(Baonghean) Từ tháng 3 đến tháng 6 hằng năm, dịch tay chân miệng (TCM) vào giai đoạn bùng phát. Tuy nhiên, không phải bệnh nhân TCM nào cũng phải nhập viện; trẻ mắc bệnh độ 1 có thể chăm sóc tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị.


Vì tính chất dễ lây lan và việc phát tán mầm bệnh khá thuận lợi khi có sự tiếp xúc với nguồn bệnh, chăm sóc trẻ mắc bệnh TCM tại nhà nếu không thực hiện đúng cách sẽ làm tăng số trẻ mắc bệnh tại gia đình và cộng đồng.


Những gợi ý dưới đây có thể giúp các bậc cha mẹ chăm sóc trẻ bị bệnh TCM đúng cách:


1. Cách ly.


- Trẻ xác định đã mắc bệnh TCM phải được nghỉ học từ 7 - 10 ngày để ngăn chặn sự lây lan.


- Nếu gia đình có nhiều trẻ cùng chung sống, nên cách ly tuyệt đối giữa trẻ lành và trẻ bệnh.


- Người lớn khi tiếp xúc và chăm sóc trẻ bệnh nên mang khẩu trang y tế, sau khi tiếp xúc nên rửa tay bằng xà phòng.


2. Giữ vệ sinh cá nhân.


- Tắm rửa sạch sẽ cho trẻ mỗi ngày bằng xà phòng và nước sạch.


- Khuyến khích trẻ thường xuyên rửa tay sạch sẽ, đúng cách bằng xà phòng và nước sạch dưới vòi nước chảy.


- Quần áo, tã lót của trẻ bị bệnh nên được ngâm dung dịch sát khuẩn như dung dịch Cloramin B 2% hoặc luộc nước sôi trước khi giặt.


- Vật dụng cá nhân ăn uống của trẻ như bình sữa, ly uống nước, bát ăn cơm, muỗng , thìa ăn... nên được luộc sôi và sử dụng riêng biệt cho từng trẻ.


- Tuyệt đối tránh 3 quan niệm sai lầm thường gặp sau đây: Kiêng tắm, kiêng gió; ủ trẻ quá kỹ; châm chích cho mụn nước mau vỡ ra.


3. Tạo môi trường sống trong lành và an toàn.


- Người chăm sóc trẻ cần giữ sạch đôi tay hạn chế gieo rắc vi rút gây bệnh TCM cho những trẻ khác.


- Đồ chơi và vật dụng thường dùng của trẻ cần phải được tẩy trùng sạch sẽ bằng những dung dịch sát khuẩn như Cloramin B 2%, nước Javel hoặc xà phòng sát khuẩn.


- Phòng ốc nơi trẻ sinh hoạt cần thông thoáng, đủ dưỡng khí, nhất là sàn nhà nên được lau chùi sạch sẽ thường xuyên bằng các dung dịch khử khuẩn.


Thu hiền (Tổng hợp)