Tính đến hết tháng 5, toàn tỉnh có 5.811 người nhiễm HIV, trong đó có 3.179 người chuyển sang giai đoạn AIDS, 1.937 người chết do AIDS. Trong số này, nam giới nhiễm HIV là 5.019 người. Địa phương có số người nhiễm cao nhất vẫn là Thành phố Vinh với 1.790 trường hợp. Tiếp theo là các huyện Tương Dương (673 trường hợp), Quế Phong (615 trường hợp)...

Nghệ An là một trong 7 tỉnh được triển khai toàn diện các chương trình về phòng chống HIV từ dự phòng đến điều trị. Nhờ thế, trong những năm qua, số người nhiễm mới không tăng hơn so với các năm trước (ở mức bình quân từ 550- 600 người nhiễm mới/năm).

Đặc biệt tại các đơn vị, địa phương được triển khai các chương trình, dự án thì số người nhiễm HIV đã giảm đáng kể. Tính đến hết quý 1, chương trình truyền thông trực tiếp thay đổi hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV đã tiến hành truyền thông trực tiếp cho 20.788 lượt người nghiện ma tuý, 11.535 lượt người bán dâm, 2.143 lượt người nhiễm HIV, 3.075 lượt người là thành viên gia đình người nhiễm HIV, 3.775 lượt người thuộc nhóm di dân biến động, 23.883 lượt phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.

Bên cạnh đó, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS của tỉnh cũng đã tiếp tục đẩy mạnh công tác can thiệp giảm tác hại thông qua đội ngũ tuyên truyền viên đồng đẳng, các cộng tác viên, phát miễn phí 152.266 bao cao su, 225.119 bơm kim tiêm sạch, thu gom 167.611 bơm kim tiêm bẩn.


Hoạt động tư vấn xét nghiệm tự nguyện được củng cố và nâng cao chất lượng. Có 3.388 người được tư vấn trước xét nghiệm, trong đó có 3.388 người được xét nghiệm và 234 trường hợp được khẳng định nhiễm HIV.


Song song với các hoạt động trên, thì hoạt động chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV cũng được đẩy mạnh. 8 phòng khám ngoại trú trên địa bàn tỉnh hoạt động khá hiệu quả. Tính đến tháng 5, các phòng khám và Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS đang điều trị ARV cho 1197 bệnh nhân, và số bệnh nhân mới được điều trị dự phòng bằng Cotrimozol là 321 bệnh nhân. Trung tâm cũng đã điều trị dự phòng cho 7 cán bộ y tế và công an bị phơi nhiễm nghề nghiệp... Các chương trình: dự phòng và điều trị lây truyền HIV từ mẹ sang con, khám và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục cũng thu được nhiều kết quả tốt...


Có thể thấy hiệu quả của các chương trình, dự án được triển khai. Nhưng bên cạnh đó, cũng có những con số "giật mình" như số người nhiễm HIV tăng quá nhanh ở các huyện miền núi, tiêu biểu là Quế Phong, Quỳ Châu, Tương Dương, chủ yếu do tiêm chích ma tuý, trong đó, Quỳ Châu và Quế Phong là 2 huyện chưa được hưởng chương trình dự án, mới chỉ có chương trình quốc gia về phòng chống HIV/AIDS.


Trao đổi với chúng tôi, bác sỹ Nguyễn Văn Định, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS cho biết: Thời gian tới, công tác phòng chống HIV/AIDS sẽ được đẩy mạnh và tập trung nhiều hơn ở các huyện vùng sâu, vùng xa, vùng có tỷ lệ người nhiễm cao. Ở những huyện đồng bằng, các hoạt động sẽ đi vào chiều sâu và nâng cao dần chất lượng.

Sắp tới, sẽ có thêm một phòng khám ngoại trú được mở tại huyện Tương Dương, nâng tổng số cơ sở điều trị bệnh nhân nhiễm HIV lên 9 cơ sở trên toàn tỉnh. Trước mắt, các hoạt động can thiệp nhằm làm giảm tác hại sẽ được tăng cường, đặc biệt trong tháng 6 là tháng chiến dịch dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.


Thùy Vinh