(Baonghean) - Anh bạn tôi công tác ở Phòng Nông nghiệp huyện Quế Phong, gọi điện nhã ý mời tôi lên, chứng kiến cảnh bà con các dân tộc thu hoạch trong niềm vui được mùa. Thực ra, việc được mùa là chuyện xưa nay không hiếm đối với vùng sơn cước này, nhưng điều bạn của tôi muốn "khoe" là lần đầu tiên giống lúa lai 3 dòng Nhị ưu 986 đã lập kỳ tích trên đất Mường Nọc...
Chuyện đưa giống lúa lai lên vùng miền núi cao để đồng bào các dân tộc áp dụng đưa vào sản xuất là một kỳ tích của ngành Nông nghiệp cách đây mấy năm. Thế mà vụ xuân vừa qua, ở xã Mường Nọc (Quế Phong), nhiều cánh đồng đã chuyển đổi sang cấy giống lúa lai 3 dòng Nhị ưu 986, cũng được ví là kỳ tích trên miền sơn cước này!
Huyện Quế Phong tổ chức hội thảo giống lúa lai Nhị ưu 986 trong vụ xuân vừa qua tại xã Mường Nọc.
Chúng tôi đến xã Mường Nọc vào một ngày đầu tháng 6, khi đồng bào nơi đây đang háo hức được mùa lúa xuân. Trên các cánh đồng từ Ná Ngá đến các xứ đồng Dốn, Hăn, Cắng... những thảm lúa vàng trĩu bông. Bà Lương Thị Hải, trưởng bản Ná Ngá, phấn khởi nói: Gia đình bà có 8 sào đất cấy lúa, các năm trước thường cấy các giống lúa, như Nhị ưu 838, Bio 404, năng suất cao lắm cũng chỉ đạt 3 tạ/sào. Trong khi cấy các giống lúa sâu bệnh hại nhiều, gạo không ngon lắm...
Năm nay, theo sự chỉ đạo của xã, huyện, gia đình cấy 7,5 sào giống lúa lai 3 dòng Nhị ưu 986. Theo dõi quá trình lúa sinh trưởng, tôi thấy đầu tư chăm sóc giống như các giống lúa trước đây, ưu điểm là ít sâu bệnh, thân lúa cứng. Khi lúa chín, hạt lúa chắc hơn, đẹp hơn. Gia đình gặt một ít về ăn thử, thấy hạt cơm dẻo, thơm, mềm. Không những người trẻ, người cao tuổi cũng dễ nuốt. Cụ Thoa, 76 tuổi ở bản Na Ngá khoe: "Dân bản ở đây từ trước đến nay chuyên làm lúa nước, có rất nhiều giống lúa đưa vào gieo cấy. Nhưng tôi thấy giống lúa vừa rồi ngon cơm nhất. Nghe con cháu nói năng suất cũng cao hơn trước, chắc là nhà có lúa dư để bán...".
Sau khi gặt xong, gia đình bà Hải dự kiến năng suất lúa sẽ đạt 3,5 tạ/sào, như vậy vụ xuân này gia đình thu về 2,7 tấn lúa Nhị ưu 986, nhiều hơn các vụ trước 4 tạ lúa. Theo tính toán của bà, với số lúa đó, gia đình sẽ bán đi 1,7 tấn, còn lại 1 tấn để ăn quanh năm. Bà Hải cho biết, sau khi tiếp cận với giống lúa này, tâm lý của bà con trong bản rất phấn khởi, vì nhà nào cũng được nhiều lúa, không lo thiếu ăn nữa. Vụ mùa này, bà con cũng muốn gieo cấy giống lúa Nhị ưu 986, nhưng do điều kiện thời gian, thời tiết không phù hợp, bà con chuyển sang cấy giống lúa khác. Chắc chắn vụ xuân tới, bà con yêu cầu địa phương tiếp tục đưa giống lúa Nhị ưu 986 về gieo cấy. Được biết, vụ mùa này, UBND huyện Quế Phong xây dựng cánh đồng mẫu 30 ha tại bản Ná Ngá, với cơ cấu giống lúa NA 02.
