(Baonghean.vn) - Vùng đất Quỳ Châu, Quế Phong được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho giống cây lùng, loại cây sử dụng làm nguyên liệu sản xuất hàng mây tre đan xuất khẩu và nhiều mặt hàng có giá trị kinh tế.
Bởi vậy, cây lùng đã trở thành cây sinh kế của nhiều gia đình đồng bào vùng cao. Những tưởng cây lùng sẽ được nhận sự quan tâm, đầu tư của người dân và chính quyền sở tại, nhưng do ý thức bảo vệ, tái sinh cây lùng chưa có, lại thêm doanh nghiệp các tỉnh phía Bắc thu mua ồ ạt nên tại Quỳ Châu, Quế Phong đã và đang xẩy ra việc người dân thì khai thác bừa bãi, các đầu nậu thì tranh giành thị phần.
Tình trạng này đã dẫn đến việc các rừng lùng ngày một cạn kiệt hoặc thoái hóa, kém chất lượng… Bên cạnh đó là nguy cơ mất an ninh trật tự do tranh giành khai thác, thu mua và nguy cơ cháy rừng vì các phần thừa của lùng sau khai thác vứt quăng quật bừa bãi…
Trên đường vào Thẳm Đình, đã bắt gặp tình trạng không ít rừng lùng nhỏ lẻ bị khai thác bừa bãi.
Các đầu nậu tổ chức thu mua ngay điểm khai thác, nơi tận trong rừng sâu và đường vào cực kỳ khó khăn.
Lùng ngắn, lùng dài, lùng to, lùng nhỏ… cứ cắt mắt, chẻ đóng thành bó đầu nậu thu mua tất.
Một người dân bản Sẹt 2 (xã Châu Thắng) khai thác lùng.
Trên bãi phế thải lùng, một thế hệ lùng mới đã mọc lên
nhưng thoái hóa, còi cọc.
Lùng được đưa ra khỏi rừng, chất lên những chiếc xe trọng tải lớn
để “Bắc tiến”.