(Baonghean) - Năm 2006, CLB "Không sinh con thứ ba" xã Châu Bính (Quỳ Châu) được thành lập. Ban đầu, thuyết phục bà con tham gia hết sức khó khăn, bởi theo lý lẽ của bà con thì "gia nhập CLB đó chẳng mang lại lợi ích gì. Chỉ là để "ràng buộc" mình không sinh đẻ nhiều mà thôi".
Nhằm làm thay đổi nhận thức của bà con, các chị trong Ban chủ nhiệm CLB kiên trì đến từng nhà vận động, tìm cách đổi mới sinh hoạt CLB như: tổ chức chương trình văn nghệ, đóng các tiểu phẩm hài, kịch; mời cán bộ y tế về thăm khám bệnh phụ khoa lồng ghép tuyên truyền kiến thức về CSSKSS/KHHGĐ...
Hội viên phụ nữ xã Châu Bính tham gia lớp tư vấn cộng đồng chăm sóc SKSS.
Nhờ đó, CLB ngày càng thu hút đông đảo người dân tham gia, không chỉ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ mà các bà, các mẹ cao tuổi cũng sinh hoạt đều đặn. Chị Vi Thị Tuyết - cán bộ chuyên trách dân số xã Châu Bính cho biết: "Hiện Châu Bính có 13 CLB (8 CLB "Chăm sóc SKSS vị thành niên và 5 CLB "Không sinh con thứ ba"). Thông qua mô hình CLB, các chính sách, pháp lệnh về dân số, kiến thức về chăm sóc SKSS, sức khỏe tình dục được tuyên truyền đến tận các hội viên. "Mưa dầm thấm lâu", dần dà đồng bào cũng hiểu được cần phải thực hiện KHHGĐ, "dừng lại ở 2 con"... Nhờ đó, 5 năm qua, Châu Bính là 1 trong 2 xã không có người sinh con thứ ba, được UBND huyện khen thưởng".
Câu lạc bộ "Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên" bản Tà Lạnh (xã Châu Hạnh) thu hút 90% thanh niên trong độ tuổi sinh đẻ tham gia. Định kỳ hàng tháng, CLB tổ chức sinh hoạt xoay quanh nội dung: hiểu biết về giới tính, phòng tránh các bệnh lây qua đường tình dục, kiểm soát sinh con ngoài ý muốn, kiến thức làm mẹ an toàn... Nếu như trước đây, vị thành niên thường né tránh khi nói đến SKSS, nhưng sau khi tham gia CLB, họ đã mạnh dạn trao đổi, tìm hiểu, tư vấn để tự trang bị cho mình trong bảo vệ SKSS.
Xác định công tác truyền thông dân số không phải là trách nhiệm riêng của ngành Dân số, thời gian qua, Quỳ Châu đã ban hành nhiều văn bản, ký kết chương trình phối hợp liên ngành với các tổ chức đoàn thể về công tác dân số. Phối hợp với Hội Phụ nữ nhân rộng mô hình "CLB không sinh con thứ ba", Đoàn thanh niên với "CLB chăm sóc SKSS vị thành niên", Hội Nông dân với "CLB Nông dân với công tác dân số"...tạo nên sức mạnh tổng hợp, từng bước chuyển đổi nhận thức, hành vi của nhân dân đối với công tác dân số-KHHGĐ. Hiện nay, 12/12 xã, thị có CLB không sinh con thứ 3, toàn huyện thành lập được 16 CLB "Chăm sóc SKSS vị thành niên", và thí điểm một số mô hình CLB lồng ghép dân số khác.
Để công tác truyền thông dân số đạt kết quả cao, Trung tâm đã xây dựng kế hoạch hoạt động cho từng tháng, từng quý, hướng dẫn các xã, thị trấn tổ chức thực hiện cụ thể. Đặc biệt, chú trọng tới công tác tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục gắn với việc áp dụng các biện pháp tránh thai với quy mô gia đình chỉ sinh từ 1 tới 2 con. Công tác tuyên truyền được đa dạng hóa bằng nhiều hình thức như: tổ chức tuyên truyền lưu động, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, cấp phát tờ rơi, tuyên truyền lồng ghép trong các kỳ sinh hoạt Đoàn, Hội, trong các buổi họp ở các thôn, xóm, các tổ chức đoàn thể...
Ngoài ra, Trung tâm còn tăng cường tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng truyền thông cho đội ngũ cộng tác viên dân số ở cơ sở giúp họ có khả năng tuyên truyền tốt nhất. Với phương châm tuyên truyền "Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng", trong đó chú trọng đến các cặp vợ chồng sinh con một bề, đội ngũ cộng tác viên luôn bám sát các khu dân cư để nắm bắt nguyện vọng, tìm hiểu thực tế, đến từng gia đình trong độ tuổi sinh đẻ, giúp họ nâng cao nhận thức về chính sách dân số-KHHGĐ với việc phát triển kinh tế gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản...
Nhờ đẩy mạnh công tác truyền thông, do đó, 83,9% các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm từ 7,7% (năm 2006) xuống còn 5,4% (năm 2011); số phường, xã không có người sinh con thứ ba tăng từ 1 xã (năm 2006) lên 3 xã (2011); toàn huyện có 105 bản không có người sinh con thứ ba.