đường tỏ ra vui vì tôi vẫn chạy đua ngang ngửa với họ. Hai người đã không phải dừng lại chờ như những lần dẫn "cán bộ" về bản... Đi qua bản Phù Khả 1 bắt đầu leo dốc, tôi phải nhờ đến sự giúp sức của chiếc gậy gỗ. Những người bạn đường biết tôi đã thấm mệt nên có ý đi chậm lại. Trời đã bắt đầu tối. Trưởng bản Moong Văn Nhâm nói, nếu không phải chờ tôi thì 2 người đã có thể ù té chạy và chỉ khoảng 2 giờ đồng hồ là về đến bản trước khi trời tối. Tôi nhớ có lần từng nghe kể về khả năng di chuyển nhanh nhẹn như loài sóc của con trai Khơ mú miệt rừng. "Thì ra sự yếu đuối của mình là nguyên cớ của việc hôm nay họ phải luồn rừng trong đêm". Tôi thầm nghĩ và cố bước nhanh cho kịp 2 người bạn, nhưng chỉ được một lúc tôi lại tụt lại phía sau.


Chúng tôi đến được một cánh rừng bương thì trời đã tối hẳn. Ánh trăng thượng tuần xuyên qua tán rừng rắc xuống lối mòn những khoảng sáng lỗ chỗ như tấm da khổng lồ của loài trăn hoa. Những giọt sáng khẽ lay nhẹ, tạo thành thứ hình thêu kỳ dị. Đến lúc này tôi đã tụt lại khá xa, chỉ còn có thể nhận ra những người bạn đường qua ánh đèn pin yếu ớt qua kẽ lá và tiếng chuyện trò rì rầm bằng thứ tiếng Khơ mú hoàn toàn xa lạ đối với tôi.


Tôi cất tiếng hú gọi và 2 anh bạn đáp lại bằng một hồi trống. Tiếng động lạ làm một chú chim đêm giật mình hoảng hốt bay vút lên khỏi ngọn cây, còn anh cán bộ đoàn cười thích thú và liên hồi gõ trống. Chốc chốc 2 người bạn lại nổi một hồi trống để khích lệ tôi bước nhanh hơn.


Sau gần chục lần nghỉ chân dọc đường và phăng áo ngoài vắt lên vai vì nóng nực và mồ hôi, vượt qua vùng nương rãy rộng mênh mông của bản Phù Khả, trưởng bản Nhâm chợt nói: "Mình đến bản rồi anh ạ." Tôi cũng nhận ra những ngôi nhà lá đầu tiên của bản Huồi Thum. Đã gần 9 giờ đêm, trong bản chỉ còn một vài ngọn đèn compac leo lét sáng. Những mái lá cọ xếp cạnh nhau im lìm bạc phếch dưới ánh trăng non.


Làng bản im ắng vậy, nhưng không phải mọi người đều đã yên giấc. Chỉ trong phút chốc, thông tin "có khách lạ" đã lan truyền khắp cái bản nhỏ chưa đầy 100 nhân khẩu này. Lâu nay, người ta chỉ quen những anh bộ đội biên phòng, các thầy giáo đến bản dạy chữ, chưa thấy ai tìm vào bản viết bài đăng báo. Chỉ một lúc sau, căn nhà trưởng bản đã chật kín người. Ai cũng tò mò vì chẳng mấy khi bản Huồi Thum có khách đến chơi. Sau bữa tối qua quýt với vài vắt xôi chấm món "chẻo" chế biến từ măng chua và và thứ gia vị của rừng, là hội rượu cần. Chiếc vò rượu đã chờ sΩn bên góc bếp. Trưởng bản bảo rằng, người Khơ mú ở Huồi Thum nhà nào cũng luôn có sΩn một vài vò rượu cần để cả bản uống, dù là dịp vui hay dịp buồn. Khi vui, vò rượu đặt dựa vào cột nhà, khi nhà có tang, người ta mới cho vò rượu ra giữa nhà.


Bà cụ Xôm đã ngoài 70 tuổi, người sống lâu nhất bản được mời uống lượt đầu tiên cùng với "con trai - khách" là tôi, "2 con trâu", nghĩa là mỗi người phải hút cạn 4 chiếc sừng trâu nước rượu. Sau khi đã đánh ngã "2 con trâu", bà lão bắt đầu kể cùng tôi câu chuyện lập bản mà bà là một trong những cư dân đầu tiên ở đây...


Bản Huồi Thum có cách đây khoảng 25 năm. Vùng đất phì nhiêu thích hợp trỉa lúa rãy, hạt lúa tra xuống chỉ sau 2 lần nhổ cỏ là cho nhiều hạt rồi. Lúc đầu, bản có gia đình bà Xôm cùng với 4 hộ khác đến làm rãy. Thế rồi người Thái, người Khơ mú ở các bản lân cận tìm đến dựng nhà cạnh con suối Huồi Thum thành bản đông vui như hôm nay.


Mẹ trưởng bản, bà Moong Thị Huệ, đã 65 tuổi, vẫn nhanh nhẹn và uống rượu cần khỏe nhất quần cư nhỏ nhoi này, cũng tìm đến góp chuyện. Bà gọi tôi bằng "con", giống như những người già Khơ mú khác xưng hô với cánh trẻ: "Bản đã đông vui hơn xưa nhưng vẫn chưa hết cái nghèo, con ạ. Mấy mùa liên tiếp lở núi cuốn theo cả rãy lúa nên có nhiều nhà thiếu cái ăn. Nhà mẹ phải vào rừng hái măng mấy tháng liền để mua gạo đấy...".


