Phụ huynh chung tay xây trường

Giữa tháng 8, điểm trường mầm non Pà Cồ (Trường Mầm non xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu) như một tiểu công trường. Gần đến ngày cuối thi công, không khí dường như khẩn trương hơn. Không chỉ thợ xây dựng mà còn rất nhiều phụ huynh đến “tăng cường”, dọn dẹp vệ sinh gấp rút hoàn thiện một phòng học và một phòng chức năng mới. Dễ nhận thấy không khí vui tươi, hồ hởi, tất cả vì con em, vì học sinh thân yêu ở nơi đây... 

Thời điểm này, Trường Mầm non xã Châu Hạnh cũng đang phấn đấu xây dựng đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1. Với việc được các cấp ưu tiên, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đã và đang tạo điều kiện thuận lợi để nhà trường hoàn thành mục tiêu đề ra, cũng như nâng cao chất lượng giáo dục. 

Cô giáo Lương Thị Bình - Hiệu trưởng Trường Mầm non Châu Hạnh

bna_image_2398863_1582019.jpgNăm học 2019 - 2020, điểm trường mầm non Pà Cồ (xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu) có thêm 1 phòng học và 1 phòng chức năng. Ảnh: Thành Chung

Trước thềm năm học mới, toàn huyện Quỳ Châu có 10 phòng được xây mới và nhiều phòng khác được nâng cấp sửa chữa, nâng tỷ lệ phòng kiên cố của huyện lên 87%.

Hiện nay về tổng thể, hệ thống phòng lớp ở các trường trong huyện đều đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, để đạt theo quy chuẩn mới thì chưa đảm bảo. Để khắc phục điều này, ngành Giáo dục Quỳ Châu đã và đang cố gắng từng bước, trước mắt là ưu tiên cho các trường trong lộ trình xây dựng chuẩn Quốc gia và các trường đề nghị kiểm tra công nhận lại.

Bà Lương Thị Hà - Phó Phòng Giáo dục huyện Quỳ Châu

Tương tự huyện Quỳ Châu, việc lồng ghép các chương trình dự án, trên địa bàn, huy động các nguồn tài trợ tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục cũng được huyện Quế Phong thực hiện tốt.
Bước vào năm học mới 2019 - 2020, Quế Phong đang xây dựng, hoàn thiện tiếp 20 phòng học, trong đó Trường Tiểu học Cắm Muộn 17 phòng, Trường Mầm non Châu Kim 4 phòng, Mầm non Mường Nọc 6 phòng và Trường Mầm non Châu Thôn 3 phòng.

Đến nay toàn huyện có 761 phòng học, trong đó có 536 phòng học kiên cố, 183 phòng bán kiên cố và 41 phòng tạm. Thời gian tới, huyện tiếp tục nỗ lực để xóa 41 phòng học tạm này.

Ông Lữ Thanh Hà - Trưởng phòng Giáo dục huyện Quế Phong

Còn 1.169 điểm trường lẻ
Thực hiện chủ trương xóa các điểm trường lẻ, cả hệ thống chính trị xã hội huyện Quế Phong đã vào cuộc để vận động phụ huynh. Khi được vận động, phần lớn các phụ huynh tán thành, ủng hộ việc xóa các điểm trường lẻ sẽ giúp cho con em học tập tốt hơn. Hơn nữa, hiện nay, nhờ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nên hệ thống giao thông liên xã, liên thôn, bản cũng tốt hơn, không còn gập ghềnh, lầy lội khó đi như trước. Do vậy, việc đến lớp của học sinh cũng dễ dàng hơn.
Bước vào năm học này, Quế Phong đã xóa được 10 điểm trường lẻ. Bao gồm 6 điểm trường lẻ ở bậc học tiểu học (Mường Nọc, Châu Thôn, Cắm Muộn, Tri Lễ 2 và Tri Lễ 4), 4 điểm trường lẻ ở bậc học mầm non (Mường Nọc, Tiền Phong, Châu Kim và Châu Thôn)... Tuy nhiên, số lượng điểm trường lẻ vẫn còn rất nhiều.

Hiện tại toàn huyện ở bậc học mầm non vẫn còn 51 điểm trường lẻ, ở bậc học tiểu học có 65 điểm trường lẻ. Cản trở lớn nhất là do giao thông đi lại khó khăn, cách khe, cách suối nhiều. Hơn nữa, ở nhiều địa bàn do tập tục làm nương rẫy của đồng bào đi rất sớm và về muộn nên một số phụ huynh vẫn muốn duy trì điểm trường gần nhà để các cháu dễ đi lại. 


Ông Lữ Thanh Hà  - Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quế Phong.

Phụ huynh trẻ điểm trường mầm non Pà Cồ, xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu tham gia lao động chỉnh trang trường lớp. Ảnh: Mỹ Hà

Khác với huyện Quế Phong, việc xóa các điểm trường lẻ ở huyện Quỳ Châu có phần gian nan hơn. Trong năm học 2018 - 2019, toàn huyện đã xóa được 2 điểm. Bước vào năm học 2019 - 2020 này, số điểm trường lẻ vẫn giữ nguyên là 55 điểm.

Ở huyện Quỳ Hợp, năm học vừa rồi huyện đã sáp nhập điểm lẻ Trường Tiểu học Châu Quang 2, Tiểu học Châu Lý 1 và mầm non Châu Lý về điểm chính, so với năm học trước giảm được 3 điểm trường. Thế nhưng, bước vào năm học này, việc sáp nhập điểm trường lẻ Cầu Đá về điểm trường chính ở Trường Tiểu học Yên Hợp gặp nhiều khó khăn vì hiện cơ sở vật chất ở điểm chính vẫn chưa đáp ứng được.

Để sáp nhập các điểm trường lẻ thì yêu cầu đầu tiên vẫn là yếu tố cơ sở vật chất bởi không thể về điểm chính mà lại khó khăn, vất vả hơn điểm trường cũ. Bên cạnh đó, cũng cần phải tính đến đặc thù của từng địa phương bởi học sinh ở điểm trường lẻ chủ yếu là học sinh ở bậc mầm non và tiểu học. Nếu ở tuổi này, các cháu đi quá xa trong điều kiện đường sá đi lại khó khăn, cách trở sông suối thì hết sức nguy hiểm. 

Bà Trần Thị Đào - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quỳ Hợp

Vấn đề xóa điểm trường lẻ, trường lớp tạm cũng là câu chuyện được nói đến khá nhiều tại Hội nghị tổng kết năm học vừa diễn ra vào đầu tháng 8 này. Hết năm học 2018 - 2019, toàn tỉnh đang còn 1.169 điểm trường lẻ (trong đó bậc mầm non có 660 điểm trường, tiểu học 478 điểm trường và THCS là 31 điểm trường) chủ yếu tập trung ở các huyện miền núi, ven biển, vùng khó khăn.

So với các trường trung tâm, học sinh học tại các điểm trường lẻ khó khăn, thiệt thòi hơn nhiều bởi các cháu không có nhiều cơ hội để học các môn thực hành như Tin học, tiếng Anh, tham gia các hoạt động tập thể và điều kiện vật chất cũng còn nhiều thiếu thốn. Chính vì thế, trong quy hoạch phát triển trường lớp hàng năm, ngành giáo dục luôn đặt mục tiêu phải sáp nhập các điểm trường lẻ về điểm trường chính.

Ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo