(Baonghean) Tại Kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh khóa XVI, cử tri các huyện miền núi phản ánh: Quy định hỗ trợ nông dân mua giống bò tại địa phương theo Dự án 30a còn bất cập. Việc đưa giống bò từ nơi khác không thích nghi với điều kiện của địa phương, dẫn đến bò bị ốm và chết nhiều. Do đó, nên hỗ trợ giống bò tại địa phương và có kế hoạch hỗ trợ thiệt hại đối với trâu, bò bị chết để giúp người dân ổn định sản nuôi.
UBND tỉnh xin trả lời như sau:
Chương trình 30a đối với các huyện nghèo đã được triển khai tại 3 huyện: Quế Phong, Kỳ Sơn và Tương Dương, trong đó có chương trình hỗ trợ phát triển chăn nuôi trâu, bò. Đây là một chương trình lớn, phù hợp với tâm tư nguyện vọng của các hộ nông dân nghèo. Việc hỗ trợ bò cho các hộ chăn nuôi đã có hiệu quả, nhiều hộ đến nay đã có thu nhập từ bê con, góp phần tích cực xóa đói giảm nghèo trên địa bàn.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng một số con bê, nghé sau khi cấp bị chết. Cụ thể ở 3 huyện như sau:
* Đối với huyện Quế Phong
Trong 3 năm (2009 - 2011), tổng số bê cái đã cung cấp cho các hộ nghèo là 1.197 con với kinh phí là 11.173 triệu đồng. Đơn vị cung ứng là Công ty CP Nga Chín, có trụ sở tại: Xã Vân Diên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Số bê cái bị giảm là: 77 con, trong đó: Chết do thiếu chăm sóc nuôi dưỡng: 30 con, do người dân bán đi là 31 con; số bị mất trộm là 16 con.
Nguyên nhân: Do địa hình phức tạp, đồi núi cao tạo thành nhiều vùng tiểu khí hậu, cộng với tập quán chăn nuôi của nhiều hộ đồng bào còn lạc hậu, thả rông bò, không chăn dắt, trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn vào mùa đông, công tác thú y, phòng chống dịch bệnh còn khó khăn do địa bàn rộng...
* Đối với huyện Kỳ Sơn
Để đảm bảo chất lượng con giống trước khi cấp cho các hộ dân, UBND huyện Kỳ Sơn đã có Quyết định số 10/QĐ-UBND ngày 15/3/2010 thành lập tổ nghiệm thu chất lượng. Thành phần tổ nghiệm thu gồm phòng NN và PTNT, Trạm Khuyến nông, Thú y, BVTV và đại điện UBND các xã có sự tham gia của người dân hưởng lợi.
Tổng số bò đã cấp trong 3 năm là 1.600 con, với tổng kinh phí hỗ trợ là 10.302,5 triệu đồng. Đơn vị cung ứng là Công ty TNHH Thương mại Bảo Ngân (tại Thanh Chương).
Số bò giống đã chết là 17 con và đã được công ty đền bù theo hợp đồng là 100% giá trị, đồng thời đã được cấp lại bằng bò giống khác.
Nguyên nhân bò chết:
- Do năm 2011, mưa lũ kéo dài làm tắc đường giao thông, không vận chuyển bò lên Kỳ Sơn theo thời gian quy định. Công ty phải nuôi nhốt lâu ngày với số lượng nhiều, thiếu thức ăn, có dùng đến cám, ngô bổ sung nên sinh táo bón, ỉa chảy… Sau khi cấp cho các hộ dân, một số con bị tiêu chảy và chết.
- Mặt khác, ý thức của người dân được hưởng lợi chưa cao, sự chăm sóc sau khi nhận về hạn chế, khi bò bị mắc bệnh báo cáo không kịp thời, xử lý chậm...
- Do thay đổi môi trường, điều kiện khí hậu thời tiết ở Kỳ Sơn khắc nghiệt nên thời gian đầu bò khó thích ứng, sinh bệnh tật và chết.
* Đối với huyện Tương Dương
Theo báo cáo UBND huyện, trong 3 năm (2009 - 2011) số lượng bê, nghé đã cấp theo Chương trình 30a là 1.599 con, với tổng kinh phí là: 10.149 triệu đồng. Các đơn vị cung ứng là Trung tâm Giống chăn nuôi Nghệ An, Công ty TNHH TM Bảo Ngân, (địa chỉ xã Thanh Đồng, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An). Ngoài ra, các xã: Hữu Khuông, Nhôn Mai, Mai Sơn và Yên Na đã tự mua cho dân với số lượng: 169 con.
Số bê, nghé đã chết trong 3 năm là 344 con, trong đó bê: 170 con, nghé: 174 con. Do thời gian gấp nên huyện chỉ mới điều tra thông qua họp dân để tổng hợp, nên có thể một số bê, nghé do dân đã bán hoặc giết thịt, nhưng vẫn kê khai bị chết. UBND huyện sẽ thành lập đoàn kiểm tra để xác minh số liệu cụ thể.
Nguyên nhân:
- Phần lớn bê, nghé sau khi giao, các hộ dân thường đưa vào rừng thả ngay, thiếu chăm sóc chu đáo, hàng năm không tiêm phòng nên một số con bị chết do rét và dịch bệnh.
- Riêng năm 2011, bê nghé đến thời điểm cấp, gặp thời tiết mưa lũ kéo dài làm tắc các tuyến đường không chuyển lên Tương Dương được, phải hoãn cấp nhiều lần. Bê, nghé do bị nhốt lâu ngày ảnh hưởng sức khỏe. Sau khi cấp, nhân dân chăm sóc không chu đáo để bê, nghé ăn cỏ bị lấm bùn do lũ, sinh bệnh ỉa chảy, người dân thiếu quan tâm điều trị nên bê, nghé bị chết nhiều, nhất là các xã, bản vùng lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ như: Bản Pủng, Cà Moong, xã Lượng Minh, các bản thuộc 2 xã: Hữu Khuông, Nhôn Mai.
Như vậy, cử tri các huyện phản ánh việc bò cấp cho cáo hộ dân theo Chương trình như 30a là có thật. Trong quá trình thực hiện, để tăng đàn cơ học và cải tạo, nâng cao chất lượng đàn bò trên địa bàn, các huyện trên đã mua nơi khác về. Tuy có chết một số bê, nghé nhưng về cơ bản mục tiêu của chương trình đảm bảo. Nhiều hộ dân nghèo đã có thu nhập khá từ phát triển chăn nuôi trâu, bò của chương trình.
Để thực hiện tốt hơn chủ trương này, cần quan tâm công tác tuyên truyền, tập huấn cách thức chăn nuôi cho đồng bào vùng cao, trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn, làm tốt công tác thú y cơ sở...
Việc mua bò tại địa phương để cung cấp cho các hộ dân trên địa bàn yêu cầu UBND các huyện căn cứ điều kiện thực tế của địa phương để lựa chọn cho phù hợp, đảm bảo lợi ích của người dân.
TM. Ủy ban nhân dân
KT. Chủ tịch
Phó Chủ tịch
Nguyễn Xuân Đường