Hàn the, urê là hóa chất cấm dùng trong thực phẩm nhưng thực tế người bán sử dụng hai chất này để bảo quản hải sản khá phổ biến. Vậy làm thế nào để phân biệt cá bị ướp ure hay hàn the?
Cá cướp hàn the, urê 'đẹp' và "tươi" lâu
Công nghệ 'tráng đạm' rất đơn giản, cá đưa từ biển về được nhúng vào thùng nước đá có pha đạm urê, sau đó vớt ra sạp bán cho khách hàng. Những loại cá vận chuyển lên các tỉnh xa, phải rắc thêm đạm urê vào trong đá cây, nhờ đó, 4 - 5 ngày sau, thậm chí cả tuần cá vẫn tươi.
Không chỉ có cá, các loại tôm, mực... sau khi trải qua giai đoạn tẩm ướp bằng các loại hóa chất như thuốc tẩy, hàn the, đạm urê sẽ có màu trắng, tươi ngon, nhìn rất bắt mắt khách hàng.
Nguy hiểm từ việc dùng hàn the, urê ướp cá
Hàn the, tên hóa dược là borax, là muối natri của a-xít boric. Đây là một chất sát khuẩn, được dùng trong chăm sóc y tế để diệt khuẩn và nấm nhẹ. Urê là phân bón hóa học dùng trong nông nghiệp, có tác dụng kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn.
Vì giá thành rất rẻ nên không ít người kinh doanh thủy hải sản tươi sống đã dùng phân urê, hàn the nhằm giữ cho thực phẩm tươi lâu không bị ươn thối. Tuy nhiên, cả urê và hàn the đều nằm trong danh mục các loại hóa chất phụ gia không được Bộ Y tế cho phép sử dụng trong việc bảo quản và chế biến thực phẩm nên nếu lạm dụng sẽ gây nguy hại cho sức khỏe người ăn.
BS Trần Văn Ký - Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam (Văn phòng phía Nam) cho biết, khi ăn phải cá, mực, thịt... có dư lượng urê, hàn the cao thì người ăn có thể bị ngộ độc cấp tính với các biểu hiện đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, chóng mặt... thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Dù với hàm lượng ít, urê, hàn the khi vào cơ thể sẽ tích tụ về lâu dài, gây ngộ độc mạn tính, biểu hiện là thường đau đầu không rõ nguyên nhân, mất ngủ, giảm trí nhớ, ảnh hưởng đến gan, thận, biếng ăn, suy nhược cơ thể...
Về thần kinh, hàn the còn gây kích thích dẫn đến trầm cảm hoặc kích thích màng não, thay đổi nhiệt độ cơ thể. Với đường niệu, nó gây hư hại đặc biệt cho thận và toàn thân, rối loạn chức năng, yếu ớt, bất lực, rối loạn kinh nguyệt, rụng tóc...
Cách nhận biết cá bị ướp hàn the và đạm urê
Mang cá
Bằng mắt thường, khi chọn mua, bạn nhìn vào mang cá còn đọng máu là cá tươi. Ngược lại, mang không đỏ nhưng nhìn cá vẫn rất tươi, chắc chắn đã được ướp qua hàn the.
Xuất hiện bọt đen khi nấu cá
Cá đã qua ướp hàn the khi nấu nổi những bọt đen trên mặt nước, đồng thời xương cá cũng đen. Với cá tươi, khi nấu không xuất hiện bọt đen trên mặt nước, xương có màu trắng.
Cách ướp đá
Nếu cá tươi, người bán thường bày hàng với rất nhiều đá để giữ cá tươi lâu; còn cá ướp hàn the thì thường không cần ướp với nhiều đá nữa.
Thịt cá nhão, dễ tróc vẩy
Nếu để ý kỹ bằng mắt thường chúng ta có thể nhận biết được cá tươi với cá đã tẩm hóa chất. Cá ướp hàn the, urê nhìn thấy rất tươi nhưng khi ấn tay vào thân cá thì thấy mềm, mình cá lõm xuống do độ đàn hồi thấp, ngửi cá có mùi lạ chứ không phải mùi tanh đặc trưng của cá.
Cá dễ dàng bị tróc vảy, thịt nhão và mắt lõm vào trong... cũng tương tự, nhìn tươi nhưng khi chế biến sẽ không có độ ngọt, thơm tự nhiên mà thịt mềm, nhũn, hôi...
Theo khoahoc.tv