Gia đình bà Lương Thị Hải, bản Ná Ngá, vụ xuân này thu về 2,7 tấn lúa Nhị ưu 986, trên diện tích 7,5 sào đất.
Ông Quang Văn Toản - Chủ tịch UBND xã Mường Nọc, cho biết thêm: Địa phương có 16 xóm, bản, với tổng diện tích đất sản xuất lúa nước là 275 ha. Mặc dù là vùng miền núi, người dân ở đây đã có kinh nghiệm thâm canh lúa nước từ bao đời nay. Theo kế hoạch của UBND huyện, vụ xuân vừa rồi đưa vào gieo cấy 150 ha giống lúa lai 3 dòng Nhị ưu 986. Nhưng do địa phương áp dụng phương thức cấy hàng rộng hàng hẹp, nên diện tích giống lúa này tăng lên 200 ha (vì cấy theo phương thức này tiết kiệm được mạ nên diện tích tăng lên).
Lý do bà con cấy hàng rộng hàng hẹp là để sử dụng phân dúi cho hiệu quả. Mấy năm nay, bà con địa phương gần 100% sử dụng phân bón dúi, vừa giảm chi phí, năng suất lúa lại cao hơn, ít sâu bệnh hơn, chống rửa trôi phân bón. Số diện tích 70 ha còn lại, do điều kiện khó khăn về nước tưới nên cơ cấu các giống lúa khác: Nhị ưu 838, Japonika. Qua vụ đầu sản xuất giống lúa Nhị ưu 986 tại địa phương, cho thấy hiệu quả kinh tế cao hơn trước đây. Năng suất nơi cao nhất đạt trên 80 tạ/ha, nơi thấp nhất 70 tạ/ha. Nếu như các vụ xuân tiếp theo được cơ cấu giống lúa này thì chắc rằng bà con không còn lo thiếu lương thực nữa!
Ông Trịnh Xuân Dũng - Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Quế Phong hồ hởi: Việc đưa giống lúa lai vào gieo cấy trên địa bàn huyện đã có từ mấy năm trước, nhưng diện tích manh mún, nhỏ lẻ, hiệu quả không cao. Vụ xuân qua, với sự quyết tâm của lãnh đạo huyện, chúng tôi đã mạnh dạn phối hợp với Công ty Giống cây trồng Nghệ An cung ứng 12 tấn giống lúa lai 3 dòng Nhị ưu 986 để gieo cấy tại một số địa phương, trong đó tập trung nhiều nhất lại xã Mường Nọc, gần 200 ha.
Trong thời gian lúa sinh trưởng, chúng tôi phân công cán bộ chuyên môn theo dõi, cho thấy giống lúa này phát triển tốt, cây và lá cứng cáp, ít sâu bệnh, trổ đều, hạt lúa sáng đẹp, phù hợp với điều kiện miền núi cao này. Một ưu điểm nữa, giống lúa Nhị ưu 986 dé lúa dai hơn các giống lúa khác, nên gặt rất ít rụng, phù hợp với điều kiện thu gặt lúa bằng thủ công của nông dân vùng cao. Huyện Quế Phong diện tích đất trồng lúa nước hơn 2 nghìn ha, tập trung chủ yếu ở các xã vùng ngoài: Châu Kim, Quế Sơn, Mường Nọc, Tiền Phong... đây là những địa phương có thể cơ cấu giống lúa này vào vụ đông xuân.
Vừa qua, huyện phối hợp với xã và Công ty Cổ phần giống cây trồng Nghệ An tổ chức hội thảo về giống lúa Nhị ưu 986. Nhiều bà con trong và ngoài xã nghe nói giống này năng suất cao, gạo thơm, ngon... kéo đến Mường Nọc để chứng kiến và mong được huyện đưa giống về để gieo cấy.
