(Baonghean) - Hiện nay trên điạ bàn tỉnh ta đang có hơn 200 phòng học là phòng mượn, phòng tạm. Tình trạng này đã tồn tại nhiều năm nay nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu...
Cách đây vài năm, câu chuyện về Trường Mầm non Hồng Sơn - một trường nằm giữa trung tâm Thành phố Vinh nhưng học sinh phải học ở các nhà văn hoá khối từng để lại suy nghĩ cho nhiều phụ huynh. Hai năm qua, những tưởng khi trường được chuyển về địa điểm mới thì phụ huynh và học sinh của nhà trường sẽ không còn phải lo lắng chuyện trường tạm, lớp mượn nữa. Tuy nhiên mới đây khi quay trở lại thăm trường, chúng tôi được cô giáo Lê Thị Hồng Anh - Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Trường chuyển về đây từ ngày 31/8/2009, nhưng thực tế ba năm qua trên giấy tờ chúng tôi vẫn chưa có trường học, chúng tôi vẫn đang phải "ăn nhờ ở đậu" tại Trường Tiểu học Hồng Sơn...
Một lớp học ngăn đôi ở Trường Mầm non Hồng Sơn (Tp.Vinh)
Đưa chúng tôi đi một vòng quanh trường, cô hiệu trưởng chỉ cho chúng tôi xem những bất cập khi học sinh của một trường mầm non lại đang phải học trong những phòng học của các anh, các chị. 8 phòng học hiện nay của trường chẳng phòng nào đủ chuẩn, phòng thì to quá, phòng ngăn đôi thì lại nhỏ quá. Hơn nữa, theo thiết kế của các lớp mầm non, phòng học nào cũng phải có dãy hành lang phía sau để xếp ghế, phơi khăn, áo thì ở trường Hồng Sơn chẳng phòng nào có. Khổ nhất là khu vệ sinh. Thông thường mỗi lớp mầm non sẽ có một nhà vệ sinh khép kín, nhưng ở trường Hồng Sơn cả trường chỉ có một khu vệ sinh dùng chung cho khoảng 300 người hết sức bất tiện. Ngay cả phòng làm việc của Ban Giám hiệu cũng hết sức chật chội, phải "nhồi nhét" 4 đến 5 người một phòng. Cô giáo Hồng Anh cho biết thêm: Trường cũng đã nhiều lần lên kế hoạch xây mới hoặc sửa chữa những phòng học đã cũ nhưng tài sản của trường vẫn đang thuộc trường tiểu học nên chúng tôi không quyết định được. Ở Trường Tiểu học Cửa Nam, tuy trường đã "có danh, có phận" nhưng vì diện tích quá bé nên không đủ phòng học. Học sinh của hai khối 13, 14 vẫn đang phải mượn nhà văn hoá khối để học.
Tại Trường Mầm non xã Nghi Đức (Tp.Vinh) lại gặp phải khó khăn khi nhiều năm nay trường nằm trong khu quy hoạch nên không được xây dựng. Để đáp ứng đủ nhu cầu, hai năm nay nhà trường phải dùng vách nhựa để dựng tạm thêm phòng học, hết sức chật chội...
Tình trạng thiếu phòng học ở các cấp học trên địa bàn tỉnh ta còn khá nhiều, riêng ngành học mầm non, thống kế cuối năm học 2010 - 2011 còn thiếu trên 200 phòng, tập trung chủ yếu ở các huyện Thanh Chương, Quỳnh Lưu, Anh Sơn, Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Diễn Châu. Ở cấp tiểu học, trung học cơ sở tình trạng phòng mượn, phòng tạm cũng đang là bài toán khó ở các huyện Tân Kỳ, Tương Dương, Hưng Nguyên... Thường những nơi tập trung nhiều phòng mượn, phòng tạm là những vùng khó khăn, đời sống dân cư còn thấp nên chính quyền và người dân không có nhiều điều kiện xây dựng trường mới. Như ở huyện Thanh Chương, huyện có khoảng 60 phòng học tạm, tập trung ở các xã Thanh Phong, Thanh Xuân, Thanh Mai, Thanh Lâm. Ở huyện Quỳnh Lưu, dù những năm qua ngành Giáo dục và các địa phương có nhiều cố gắng nhưng ở những xã vùng biển và xã vùng núi như Quỳnh Tân, Mai Hùng vẫn chưa xóa được các phòng học mượn, học sinh vẫn đang phải học ở các nhà văn hoá của xã. Việc còn nhiều lớp học đang phải học tạm bợ ảnh hưởng khá nhiều đến chất lượng dạy và học ở các trường. Nhiều nơi lịch học của các cháu phải gián đoạn vì xã, phường cần phải sử dụng nhà văn hoá. Phòng học của các cháu cũng không thể trang trí theo đúng chuẩn vì còn phụ thuộc nhiều vào thiết chế của các nhà văn hoá, khối xóm.
Theo ông Võ Minh Kỳ - Phó phòng Giáo dục huyện Quỳnh Lưu, vấn đề phòng mượn phải "gỡ" dần dần vì hiện nay các xã đều nghèo, nguồn từ huyện, tỉnh đầu tư thì không có là bao. Ngay tại Thành phố Vinh, vấn đề thiếu quỹ đất để xây trường ở phường Hồng Sơn, Cửa Nam cũng đã được nói nhiều nhưng vẫn chưa giải quyết được. Khả quan nhất là huyện Thanh Chương khi huyện đang có 3 phương án để tạo nguồn như chương trình kiên cố hóa trường học, đề án phổ cập mầm non 5 tuổi và trích tỷ lệ phần trăm tiền quy hoạch đất để xây trường. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoài Nam - Trưởng phòng Giáo dục huyện thì "ít nhất đến năm 2015 mới giải quyết được vấn đề lớp mượn vì một số đề án hiện đang tạm dừng do huyện đang thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ và giá một số hạng mục tăng hơn so với dự toán ban đầu".
Để tháo gỡ vướng mắc về "trường tạm, lớp mượn", hiện nay Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã lập danh sách số lượng phòng tạm, phòng mượn ở tất cả các cấp học để thời gian tới lên kế hoạch hỗ trợ. Sở GD-ĐT sẽ ưu tiên cho những trường thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trước.