(Baonghean) -Lặng lẽ sống, lặng lẽ hy sinh, lặng lẽ cống hiến là những từ dành cho giáo viên cắm bản ở huyện vùng cao Kỳ Sơn. Gặp họ mới cảm nhận hết nghề dạy học thật cao quý nhưng cũng thật lắm gian truân!
Chúng tôi có mặt ở điểm Trường Tiểu học bản Huồi Khói, xã Mường Típ khi trời đã nhá nhem tối. Kết thúc một ngày làm việc, các cô trở về với căn nhà tạm bợ, ai nấy vội vàng chuẩn bị một bữa ăn đơn sơ. Màn đêm buông xuống đen kịt cũng là lúc các học sinh í ới gọi cô ngoài cửa. Một buổi học phụ đạo nữa lại bắt đầu. Lớp học có khoảng hơn 15 em, 3 cô cứ thay nhau kèm cặp các em dưới ánh điện yếu ớt từ cái máy thủy điện nhỏ. Với các cô đó là niềm vui để khỏa lấp những đêm dài nhớ chồng con đến quay quắt. Bởi học sinh nơi đây thiệt thòi lắm, và đây là cách họ bù đắp những thiệt thòi đó cho các em. Và thế là giữa đại ngàn bao la, tối tối lại ngân nga tiếng học sinh đọc bài. Cô giáo Thái Thị Hương Thảo đã lên đây công tác được hơn 3 năm, cũng là chừng ấy thời gian cô xa chồng con. Một mình giữa chốn núi rừng, tránh sao nổi những khi rơi nước mắt vì nhớ gia đình. Lúc con đau ốm, lúc gia đình có chuyện, chẳng làm được gì hơn ngoài những lời động viên. Đã có lần nghĩ đến chuyện bỏ cuộc nhưng rồi những nỗi tủi hờn, những nỗi nhớ đã không thắng được lòng yêu nghề. Trong câu chuyện với chúng tôi, mắt cô đỏ hoe khi nói tới gia đình: “Em chỉ mong những người trong gia đình có sức khỏe để em được an tâm công tác. Những vất vả về vật chất em cũng dần quen rồi, gắn bó được ở đây vì yêu nghề thôi. Mình vất vả thật nhưng không có những người như mình, những em thơ ở đây sẽ không có ngày mai”.
Thầy giáo chuẩn bị bữa cơm bán trú cho các học sinh Trường Dân tộc nội trú Bảo Thắng (Kỳ Sơn). Ảnh: THU HƯƠNG
Dịp 20/11, các cô nhận được những món quà đặc biệt. Không phải hoa, không phải những món đồ đắt tiền mà là những thứ dân dã: một quả đu đủ vừa chín, mấy quả chuối, hay mấy đốt mía được đốn trong vườn... Chỉ thế thôi cũng khiến các cô thấy ấm lòng lắm giữa bộn bề những khó khăn vây quanh, bởi nó là cả tấm lòng chân thành của các em. Và thế là nụ cười lại nở đầy niềm vui trên khuôn mặt, tạo động lực cho những cố gắng ngày mai. 8 năm công tác miền núi đồng nghĩa với 8 năm đón 20/11 ở đây, cô giáo Nguyễn Thị Lan Hương rơm rớm nước mắt kể chúng tôi nghe về những nỗi niềm khi nhớ trường, nhớ thầy cô giáo cũ mà không thể về thăm. Nhưng rồi ánh mắt cô rạng ngời khi kể về những món quà học sinh mang đến. Những bó rau, quả bí thôi nhưng đối với các cô nó ý nghĩa lắm. Rồi lãnh đạo nhà trường, chính quyền xã cũng động viên an ủi nhiều. Niềm yêu nghề được hun đúc từ những điều đơn sơ, giản dị như thế.
Trường Tiểu học Mường Típ 1 đóng chân trên một xã biên giới nghèo. Vì địa bàn rộng nên ở xã có 5 điểm trường lẻ ở các bản, đồng nghĩa với luôn có 15 giáo viên cắm bản. Trường có 32 giáo viên thì hơn nửa trong số đó là người miền xuôi lên. Mường Típ chỉ cách thị trấn hơn 30km, nhưng phải mất hàng tiếng đồng hồ mới đi đến được. Có những khi trời mưa gió, đường sạt lở, các thầy cô phải chuyển qua đi đò, thời gian lại càng kéo dài hơn. Đây lại là xã chưa có điện lưới nên đời sống của giáo viên cắm bản vô vàn những khó khăn thiếu thốn… Nhiều nơi giáo viên vẫn phải sống trong những lán nhà dựng tạm bợ, không đủ sức chống chọi với mưa nắng. Nhiều nơi thiếu trầm trọng nước sinh hoạt, giáo viên phải đi xa mấy cây số gánh nước về đổ chum dùng dần. Là giáo viên vùng cao, ai cũng quen với việc lặn lội đường rừng đi vận động học sinh đến trường. Đó dường như là công việc không thể thiếu, nhất là vào đầu năm học mới. Để thành công, họ phải gần gũi thân thiết với dân, phải học tiếng bản địa và làm quen với những phong tục tập quán nơi đây. Tuy vậy, không phàn nàn về cuộc sống vất vả, về nỗi buồn cô quạnh, ngày qua ngày, những giáo viên nơi đây cứ thầm lặng đưa con chữ đến với những bản làng xa xôi.
Thầy giáo Lâm Vinh Hạnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mường Típ 1, đã có hơn 20 năm gắn bó với huyện vùng cao Kỳ Sơn. Những ngôi trường thầy đến và đi đều có chung những khó khăn, nhưng không làm cho thầy chùn bước. Biết thấu hiểu, thông cảm và sẻ chia những khó khăn của các giáo viên cắm bản, thầy và lãnh đạo nhà trường luôn quan tâm tạo mọi điều kiện tốt nhất có thể để họ yên tâm công tác.
Đứng trên bục giảng bởi nơi vùng cao rất cần những giáo viên yêu nghề và mang trong mình khát vọng ươm nên những mầm xanh để thay đổi tương lai cho bà con còn nghèo khó. Những hy sinh của họ sẽ được tiếp nối bằng những nụ cười và hạnh phúc cho trẻ em vùng cao hôm nay và ngày mai.