Quay trở lại thời điểm năm 1991, Nghệ An có 68 vụ dịch với 108.000 người mắc SR và 824 người tử vong do sốt rét. Trước tình trạng nguy biến này, Bộ Y tế đã triệu tập hội nghị toàn quốc đột xuất được tổ chức tại Thành phố Vinh; nơi dịch bệnh SR đã gây nên những hậu quả nghiêm trọng ở phạm vi các huyện Quế Phong, Qùy Châu và Quỳ Hợp để trực tiếp chỉ đạo các biện pháp khống chế dịch bệnh phát triển với trách nhiệm được giao cho lãnh đạo các cấp chính quyền, ngành y tế tỉnh và các huyện trọng điểm.


Nghệ An là một tỉnh có các điều kiện để triển khai thực hiện các giải pháp một cách đồng bộ nhằm phấn đấu đưa tình hình sốt rét trên địa bàn tỉnh giảm xuống hàng năm. Trên cơ sở này, với các kết quả đạt được theo mục tiêu chỉ đạo của dự án quốc gia phòng, chống SR hàng năm; ngành y tế sẽ tiếp tục phấn đấu chuyển chiến lược, từ chiến lược phòng chống sốt rét sang chiến lược loại trừ sốt rét ra khỏi cộng đồng.


Hiện tỉnh ta có 291 xã với dân số 3.067 người sống ở vùng sốt rét lưu hành, trong đó có 264 xã và 1968 thôn bản với trên 800.000 người sống ở vùng sốt rét lưu hànhvừa và nặng; So với kết quả phân vùng dịch tễ SR trước đây, vùng dịch tễ SR tại Nghệ An có sự chuyển biến và thay đổi. Số xã và dân sống ở vùng sốt rét lưu hành nặng và vùng sốt rét lưu hành vừa nội địa đã giảm. Kết quả này khẳng định tình hình bệnh sốt rét tại tỉnh nhà đã có chuyển biến tốt sau các năm tổ chức thực hiện, tác động biện pháp can thiệp hiệu quả.


Theo thống kê năm 2010, toàn tỉnh số bệnh nhân SR giảm 9,65% so với cùng kỳ, ký sinh trùng giảm 6,25% so với năm ngoái, số bệnh nhân SR rét chiếm tỷ lệ 0,51/ 1.000 dân số chung; dịch sốt rét được chủ động khống chế không xảy ra trong nhiều năm liền.

Tình hình SR được ổn địnhnhờ sự phấn đấu quyết liệt của công tác phòng chống SR từ tỉnh xuống cơ sở, nên trong năm 2010 chỉ có 1 bệnh nhân tử vong, và một dịch SR nhỏ ở Kỳ Sơn. Tỷ lệ ký sinh trùng SR trên lam máu xét nghiệm chiếm 0,004%. Đặc biệt, qua điều tra cắt ngang ở nhiều điểm, không phát hiện được người có lách sưng và sốt lâm sàng, chứng tỏ vùng dịch tễ lưu hành bệnh đã được khống chế.


So với 20 năm trước, đến nay không còn đối mặt với thảm hoạ sốt rét ác tính, tử vong và nguy cơ dịch sốt rét xảy ra. Do ngành y tế đã tích cực triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống sốt rét một cách chặt chẽ, có hiệu quả theo kế hoạch hàng năm.

Tổ chức mạng lưới chuyên khoa từ tỉnh đến huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn, thôn bản, tổ dân cư đã hoạt động có nề nếp; việc quản lý hoạt động có quy trình, có trách nhiệm.

Mạng lưới được tăng cường sức mạnh bởi chương trình quân dân y kết hợp ở cơ sở, đặc biệt tại những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng cao, miền núi và biên giới. Công tác phòng, chống muỗi truyền bệnh sốt rét đã được triển khai ngay từ đầu mùa bằng biện pháp tẩm màn ngủ và phun tồn lưu hoá chất để chủ động khống chế bệnh phát triển.

Đến nay bình quân 2 người có một màn đôi và đã có thói quen sử dụng màn chống muỗi khi ngủ, đồng thời tham gia, hưởng ứng tích cực các đợt tẩm màn ngủ bằng hoá chất xua diệt muỗi.

Công tác phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh sốt rét ngày càng được nâng cao. Các chủng loại thuốc sốt rét được cung cấp đầy đủ về số lượng, chất lượng, kể cả thuốc có hiệu lực cao để các cơ sở y tế thực hiện đúng phác đồ điều trị theo quy định của Bộ Y tế...


Tuy SR tạm thời ổn định trên địa bàn tỉnh nhưng nguy cơ SR quay trở lại không tránh khỏi do mầm bệnh vẫn còn. Nguyên nhân là các yếu tố di biến động dân cư còn lớn (4 phần nghìn), việc giao lưu qua lại biên giới, đi rừng và ngủ rẫy của người dân chưa được kiểm soát hết, tư tưởng chủ quan của một số bộ phận cán bộ, nhân dân, kể cả cán bộ y tế còn lơ là trong công tác PCSR...

Từ thực tiển PCSR trong thời gian qua, những người làm công tác PCSR cần đúc rút ra các bài học kinh nghiệm để duy trì thành quả PCSR một cách bền vững. Đó là cần tăng cường củng cố mạng lưới PCSR từ tỉnh đến thôn, bản nhằm bảo đảm việc giám sát và điều trị ngay tại tuyến đầu để giảm tử vong và ngăn chặn gia tăng.

Hoạt động giám sát dịch tễ phải được thường xuyên, liên tục, có sự đầu tư thích đáng về nhân lực, vật lực và thời gian. Xã hội hóa công tác phòng chống SR, lồng ghép và huy động lực lượng tham gia PCSR trong các hoạt động chung của ngành y tế, tăng cường công tác Truyền thông giáo dục sức khoẻ...


Xây dựng các yếu tố bền vững để duy trì thành quả PCSR vừa là tiền đề vừa là cơ sở khoa học quan trọng trong việc làm giảm, tiến tới ổn định và thanh toán cơ bản bệnh SR, quan điểm của ngành y tế là tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm soát sốt rét ngoại lai, không để mầm bệnh xâm nhập vào nội địa. Khi không còn phát hiện và khẳng định không còn ký sinh trùng SR nội địa vẫn phải thực hiện các biện pháp phòng, chống SR tích cực không để sốt rét quay trở lại trên địa bàn tỉnh nhà.


Nguyễn Văn Long