(Baonghean) -Mới được đăng tải trên Youtube từ ngày 13/4, clip với độ dài hơn một 1 giờ đồng hồ và nội dung khá "kén người": “Suy ngẫm về nền giáo dục của đất nước”, đã thu hút được sự chú ý không chỉ của đông đảo cư dân mạng, mà còn “đánh động” đến những giáo sư, hiệu trưởng của các trường PTTH danh tiếng, thậm chí tới cả Bộ Giáo dục - Đào tạo. Tính đến hiện tại, đã có hơn 426.850 người theo dõi clip và phần lớn người xem đều đưa ra quan điểm đồng tình với người phát ngôn.

“Sự trăn trở của một kẻ lười biếng”  là lời giãi bày của một học sinh lớp 12 đối với nền giáo dục Việt Nam. Người diễn thuyết trong clip là một nam sinh có khả năng hùng biện cực kỳ xuất sắc, từ ngôn từ, lời nói, cử chỉ cho đến biểu cảm gương mặt.

Mặc dù những luận điểm được nêu trong clip không phải mới, mà đã trở thành nỗi trăn trở từ lâu của biết bao con người tâm huyết với nền giáo dục nước nhà. Điều đó lại trở nên cuốn hút và khuấy động dư luận vì được trình bày đầy thuyết phục bởi một học sinh lớp 12! Bình luận về clip, nhiều chuyên gia cho rằng họ ủng hộ sự lên tiếng của những học sinh đang trực tiếp thụ hưởng nền giáo dục nước nhà như GS. Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường PTTH Lương Thế Vinh (Hà Nội), TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội và là Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng hay Hiệu trưởng Trường Đại học FPT Lê Trường Tùng...

Đối với những giáo sư đầu ngành, hay Bộ Giáo dục - Đào tạo, những cá nhân có đầy đủ hiểu biết hơn về nền giáo dục nước nhà thì clip này chỉ dừng ở mức đáng khen.

Tuy nhiên, nếu đánh giá thấp ảnh hưởng của các luận điểm đó đối với những con người đã, đang và sẽ học ở nền giáo dục các cấp của nước nhà thì thật sai lầm. Bởi vì họ tìm thấy ở đây sự đồng cảm. Điều gì sẽ xảy ra nếu nhiều thế hệ tương lai buồn chán trước viễn cảnh giáo dục nước nhà? Nếu Bộ Giáo dục - Đào tạo không đưa ra những động thái sớm hơn để thay đổi?

Không thể phủ nhận clip “Sự trăn trở của một kẻ lười biếng” tạo ra những hiệu quả tích cực như đã được thông tin đại chúng nhắc đi nhắc lại trong tuần qua, nhưng nếu toàn thể học sinh đều chỉ thấy mặt thuyết phục của nó thì thật đáng tiếc. Vì bản thân clip này lại mang một sai lầm, bởi xuyên suốt clip chỉ là lời yêu cầu: Học phải thế này, dạy phải thế này, giáo dục phải thế này... Và quy tất cả lỗi của việc không đáp ứng được những yêu cầu như vậy cho những người đang điều hành nền giáo dục. Em phản ứng với việc hệ thống giáo dục tạo ra những con người thụ động. Nhưng chính suy nghĩ xuyên suốt này của em rất thụ động, trông chờ và áp đặt tất cả lên Bộ Giáo dục - Đào tạo.

Trong clip, khi bàn về việc giáo dục nên một con người, em cho rằng đó hoàn toàn là sản phẩm của nhà trường và đặt bản thân mình cùng gia đình ra ngoài quá trình giáo dục này.

Em khát khao sự thay đổi, khát khao nói lên chính kiến của mình. Nhưng những chính kiến của em làm lớp lớp học sinh cảm thấy buồn bã trước thực trạng giáo dục chứ không đưa lại cảm giác tích cực, muốn hành động để góp phần thúc đẩy nền giáo dục đi lên. Thực ra, đây là một yêu cầu quá sức với một học sinh nhưng nó là cần thiết.

Em có rất nhiều tài năng, ít nhất đó là những điều chúng ta nhận thấy được từ clip, và tự nhận mình là “kẻ lười biếng”. Riêng tôi hy vọng em cũng là một “lãn ông” đầy tâm huyết với đất nước này.

Những thiếu sót của hệ thống giáo dục nước nhà đã được thế hệ học sinh trước nhận ra và nay được nói lên. Hy vọng, những thế hệ tiếp nối sẽ góp phần thay đổi nền giáo dục nước nhà!


Nguyễn Thị Hải Nam