CÁc tỉnh thành được chọn là Hà Nội, Lào Cai, Yên Bái, Hà Tĩnh, TPHCM, Khánh Hòa, Lâm Đồng và Long An. Theo đó mỗi tỉnh tham gia xây dựng mô hình điểm sẽ lựa chọn ra 3 trạm tại ba vùng (vùng 1-2-3) phân theo mức độ khó khăn của người dân trong tiếp cận đến bệnh viện, trung tâm y tế hoặc phòng khám đa khoa khu vực.
Theo Bộ Y tế, một trong những mục tiêu của Đề án này là việc lập và quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân. Việc quản lý sức khỏe toàn diện, liên tục sẽ giúp phát hiện sớm hầu hết các bệnh thông thường và giải quyết sớm ngay tại tuyến khám, chữa bệnh ban đầu, hạn chế biến chứng và diễn biến bệnh nặng, giúp giảm quá tải bệnh viện, giảm áp lực với ngành y tế.
Tuy nhiên, việc triển khai lập hồ sơ sức khỏe cá nhân tại tuyến y tế xã vẫn chưa phát huy tối đa hiệu quả do những khó khăn về cơ chế tài chính, khả năng cung ứng dịch vụ…
Ông Lê Nhật Thành - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh cho biết, hiện 32/32 xã trên địa bàn huyện Hương Sơn đã triển khai lập và quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân, với gần 50% dân số trong toàn huyện. Tuy nhiên hiện nay người dân vẫn chưa hiểu được ý nghĩa của việc lập hồ sơ sức khỏe cá nhân.
“Chúng tôi tập trung tuyên truyền để người dân hiểu được vai trò quan trọng của việc lập hồ sơ sức khỏe cá nhân, để quản lý tốt sức khỏe cho nhân dân. Việc triển khai cần kinh phí rất nhiều, trong khi ở cơ sở còn gặp nhiều khó khăn cho tuyến huyện, tuyến xã. Hy vọng khi thực hiện mô hình điểm trạm y tế xã, 6 xã của huyện sẽ được ngành y tế quan tâm và từng bước quản lý sức khỏe của người dân hiệu quả như mục tiêu của Đề án” - ông Lê Nhật Thành nói.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, thời gian tới 26 trạm y tế xã xây dựng mô hình điểm cần từng bước thực hiện ngay việc lập và quản lý hồ sơ theo hộ gia đình. Đây là tuyến y tế gần dân nhất, nhanh nhất thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.
Theo Bộ Y tế, 26 trạm y tế xã thực hiện mô hình điểm sẽ triển khai quản lý sức khỏe, quản lý, theo dõi, điều trị bệnh không lây nhiễm, mạn tính, tâm thần… tại gia đình và cộng đồng; Đồng thời tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho một số đối tượng như người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em dưới 6 tuổi. Bên cạnh đó, các trạm y tế xã thực hiện mô hình điểm sẽ thiết lập hệ thống quản lý, theo dõi sức khỏe liên thông 2 chiều giữa các tuyến trên và tuyến xã.
Việc lập hồ sơ theo dõi sức khỏe sẽ giảm được phiền hà cho người bệnh và thuận lợi cho y bác sĩ. Các y, bác sĩ sẽ nắm được thông tin chỉ số sức khỏe cơ bản, tiền sử bệnh tật, từ đó hướng dẫn, tư vấn, đưa ra phác đồ điều trị, chăm sóc sức khỏe tốt, phù hợp nhất đối với từng người dân./.