(Baonghean.vn) - Với đội ngũ y bác sỹ tâm huyết, kinh nghiệm, cơ sở hạ tầng khang trang, Trạm y tế Mường Nọc trở thành địa chỉ tin cậy đối với đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn. Trong nhiều năm, trạm liên tục hoàn thành các nhiệm vụ và chỉ tiêu đề ra, xứng đáng là đơn vị đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế giai đoạn 2015 - 2020.

images1560106_tr_m_y_t__x__m__ng_n_c.jpgTrạm y tế xã Mường Nọc (Quế Phong)

Nhìn cơ sở vật chất khang trang hiện nay, ít ai biết rằng, những năm 1995 trở về trước, Trạm Y tế xã Mường Nọc đã phải “tá túc” tạm thời tại cơ sở cũ của bệnh viện đa khoa huyện. Lúc này, toàn bộ cơ sở đã xuống cấp; hơn nữa, nhận thức của người dân đối với công tác chăm sóc sức khỏe chưa được chú trọng nên việc vận động người dân khám sức khỏe còn gặp rất nhiều khó khăn.

Bác sỹ Võ Thị Phương - Trạm trưởng Trạm Y tế xã, nhớ lại: Hồi đó, khái niệm tiêm vắc xin cho trẻ em xã Mường Nọc rất xa lạ đối với bà con vùng cao, bởi nhận thức, sự hiểu biết của phụ huynh nơi đây còn hạn chế. Vì vậy, các y, bác sỹ làm việc tại trạm thường tranh thủ xuống từng thôn bản, đến từng nhà dân để làm công tác tuyên truyền, vận động; thậm chí phải đem theo thuốc để trực tiếp tiêm tại nhà cho trẻ. Khó khăn nhất là gặp phải những ông bố, bà mẹ có tư tưởng bảo thủ, buộc các y, bác sỹ mất nhiều công sức để thuyết phục, thậm chí còn bị họ né tránh, xua đuổi…

Trạm y tế Mường Nọc (Quế Phong) quan tâm chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Đến năm 2000, Trạm Y tế xã Mường Nọc được chuyển xuống cơ sở mới, đóng tại bản Na Ngá với một căn nhà cấp 4, có 4 phòng làm việc chật hẹp. Được sự quan tâm tài trợ một số trang thiết bị của tổ chức JICA Nhật Bản như bình ôxy, máy nghe tim thai, lò sưởi, máy xét nghiệm nước tiểu; cộng với công tác truyền thông tốt nên nhận thức của bà con đối với công tác CSSK ban đầu có nhiều tiến bộ. Đến năm 2012, Tập đoàn Bảo Việt cũng đầu tư, xây dựng cho trạm một nhà làm việc 2 tầng, với 8 phòng chức năng; Dự án RBF và Dự án IVEN trang bị cho trạm một số trang thiết bị y tế cần thiết; UBND huyện đầu tư xây dựng một số công trình phụ nằm trong khuôn viên trạm…diện mạo của trạm y tế có sự thay đổi lớn.

Nhờ đó, hiện nay, Trạm Y tế xã Mường Nọc được xem là một trong số ít đơn vị y tế của huyện được xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất quy mô hoành tráng, vững chãi nhất. Hiện có 6 cán bộ làm việc tại trạm, cùng với 16 cán bộ y tế phân bố ở 16 thôn, bản. Hàng năm, trạm thực hiện đầy đủ, đạt chất lượng tốt, đáp ứng chỉ tiêu 100% các Chương trình mục tiêu Quốc gia y tế, như: Chương trình phòng chống các bệnh dịch nguy hiểm, bệnh xã hội, HIV/AIDS; chương trình vệ sinh an toàn thực phẩm, chương trình Dân số/KHHGĐ, chương trình y tế học đường, chương trình vệ sinh môi trường...

Đặc biệt, trạm có đầy đủ  khả năng để thực hiện các kỹ thuật theo quy định phân tuyến kỹ thuật của Bộ Y tế; Trung bình mỗi năm, trạm y tế xã đã tổ chức khám, chữa bệnh cho 8.476 lượt bệnh nhân; đạt 1,33 lần/người/năm. Tháng 11/2015, Trạm Y tế xã Mường Nọc là đơn vị đại diện cho xã được công nhận đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về Y tế giai đoạn 2015 – 2020, với 90,5/100 điểm.

Chăm sóc vườn thuốc nam tại Trạm y tế xã Mường Nọc.

Bác sỹ Võ Thị Phương - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Mường Nọc, khẳng định: Thời gian tới, trạm sẽ tiếp tục tăng cường công tác truyền thông tại cơ sở dưới mọi hình thức; phấn đấu 50% số lượng người có khả năng hiểu biết về cách phòng, chống các loại dịch bệnh thông thường; tích cực chủ động phòng, chống dịch bệnh, không để dịch lớn xẩy ra; thực hiện tốt các mục tiêu quốc gia về y tế; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân toàn xã; phát triển phương pháp điều trị bằng y học cổ truyền kết hợp y học hiện đại...


Thu Hương

TIN LIÊN QUAN