Song, để mở rộng diện tích này đang là bài toán khó, vì hiện tại giá giống cao, trong khi nguồn kinh phí để đầu tư còn chật vật. Muốn bà con trong huyện tiếp cận với giống lúa này thì UBND huyện, tỉnh phải có chính sách hỗ trợ giá giống, bởi vì điều kiện kinh tế của đồng bào các dân tộc vùng cao còn khó khăn thiếu thốn, để có tiền mua 1 kg lúa giống 90 nghìn đồng là điều không dễ.
Đem chuyện này trao đổi với Giám đốc Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nghệ An, ông Nguyễn Ngọc Dũng, được biết: Đúng là giống lúa lai 3 dòng Nhị ưu 986 đã lập kỳ tích trên vùng miền núi Quế Phong. Một lần nữa, đơn vị chúng tôi đã khẳng định giống lúa này không chỉ hợp với vùng đồng bằng, trung du miền núi mà còn thích nghi với vùng miền núi cao.
4 năm trước đây, công ty chúng tôi đã cung ứng giống lúa này cho các huyện đồng bằng và trung du miền núi, như: Yên Thành, Diễn Châu, Thanh Chương, Đô Lương, Quỳnh Lưu, Anh Sơn... gieo cấy vụ xuân. Năng suất khẳng định là vượt trội so với các giống lúa lai khác, hơn nữa gạo này ngon cơm nên người nông dân chọn vào cơ cấu ngày càng nhiều. Đặc biệt, vụ xuân vừa rồi, huyện Thanh Chương cơ cấu trên 90% diện tích bằng giống lúa Nhị ưu 986, kết quả cho thấy là lúa ít sâu bệnh hơn, năng suất bình quân của huyện cũng cao hơn các vụ trước.
Giống lúa Nhị ưu 986 có đặc tính cây cao, bộ lá xanh đậm. Khi thu hoạch bộ lá vẫn còn xanh, lá cứng, đẻ nhánh khỏe, tập trung, sinh trưởng khỏe, chịu rét, chịu hạn, thích nghi trên nhiều chân đất, khả năng chống chịu sâu bệnh hại cao, năng suất bình quân đạt từ 75 - 80 tạ/ha.
Với đặc tính vượt trội đó, Công ty Cổ phần giống cây trồng Nghệ An được Bộ NN - PTNT cho độc quyền nhập khẩu phân phối và cung ứng trên toàn quốc. Nghệ An là đơn vị duy nhất phân phối và cung ứng. Vụ xuân vừa qua, đơn vị cung ứng trên 200 tấn giống lúa Nhị ưu 986 cho bà con trong tỉnh gieo cấy. Tuy nhiên, ông Dũng khuyến cáo, thời gian qua có một số đơn vị cung ứng giống lúa đã đóng giả bao bì giống lúa Nhị ưu 986 để bán ra thị trường, hậu quả là người nông dân gánh chịu?!
Ông Tự Kim - Trưởng phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp - PTNT), đánh giá: Việc đưa giống lúa lai 3 dòng Nhị ưu 986 lên gieo cấy ở xã Mường Nọc trong vụ xuân vừa qua đã khẳng định được tính thích hợp của nó đối với các huyện vùng miền núi cao, những nơi có điều kiện để thâm canh lúa nước.
Hiện nay, diện tích đất có khả năng thâm canh lúa của các huyện miền núi cao tương đối nhiều: Quế Phong (1.200 ha), Quỳ Châu (1.000 ha), Kỳ Sơn (200 ha), Tương Dương (200 ha), Con Cuông (800 ha). Nếu các địa phương này cơ cấu giống lúa lai 3 dòng Nhị ưu 986 vào những vùng đất có điều kiện thâm canh, thì sản lượng lương thực hàng năm sẽ cao hơn trong khi tâm lý của đồng bào vùng cao hiện nay vẫn mong đợi những giống lúa có năng suất cao để đảm bảo lương thực.