(Baonghean) - Tăng cường bác sỹ về các trạm y tế xã, tiến tới “phủ sóng” hoàn toàn “vùng lõm” về nhân lực y tế chất lượng cao là mục tiêu phấn đấu của ngành y tế huyện Quế Phong. Thời gian qua, với những giải pháp quyết liệt, đồng bộ, có đầu tư dài hạn, mục tiêu ấy đã đạt được bước tiến khả quan, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và củng cố niềm tin trong nhân dân.
Lỉnh kỉnh nào túi thuốc, nào hộp bảo quản vắc-xin tiêm chủng... buộc chặt trên chiếc xe máy bám đầy bùn đất, bác sỹ Lữ Văn Sơn (Trạm Y tế xã Nậm Giải) gắng sức gồng ga xe lên đỉnh dốc cuối cùng. Đường lên bản Pục, bản Méo, bản Piêng Lâng vừa xa xôi, đèo dốc, vừa nắng bụi, mưa lầy khiến bất kỳ ai lần đầu tiếp cận cũng không tránh khỏi e ngại. “Tôi vừa nhận công tác ở Trạm Y tế xã Nậm Giải cách đây chưa lâu. Những ngày đầu về bản, “khiếp” con đường này lắm, nhưng giờ quen rồi, thuộc từng ổ gà, từng đoạn hằn lún, trơn trượt” - Bác sỹ Lữ Văn Sơn chia sẻ. Thấy bác sỹ về bản, bà con tìm về mỗi lúc một đông, ai cũng muốn chờ bác sỹ tiêm chủng xong rồi trực tiếp khám cho mình. “Trước đây trạm y tế xã chưa có bác sỹ, có nhiều thắc mắc về bệnh nặng, về thuốc đặc trị, bà con phải đi xuống huyện mất cả ngày trời. Giờ có bác sỹ Sơn rồi, bà con yên tâm lắm, bác sỹ giải thích dễ hiểu lắm” - chị Quang Thị Thanh (bản Piêng Lâng) vui vẻ cho biết.
Bác sỹ Lữ Văn Sơn được tăng cường về Trạm Y tế xã Nậm Giải theo kế hoạch dài hơi của ngành Y tế huyện Quế Phong. Trước khi có bác sỹ Sơn về trạm, từ năm 2013, để giải quyết tình trạng thiếu bác sỹ, Trung tâm Y tế huyện Quế Phong đã linh động “giải quyết tình huống” bằng cách điều động luân phiên các bác sỹ từ trung tâm vào Nậm Giải trực tiếp khám, chữa bệnh 2 - 3 ngày/tuần. Tuy nhiên, theo chị Vi Thị Việt, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Nậm Giải, thì đó chỉ là cách làm tạm thời, hiệu quả không tích cực và rõ nét như việc có bác sỹ về “cắm” ở xã cố định. “Trước đây, 1 tuần bác sỹ của Trung tâm Y tế chỉ vào xã được 2-3 ngày, có tuần thời tiết xấu lại không vào được, thời gian quá ngắn ngủi nên hạn chế nhiều trong việc khám, theo dõi điều trị và làm công tác tuyên truyền cho bà con. Giờ thì tốt rồi, có bác sỹ Sơn về, người dân yên tâm hơn, tỷ lệ đến thăm khám, điều trị tại trạm xá tăng lên. Đặc biệt, có bác sỹ Sơn là Trạm Y tế xã Nậm Giải đã “giải” được bài toán khó là trạm phải có bác sỹ trong bộ tiêu chí quốc gia về y tế cấp xã, tiến tới về đích bộ tiêu chí vào cuối năm 2015” - chị Vi Thị Việt cho biết.
