(Baonghean) - Thời gian gần đây, tình trạng khai thác nứa, lùng trên địa bàn các xã Thông Thụ, Đồng Văn, Tiền Phong –Quế Phong vô cùng lộn xộn. Một số đơn vị ký hợp đồng với Ban quản lý rừng phòng hộ Quế Phong rồi thuê dân khai thác đốn hạ tràn lan không theo hồ sơ thiết kế, chưa kể là các đầu nậu khai thác “chui”, mùa hanh khô nguy cơ cháy rừng rất cao.

Đi dọc con đường lên Cửa khẩu Thông Thụ, chúng tôi chứng kiến 2 bên đường chồng chất những đống nứa, lùng được bó từng khúc chờ xe lên bốc. Người ta kéo cả lùng tươi ra bên vệ đường rồi làm bạt, lán tạm bợ ngồi cưa xẻ. Ông Vi Văn Tân ở Quỳ Châu nói: “Lán bọn tui có 5 người, cứ vào rừng chặt thoải mái rồi kéo ra đường cưa xẻ, các đầu nậu tự đưa xe ôtô đến lấy”. Tại bản Đồng Tiến, xe tô tô đầu kéo rơ moóc tải trọng gần 100 tấn đậu ngay ở đầu bản để lấy hàng. Một người dân bản địa cho biết: Xe ô tô này là của một đầu nậu tên là K, thường xuyên lên đây gom hàng, cứ khoảng 3-5 ngày gom được trên 80 tấn là đưa bán ở Thanh Hoá.

Theo con đường mòn, chúng tôi vào khu vực khai thác lùng ở gần bản Đồng Tiến, Nong Đanh, Huồi Muộng… thấy cảnh khai thác  diễn ra thật nhộn nhịp. Theo hồ sơ thiết kế khai thác của Ban Quản lý rừng phòng hộ Quế Phong là tỉa chặt những cây có độ tuổi từ 3 năm trở lên, chiều cao gốc chặt không vượt 7cm. Nhưng một người dân địa phương cho biết: Khai thác lùng ở đây chặt trụi cả bụi lùng. Như vậy, chỉ khoảng 2-3 năm dân bản sẽ chẳng có sản phẩm phụ nứa lùng để kiếm thêm thu nhập. Theo thiết kế, khai thác đến đâu tiến hành dọn rừng đến đó để phòng cháy rừng. Nhưng ở tất cả các khu khai thác nứa, lùng chúng tôi đều thấy cành, ngọn, cây khô, gốc khô bỏ vương vãi khắp nơi.

785521_small_86001.jpg

Người dân đang chuyển nứa, lùng ra điểm tập kết.

Theo ông Lang Văn Mạnh ở xóm Đồng Tiến, gia đình ông có 4 người thì tất cả đều vào rừng khai thác nứa, lùng. Ở đây có 4 “đầu nậu” vào thu mua nứa, lùng, làm tích cực mỗi người cũng kiếm được từ 150.000 -200.000 đ/ngày. Chúng tôi chặt nứa lùng tự do, chẳng thấy ai bày cho cách chặt và thu dọn đúng với quy trình, thỉnh thoảng cán bộ bảo vệ rừng kiểm tra thì nghỉ vài bữa, sau đó làm tiếp”, ông Mạnh tiết lộ. Còn theo ông Lang Văn Hoài- Trưởng bản Đồng Tiến thì Riêng bản có 50 hộ dân, 100% hộ đều theo nghề khai thác nứa, lùng. Đây là nghề tuy mệt nhọc nhưng dễ kiếm tiền, vốn liếng bỏ ra chỉ là rìu rạ và sức khoẻ để chặt lùng. Bà con khai thác lùng quanh năm từ trên núi cao xuống tận khe suối, tranh thủ khai thác ở nhiều điểm có nguy cơ bị ngập nước lòng hồ thuỷ điện Hủa Na.

Ông Lang Văn Tuần-Chủ tịch UBND xã Đồng Văn bức xúc: Theo hồ sơ thiết kế khai thác các tiểu khu 14, 15, 18, 52…, gần trạm liên ngành kiểm soát lâm sản huyện Quế Phong, nhưng không hiểu sao các đơn vị doanh nghiệp được Ban quản lý rừng phòng hộ cho khai thác lại thuê dân vào chặt nứa lùng ở nhiều diện tích rừng sản xuất của nhân dân, hoặc vào tận bản Nong Đanh, Huồi Muộng chặt nứa, lùng tràn lan.

Điều đáng ngại là việc chặt phá trụi gốc nứa, lùng ở những địa thế ven sông và khe suối sẽ dẫn đến nguy cơ lở núi vào mùa mưa. Thực tế ở rất nhiều bản ở Đồng Văn, Thông Thụ do khai thác nứa lùng quá mức đã bị sạt lở trầm trọng. Hiện như bản Khủn Na có nhiều điểm sạt lở đe doạ cả khu vực dân cư.

Ông Lê Hải Lý, quyền Hạt trưởng kiểm lâm Quế Phong, cho biết: Hạt Kiểm lâm huyện đã tham mưu cho UBND xã Đồng Văn thành lập đoàn kiểm tra để đẩy đuổi khai thác nứa, lùng trái phép trên địa bàn. Đoàn kiểm tra đã phải tự bỏ kinh phí từ 2-3 triệu đồng/chuyến để thuê xuồng đi đẩy đuổi, nhưng đoàn xuất hiện thì dân khai thác trốn, đoàn về thì mọi chuyện lại như cũ. Khó khăn đặt ra là chưa có chế tài để xử phạt đối với khai thác và vận chuyển lâm sản phụ, nên kiểm lâm cũng không có quyền cho dừng xe chở nứa, lùng.



Xe đầu kéo của các “đầu nậu” vào thu mua nứa, lùng
ở Đồng Văn - Quế Phong.

Trong năm 2012, Ban quản lý rừng phòng hộ Quế Phong (đơn vị chủ rừng) được Sở NN và PTNT phê duyệt hồ sơ khai thác nứa lùng, cho phép khai thác nứa lùng ở 3 xã Tiền Phong, Đồng Văn, Thông Thụ, diện tích thiết kế 194,2 ha, đối tượng là rừng tự nhiên và rừng phòng hộ. Sản lượng lùng 721,78 tấn (tương đương 102.212 cây), nứa 444,66 tấn (tương đương 55.156 cây). Tuy vậy, có thể thấy hầu như ở các xã trên khai thác chưa đúng với hồ sơ thiết kế. Đề nghị Hạt Kiểm lâm huyện Quế Phong yêu cầu Ban quản lý rừng phòng hộ Quế Phong trình hồ sơ thiết kế khai thác để kiểm tra hiện trường. Trước khi khai thác, Ban cần phải thông báo với Hạt Kiểm lâm để kiểm tra việc thực hiện, nếu sai phạm thì Hạt Kiểm lâm cần đình chỉ việc khai thác, đề xuất cấp trên thu hồi giấy phép khai thác.


Văn Trường