(Baonghean) Là một người con của dân tộc Kinh, nhưng sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Hạnh Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, nơi được xem là một trong những bản, làng còn lưu giữ được những nét văn hoá truyền thống của đồng bào Thái. Tuổi thơđã gắn liền với những câu lăm, điệu suối, ông là người Kinh duy nhất của xã Châu Tiến am hiểu và sử dụng được các loại nhạc cụ của đồng bào Thái thành thạo. Đó là ông Lê Thái Châu.
Năm nay đã bước sang tuổi xưa nay hiếm, nhưng với lòng đam mê các loại nhạc cụ của đồng bào Thái, ông Châu vẫn luôn miệt mài học hỏi và sưu tầm văn hoá Thái.Nhấp chén rượu đầu xuân, ông say sưa kể: “Mình rất yêu thích các loại nhạc cụ dân tộc Thái từ nhỏ, và cũng nhờ tiếng nhạc đó mà mình đã bén duyên với cô gái Thái cũng hát hay múa dẻo”.
Sau một ngày lao động vất vả, vợ chồng ông thường thả hồn vào những tiếng khèn, tiếng sáo. Giờ đây dù tuổi cao, sức yếu, tiếng sáo, tiếng khèn của ông vẫn làm say đắm lòng người. Cùng với dòng chảy thời gian và sự pha trộn của các dòng văn hóa ngoại lai, văn hóa của đồng bào Thái cũng đang bị mai một dần.
Ông Lê Thái Châu giới thiệu khèn bè cho già làng trong bản
Một buổi sinh hoạt CLB Người cao tuổi ở bản Khe Lạn, xã Châu Hạnh, Quỳ Châu. Ảnh: Trần Ngọc Lan
Chính vì thế ông luôn trăn trở để gìn giữ và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống trong đời sống cộng đồng. Nghĩ là làm, những lúc rảnh rỗi, ông đã vận động các cháu trong độ tuổi tiểu học đến nhà ông hoặc nhà văn hoá bản để hướng dẫn các cháu cách sử dụng các loại nhạc cụ và các làn điệu.Đại đa số các cháu đều chưa một lần được hát và sử dụng các loại nhạc cụ của dân tộc mình, nên ông phải hướng dẫn tỷ mỉ cách lấy hơi và ngắt chữ trong từng câu hát, cách phân biệt các loại khèn bè, pí khuỳ, pí nhuôn và pí đắng. Ngoài ra, ông còn hướng dẫn cho các cháu biết sử dụng các loại nhạc cụ phù hợp với từng thể loại…
Xin chúc choông Lê Thái Châu sống vui, sống khỏe, để tiếp tục gìn giữ, phát huy tiếng khèn, tiếng pí của đồng bào dan tộc mình.