Câu chuyện về cái ăn, cái mặc và sự đói rách khiến cuộc vui chùng hẳn xuống. Tôi xin phép nghỉ trước vì lâu ngày không đi đường xa, có phần hơi mệt. Bà mẹ Khơ mú dọn chiếc giường ở gian ngoài ngôi nhà sàn để tôi làm chỗ ngủ. Khi đặt lưng xuống, nỗi ám ảnh về loài chấy từ hồi còn thơ ấu lại hiện về, xâm chiếm tâm trí tôi. Trước khi đi, anh bạn làm nghề giáo có cảnh báo trước bản này vẫn còn có chấy đấy, ăn ngủ phải cẩn thận. Không biết đêm nay có chú chấy nào tìm thấy chỗ thường trú mới trên đầu tôi hay không?


Bình mình, từng tảng mây khói trắng xóa mỏng manh hồn nhiên rong chơi ngang triền núi, đỗ cả lên mái tranh gợi nét thanh bình, thơ mộng. Một tốp gái bản xuống suối rửa mặt đi ngang qua ngó tôi e thẹn rồi đấm lưng nhau cười rúc rích. Trưởng bản Moong Văn Nhâm thủ thỉ: "Hết lúa rãy rồi, con trai con gái ở bản cả, vào mùa rãy ai cũng ở miết trên rừng. Anh sẽ không thấy ai ở nhà đâu? "Ăn tết xong, tháng 2 tháng 3 âm lịch người Khơ mú phát rãy, tháng 4, tháng 5 thì trỉa hạt rồi nhổ cỏ cho đến ngày lúa kết đòng không có thời gian nào rỗi. Nguồn thu chính dựa vào lúa rãy, dựa vào cây măng, cây nấm trên rừng. Cả bản mới chỉ có hộ ông Bùi Văn Tuấn thoát nghèo. Gia đình ông có chiếc máy xay xát chạy dầu ma zút duy nhất của bản để mở dịch vụ xát lúa phục vụ dân bản đã mấy năm nay và có thể tạm gọi là nhà có bát ăn bát để trong bản.


Lợi dụng cạnh nghèo của bà con dân bản, những kẻ buôn người đã tìm đến lừa phỉnh. Trong bản hiện còn 3 người bị lừa bán đi Trung Quốc. Mới đây nhất vào cuối tháng 9/2012, trong bản có ông Mạc Văn Phuôn (còn gọi là Quan) lừa bán con gái ruột 18 tuổi và người hàng xóm 20 tuổi lấy 27 triệu đồng. Sự việc được người cha của cô gái hàng xóm trình báo với công an và Mạc Văn Phuôn đã bị bắt giữ ngay sau đó. Đây cũng là trường hợp đầu tiên của bản Huồi Thum phải ngồi tù vì vi phạm pháp luật.




Vì ít học sinh nên 2 khối lớp 2 và 3 phải học chung phòng học.

Tiếng trống trường vang lên báo hiệu giờ học đã bắt đầu. Trưởng bản dẫn tôi tham quan nơi học tập của học trò bản Huồi Thum. Cả bản có 28 học sinh và 3 phòng học. Chỉ có khối lớp 1 là có phòng học riêng được dựng tạm bằng tre nứa, còn những khối lớp khác phải học ghép. Điểm trường có 2 thầy giáo người Mông đứng lớp. Thầy giáo Mùa Lo Phộng từng có 7 năm liền gắn bó với học trò Huồi Thum tâm sự: "Ở đây chưa có lớp mầm non, vì vậy học sinh rất khó tiếp thu kiến thức. Chính vì thế, việc giảng dạy khối lớp 1 được giao cho những giáo viên công tác lâu năm đã có kinh nghiệm. Chúng tôi ghé thăm điểm trường tiểu học bản Huồi Thum vào ngày Chủ nhật những học sinh vẫn phải học bù vì kỳ nghỉ lễ kéo dài. Học sinh khối 1 do thầy Phộng đứng lớp đang học vần "u - ng - ung", sách giáo khoa đưa ví dụ từ "bông súng" có hình minh họa rất đẹp, học sinh thì không hình dung được. Loài cây chỉ mọc ở vùng ao hồ miền xuôi này. Thầy giáo trẻ Và Bá Trừ mới vào nghề khoe với tôi: "Trong năm học vừa qua, điểm trường có được 2 em đạt học sinh tiên tiến đấy anh ạ." Tôi biết rằng, để có được điều này đã là cả một nỗ lực lớn của những thầy giáo suốt cả năm học phải buông màn ngồi soạn giáo án để tránh loài ruồi vàng.


Chúng tôi rời khỏi điểm trường cũng là lúc các em học sinh kết thúc buổi tập thể dục giữa giờ và lần đầu tiên có tiếng trống giữ nhịp. Bầy trẻ hô vang câu khẩu hiệu: "Thể duc. Khỏe! Khỏe để bảo vể Tổ quốc!". Tiếng hô dõng dạc đầy tự tin khiến tôi bất giác nhớ về một giai điệu của Trịnh Công Sơn: "Bầy thiếu nhi em nhỏ là hy vọng Việt Nam". Tôi chợt nghĩ, những mầm măng núi rừng này đang dần lớn lên và đang thắp lên niềm hy vọng một ngày nào đó bản xa Huồi Thum và cả vùng biên cương này sẽ thoát được đói nghèo!


Hữu Vi