(Baonghean) - Là một huyện miền núi, đời sống kinh tế - xã hội còn gặp không ít khó khăn, nhưng trong những năm gần đây, nhờ những giải pháp sát thực và hợp lý, ngành Giáo dục Anh Sơn vẫn có được những bước tiến đầy ấn tượng.
Chúng tôi tìm đến Trường Mầm non Thị trấn Anh Sơn, được chứng kiến hệ thống cơ sở vật chất phục vụ dạy học khang trang, khuôn viên rộng rãi, thoáng mát và sạch sẽ… không khí buổi học diễn ra vui vẻ, sôi nổi, các em học sinh tỏ ra rất hào hứng với từng tiết học. Trò chuyện với chúng tôi, cô Nguyễn Thị Bé - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Hệ thống cơ sở vật chất của trường ngoài sự đầu tư của Nhà nước còn có nguồn đóng góp không nhỏ từ xã hội hóa giáo dục.
Chẳng hạn, để tạo không gian học tập bổ ích cho trẻ, nhà trường vừa huy động phụ huynh đóng góp và xây dựng sân trường bằng bê tông trị giá gần 8 triệu đồng”. Qua trao đổi, được biết đội ngũ giáo viên ở đây còn mạnh dạn áp dụng công nghệ thông tin để triển khai việc quản lý và khai thác đồ chơi trên mạng Internet phục vụ việc dạy học. Vừa qua, trường có giáo viên đạt giải Nhì cấp tỉnh về thiết kế đồ dùng trên máy. Nhờ thực hiện các giải pháp trên, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên, trở thành trường kiểu mẫu trong toàn huyện và được công nhận đạt chuẩn quốc gia.
Học sinh Trường Mầm non Thị trấn Anh Sơn
trong giờ làm quen máy vi tính.
Cũng như Trường Mầm non Thị trấn, hệ thống cơ sở vật chất Trường Tiểu học Long Sơn cũng được đầu tư xây dựng khang trang. Dãy phòng học cao tầng vừa được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đặc biệt, trường hiện có 18 máy vi tính trị giá trên 300 triệu đồng để phục vụ việc dạy học, nguồn kinh phí mua sắm hoàn toàn được huy động từ việc xã hội hóa. Nhờ đó, hầu hết các giáo viên của trường đều có thể soạn bài và giảng dạy bằng giáo án điện tử, sử dụng thành thạo máy chiếu, giúp học sinh sớm được tiếp cận công nghệ thông tin, tạo nên sự hứng khởi trong các giờ học.
Thầy Nguyễn Trọng Đại - Hiệu trưởng nhà trường, cho hay: “Đến nay, trường có 31 giáo viên dạy giỏi cấp huyện, 1 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Để nâng cao chất lượng dạy và học, chúng tôi triển khai thực hiện nghiêm túc phong trào “Tiếng trống học bài”. Anh em cán bộ giáo viên được phân công về các thôn xóm thực hiện việc kiểm tra tinh thần tự giác học tập của học sinh trên địa bàn. Phong trào có tác dụng rất thiết thực, mang lại hiệu quả cao, góp phần hạn chế số lượng học sinh yếu kém, thúc đẩy tinh thần hăng say học tập cho các em. Nhờ thực hiện tốt phong trào, Trường Tiểu học Long Sơn từ chỗ đứng ở tốp cuối toàn huyện về mặt chất lượng đã vươn lên vị trí thứ 9, và nay nằm ở vị trí thứ 5”.
Rời Trường Tiểu học Long Sơn, chúng tôi ghé thăm Trường THCS Phúc Sơn, ngôi trường có bề dày hơn 65 năm và vừa được công nhận đạt chuẩn quốc gia đầu năm học này. Điểm nổi bật của trường là được trang bị 1 phòng học tin học và 1 phòng học ngoại ngữ với hệ thống trang thiết bị hiện đại. Hiện tại, 28/32 giáo viên của trường đã sử dụng thành thạo hệ thống trang thiết bị công nghệ thông tin, soạn giáo án trên máy vi tính và giảng dạy bằng máy chiếu. Riêng năm học 2011- 2012, qua công tác xã hội hóa, trường đã huy động được hơn 200 triệu đồng. Số tiền này được sử dụng vào việc tu sửa, nâng cấp phòng thí nghiệm và xây dựng công trình vệ sinh.
Cô Trần Thị Hiền - Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Trường đứng chân trên địa bàn “Làng Đỏ” Yên Phúc xưa, nơi đi đầu trong cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh nên chúng tôi luôn xác định phải tăng cường giáo dục truyền thống”. Để học sinh hiểu hơn về truyền thống quê hương, các thầy cô giáo thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa như tham quan các di tích lịch sử trên địa bàn, mời các vị lão thành cách mạng nói chuyện chuyên đề; vận động các em sưu tầm ca dao, dân ca và những câu chuyện cổ; khuyến khích tìm hiểu về những nét đẹp của văn hóa làng xã cổ truyền... Sau mỗi đợt ngoại khóa, thầy cô giáo lại chỉ đạo, hướng dẫn học sinh viết bài thu hoạch. Việc làm thiết thực này đã góp phần hình thành, bồi đắp cho các em niềm tự hào về truyền thống quê hương.
Thầy Nguyễn Đức Vĩnh - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Anh Sơn, khẳng định: Từ năm học 2006 - 2007 đến nay, ngành Giáo dục Anh Sơn đã lần lượt chọn 6 giải pháp mang tính đột phá để nâng cao chất lượng, đó là: Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dạy - học; Phát động phong trào “Tiếng trống học bài”; Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục; Xây dựng tổ chuyên môn thành nền tảng tại các trường học; Tăng cường giáo dục đạo đức, giáo dục truyền thống, giáo dục kỹ năng sống, ý thức trách nhiệm công dân cho học sinh, mà trực tiếp là nâng cao chất lượng dạy học các bộ môn xã hội nhân văn; rèn luyện “Nét chữ - nết người” và thực hiện kiểm định chất lượng. Những giải pháp này được đề xuất và triển khai thực hiện trên cơ sở tình hình kinh tế - xã hội của địa phương và yêu cầu cụ thể của từng năm học.