(Baonghean) - Theo thống kê 6 tháng đầu năm, trên cả nước đã ghi nhận gần 13 nghìn trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 12 trường hợp tử vong. Trước tình hình bệnh sốt xuất huyết có chiều hướng ngày càng gia tăng, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tăng cường công tác thông tin, giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng, nhằm chủ động phòng, chống sốt xuất huyết.

Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu) là xã thuộc vùng bãi ngang, giáp biển, địa hình thấp trũng, là môi trường thuận lợi để loài muỗi phát triển và gây bệnh. Năm 2014, trên địa bàn xã có 9 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Sau mỗi đợt dịch, địa phương đã đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền trên loa truyền thanh xóm. Đoàn kiểm tra, giám sát dịch bệnh của xã hàng tháng trực tiếp đến từng nhà dân tuyên truyền, hướng dẫn. Nhờ đó đến nay, người dân đã biết chủ động phòng căn bệnh truyền nhiễm này.
 
Chị Hồ Thị Oanh, xóm Thanh Minh, xã Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu) cho biết: Để phòng bệnh cho gia đình, tôi thường xuyên dọn vệ sinh để nhà cửa thoáng mát, sạch sẽ. Ngoài ra, để đảm bảo vệ sinh môi trường, xã Quỳnh Bảng quy định, vào ngày 25 hàng tháng (riêng những tháng cao điểm thường xảy ra các bệnh giao mùa từ tháng 7 đến tháng 11, mỗi tháng 2 lần) các đoàn thể như hội phụ nữ, đoàn thanh niên các xóm ra quân vận động người dân tham gia quét dọn vệ sinh, phát quang bụi rậm, nạo vét mương máng…
 
images1198508_1gui_lai.jpgCán bộ y tế xã Quỳnh Thuận (Quỳnh Lưu) tuyên truyền, hướng dẫn người dân phòng bệnh sốt xuất huyết.
Để việc phòng bệnh sốt xuất huyết trở thành nề nếp của người dân trên địa bàn huyện, ngành Y tế địa phương đã chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể cùng vào cuộc. Ông Lê Văn Thảo, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quỳnh Lưu cho biết: Ngay từ đầu năm Trung tâm y tế huyện đã phối hợp với các xã thành lập đoàn kiểm tra, giám sát định kỳ mỗi tháng một lần để tuyên truyền, hướng dẫn người dân công tác đảm bảo vệ sinh môi trường tại gia đình và xung quanh khu dân cư; đến từng hộ để tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp diệt muỗi, bọ gậy, thu gom rác thải, thau rửa các dụng cụ đựng nước... Nhờ vậy, năm nay trên địa bàn chưa xảy ra trường hợp nào mắc sốt xuất huyết .
 
Hướng dẫn người dân phường Hà Huy Tập (TP. Vinh) trừ bọ gậy để phòng tránh sốt xuất huyết. Ảnh: Thu Hiền
Vào thời điểm giao mùa, TP. Vinh đã chủ động đưa ra các giải pháp nhằm phòng, chống bệnh sốt xuất huyết. Ở một số xã đã từng xảy ra dịch như Nghi Đức (năm 2009 có khoảng trên 40 trường hợp mắc sốt xuất huyết) và các phường, xã có địa hình thấp trũng, ứ đọng nước vào mùa mưa, nhiều cây xanh như Trung Đô, Vinh Tân, Hưng Hoà, Bến Thuỷ… cán bộ y tế địa phương phối hợp với một số tổ chức đoàn thể như thanh niên, phụ nữ ra quân vệ sinh môi trường, nạo vét kênh mương, phát quang bụi rậm. Ngoài ra, địa phương còn thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn cho các hộ vệ sinh môi trường xung quanh khu vực sinh sống. Chị Đinh Thị Hiếu, xóm 18A, xã Nghi Liên (Thành phố Vinh) cho biết: Nhà tôi vườn khá rộng, nhiều cây cối nên mùa mưa thường ẩm thấp. Được cán bộ y tế tuyên truyền, hướng dẫn nên mỗi tuần một lần, gia đình tôi lại tổng vệ sinh sân vườn, thau rửa các loại dụng cụ chứa nước. Muỗi, bọ gậy bị diệt trừ nên tôi không còn lo bị truyền bệnh sốt xuất huyết nữa.
 
Ý thức phòng bệnh của người dân từng bước được nâng cao phần nào cũng nhờ sự chủ động của các địa phương đã lý giải vì sao từ đầu năm đến nay Nghệ An chưa có trường hợp nào mắc sốt xuất huyết. Mặc dù vậy, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tại một số tỉnh, thành trên cả nước, để huy động sự vào cuộc của các cấp, ngành và nhân dân trong việc phòng, chống bệnh truyền nhiễm này, từ tháng 3/2015, UBND tỉnh đã có Công văn số 1473/UBND - VX “Về tăng cường phòng, chống bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng”. Theo đó, giao các cấp, các ban, ngành, đoàn thể triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch như: cần tổ chức diệt loăng quăng, bọ gậy trên địa bàn ngay từ đầu năm và duy trì hoạt động 1 tuần/1 lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần/1 lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, loăng quăng/bọ gậy cao và 1 tháng/1 lần tại các khu vực còn lại.
 
Bên cạnh đó, các địa phương cần tổ chức phun hóa chất diệt muỗi diện rộng tại các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết và phun hóa chất diệt muỗi triệt để tại 100% các gia đình tại khu vực ổ dịch theo chỉ định của ngành Y tế. Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, xử lý triệt để ổ dịch; Chuẩn bị đầy đủ thuốc men, vật tư, phương tiện, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống và điều trị dịch bệnh trong mọi tình huống. Các bệnh viện, cơ sở y tế có giường bệnh chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, tập huấn cán bộ về các phác đồ cấp cứu và điều trị, chú trọng việc phân tuyến, phân luồng tránh quá tải khi có đông bệnh nhân và dự phòng lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế, tăng cường cấp cứu và điều trị bệnh nhân hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong.
 
Dự báo, dịch sốt xuất huyết sẽ còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới, khi thời tiết nắng, mưa thất thường, độ ẩm cao thuận lợi cho loài muỗi sinh sản và phát triển. Hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc-xin phòng bệnh sốt xuất huyết, bởi vậy cách phòng tránh hiệu quả nhất vẫn là vệ sinh môi trường, diệt trừ trung gian gây bệnh. Bởi vậy, bên cạnh sự nỗ lực của ngành Y tế, để phòng, chống dịch bệnh thành công thì điều quan trọng nhất người dân cần chủ động phòng bệnh thực hiện tốt các lưu ý, khuyến cáo từ cơ quan y tế để tự bảo vệ mình.
 
Đinh Nguyệt
 
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút Dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Bộ Y tế khuyến cáo người dân, để phòng bệnh sốt xuất huyết cần: vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát; phát quang bụi rậm quanh nhà, đậy kín các nắp lu chứa nước, úp các vật dụng chứa nước không sử dụng đến, thực hiện ngủ màn thường xuyên và áp dụng các biện pháp diệt muỗi...Trong trường hợp bị sốt cao liên tục nhiều ngày, người dân cần đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.