Cùng đợt tăng cường với bác sỹ Sơn, còn có 2 bác sỹ về Trạm Y tế xã Nậm Nhoóng và Hạnh Dịch. Ở Trạm Y tế xã Hạnh Dịch, chúng tôi gặp gỡ với bác sỹ Lô Văn Việt. Anh cho biết: Vào thời điểm năm 2011, khi được Trung tâm Y tế huyện cử theo học khóa bác sỹ chuyên tu, anh đã được lãnh đạo ngành Y tế huyện nhà làm công tác tư tưởng, xác định học tập nghiêm túc, đạt thành tích xuất sắc để trở về làm nhiệm vụ bác sỹ “cắm” xã. 4 năm theo học tại ĐH Y Dược Hải Phòng, mỗi lần có dịp nghỉ giữa kỳ, anh vừa kết hợp về thăm gia đình, vừa tranh thủ thời gian tới các trạm y tế xã để xem xét thực tế khám, chữa bệnh và tìm hiểu một số loại bệnh thường gặp ở người dân, bổ cứu thêm cho quá trình học tập. Về công tác ở Trạm Y tế xã Hạnh Dịch, bác sỹ Việt gặp phải không ít khó khăn. Phần vì, đây là lần đầu tiên người bác sỹ trẻ ấy nhận công tác ở địa bàn xã, phần khác còn bởi cơ sở hạ tầng, trang thiết bị ở Trạm Y tế xã Hạnh Dịch đang thiếu thốn. Tuy nhiên, cũng theo bác sỹ Việt, lợi thế lớn nhất anh có được là ngôn ngữ. “Tôi cũng là người con của đồng bào Thái Quế Phong nên phong tục, tập quán, ngôn ngữ, tính cách … của bà con, tôi hiểu lắm, thuận lợi cho quá trình làm việc. Kế hoạch của tôi là tích cực bám bản thật nhiều để làm quen với địa bàn, nắm bắt tình hình bệnh tật, gây dựng niềm tin trong nhân dân. Quyết tâm cùng các đồng nghiệp nơi đây khắc phục khó khăn, xây dựng Trạm Y tế xã Hạnh Dịch đạt chuẩn quốc gia về y tế xã” - bác sỹ trẻ Lô Văn Việt tâm sự.
Đội ngũ bác sỹ về tăng cường cho các trạm y tế xã đang tạo ra nhiều tín hiệu chuyển biến tích cực. Đó là hiệu quả của chiến lược đầu tư về nhân lực với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt mà ngành Y tế huyện Quế Phong thực hiện nhiều năm qua. Bác sỹ Lê Quang Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quế Phong cho biết: Nhiều năm trước, hầu hết cán bộ các trạm y tế xã trên địa bàn huyện đều là y sỹ, điều dưỡng…, gây nhiều hạn chế cho chất lượng khám, chữa bệnh. Ngành Y tế huyện nhận thức rõ khó khăn đó, nhưng chủ trương thu hút bác sỹ miền xuôi lên hầu như là bất khả thi vì chế độ đãi ngộ không thể được như nhiều nơi khác, cũng còn vì cách biệt về địa lý, ngôn ngữ, phong tục, tập quán. Chúng tôi đã xin ý kiến Sở Y tế cho phép lấy nguồn tại chỗ là các y sỹ con em người Quế Phong để đào tạo lên bác sỹ chuyên tu. Hiện tại, nguồn bác sỹ chuyên tu này cơ bản lấp đầy các trạm y tế xã trong toàn huyện, chỉ còn Trạm Y tế Thị trấn Kim Sơn và Trạm Y tế xã Quế Sơn còn “trắng” bác sỹ. Nguyên do vì đây là 2 địa bàn gần trung tâm y tế huyện và các bệnh viện, chúng tôi chủ trương ưu tiên tăng cường bác sỹ cho các xã vùng sâu, vùng xa trước. Nhưng cũng chỉ trong cuối năm 2015, số bác sỹ chuyên tu đang theo học ra trường thì Quế Phong hoàn thành và thậm chí vượt đích phấn đấu 100% trạm y tế xã, thị trấn có bác sỹ, đảm bảo điều kiện của bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã”.
Phương Chi